CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:59

Báo động việc lệch chuẩn đạo đức ở học sinh, sinh viên.

Lệch chuẩn đạo đức là gì ?

Có nhiều nghiên cứu của giới khoa học trong và ngoài nước về vấn đề lệch chuẩn nói chung và lệch chuẩn đạo đức nói riêng. Theo E. Durkheim, nhà xã hội học người Pháp, sự lệch chuẩn là những hành động vi phạm các chuẩn mực và sự mong đợi từ phía xã hội. Theo từ điển Việt Nam, lệch chuẩn đạo đức là sự biến đổi sai lệch, chệch hướng đi so với cái được coi là chuẩn mực đạo đức của con người đã được qui định. Lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên là những biến đổi sai lệch, chệch hướng về đạo đức so với chuẩn mực của sinh viên.

Một điều cần lưu ý là, lệch chuẩn không nhất thiết phải là hành vi sai trái, mà trong thực tế có thể có những hành vi lệch chuẩn tích cực và hành vi lệch chuẩn tiêu cực. Hành vi lệch chuẩn tích cực là những hành vi tại thời điểm xảy ra, nó không phải là hành vi phù hợp với sự mong đợi phổ biến của cộng đồng xã hội, nhưng bản thân nó lại mang những kết quả tích cực cho cộng đồng. Ví dụ như: những phát minh, sáng chế, những tư tưởng tiến bộ vượt thời đại, đi trước văn minh thời đại.

Sống thử, một trong những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức trong sinh viên

Những biểu hiện hành vi lệch chuẩn đạo đức ở sinh viên hiện nay

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập hiện nay, vấn đề về trình độ chuyên môn ở sinh viên là rất cần thiết. Bên cạnh đó, đạo đức cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Bước chân vào môi trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp với cuộc sống xa nhà, đồng nghĩa với việc sinh viên được sống trong một môi trường tự do. Chính sự tự do đó đã làm giảm ý thức sống của sinh viên, đẩy họ vào cuộc sống buông thả, đua đòi vì lạm dụng sự tự do nếu như họ không ý thức được bản thân mình. Sau đây là một số biểu hiện về lệch chuẩn đạo đức trong sinh viên hiện nay: 

Thứ nhất, sinh viên có nhận thức mơ hồ về chính trị - xã hội, phai nhạt về mục tiêu lý tưởng, thiếu lòng tin vào con đường quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo báo cáo của Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, trực thuộc Bộ GD & ĐT, hiện nay đang xuất hiện “làn sóng ngầm” trong sinh viên khi họ thể hiện thái độ đòi bỏ các môn khoa học Mác – Lênin và tương tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Nguy hiểm hơn, có nơi một bộ phận sinh viên đang mơ hồ về những âm mưu, hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam của các thế lực phản động, họ bị kích động, leo kéo, tiếp tay, tạo cơ hội cho các thế lực này thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Thứ hai, một bộ phận sinh viên chưa ý thức cao về trao dồi tri thức, thiếu trung thực trong học tập, thi cử và trong cuộc sống. Bên cạnh số đông sinh viên luôn ý thức cao, siêng năng trao dồi kiến thức, kiên trì phấn đấu để đạt thành tích cao trong học tập và tích lũy kinh nghiệm thì còn một bộ phận sinh viên xác định sai mục đích học tập, lười nghiên cứu khoa học. Đáng phê phán hơn, còn một bộ phận sinh viên thiếu trung thực trong học tập và thi cử. Họ xem việc sao chép (photo) tài liệu, ăn cắp ý tưởng của người khác trong thi cử, làm tiểu luận và luận văn tốt nghiệp là một việc bình thường.

Thứ ba, đời sống văn hóa của sinh viên diễn biến theo chiều hướng phức tạp, xa rời những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều clip học sinh đánh thầy cô giáo. Đây là một hành động không thể chấp nhận và đáng để lên án, đi ngược lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã tồn tại hàng ngàn năm của dân tộc ta. Đơn cử như trường hợp một nữ sinh trường THPT Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã túm tóc, đánh cô giáo của mình ngay trên bục giảng chỉ bởi giáo viên này ghi tên nữ sinh vào cuốn sổ đầu bài. Hành động này có khác gì em nữ sinh đánh chính cha mẹ của em ?

Đa số sinh viên trẻ tuổi đang có xu hướng sính ngoại, đua đòi. Ngoài ra, họ còn coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần, quan tâm những lợi ích trước mắt hơn những lợi ích lâu dài, … Trong giao tiếp và ứng xử, vẫn còn nhiều sinh viên dùng những từ ngữ thiếu văn hóa, lạm dụng ngôn ngữ pha tạp, méo mó mà họ gọi là ngôn ngữ tuổi “teen”. Trang phục cũng là một hình thức để đánh giá tác phong, phẩm chất của một con người. Có những trường cho phép sinh viên được mặc tự do khi lên giảng đường, một số sinh viên đã có tác phong ăn mặc rất phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục.

Thứ tư, một bộ phận sinh viên đang có lối sống vị kỷ, thờ ơ với các phong trào thanh niên, phong trào sinh viên. Hiện nay, tất cả chúng ta đều được sống trong một thời đại mới với những thay đổi lớn trong cuộc sống. Bên cạnh những thay đổi theo hướng tích cực thì có một số vấn đề tiêu cực đã, đang và ngày càng thịnh hành trong đời sống của chúng ta, đặc biệt là đối với sinh viên – thế hệ trẻ của đất nước mà chúng ta cần phải quan tâm, đó là chủ nghĩa thực dụng. Chủ nghĩa này đã làm cho sinh viên chạy theo lối sống hưởng thụ vì họ cho là hợp mốt, sành điệu. Là tầng lớp trí thức, là những chủ nhân tương lai của đất nước nhưng họ lại có số sống thờ ơ, vô cảm trước những cái xấu, cái ác trong xã hội. Họ sống vội, sống gấp, chạy theo lối sống thực dụng, lối sống ích kỷ,… Tệ hơn, trong nhiều tình huống, sinh viên ngày càng thoái hóa với những biểu hiện, hành động thực dụng thiếu suy nghĩ. Đáng ngại hơn, một số sinh viên ngày nay có suy nghĩ rất “thoáng” về vấn đề hôn nhân gia đình. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã dám “sống thử” với người bạn khác giới. Họ chạy theo một kiểu tình cảm phương tây chớp nhoáng, không giới hạn. Cụm từ “sống thử” đã trở nên quá quen thuộc với họ. Hai người sống chung với nhau như vợ chồng, nếu cảm thấy không hợp thì chia tay một cách nhẹ nhàng. Thủ phạm của các vụ đánh nhau, giết người xảy ra hiện nay đa phần là học sinh, sinh viên tuổi vị thành niên. Mục đích của họ chỉ để phục vụ nhu cầu trước mắt của mình như ghen ghét, trả thù hay vì một chút lòng tham mà trộm cắp, cướp giật tài sản của người khác.

Trên đây là một số biểu hiện về sự lệch chuẩn đạo đức của một bộ phận sinh viên ở nước ta hiện nay. Tác giả xin trích dẫn nhận xét của Giáo sư Vũ Khiêu (Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên PGĐ Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội - nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, để thay cho lời kết. “Thanh niên là hình ảnh tương lai, là niềm hy vọng của hiện tại nhưng vì sao khắp nơi trên thế giới nảy sinh ngày một nhiều những hiện tượng vô đạo đức, sống hư hỏng, không niềm tin”.

ThS. Lê Hoàng Trọng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh