THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:55

Báo chí ở nước Mỹ: Tìm hiểu từ ba góc nhìn

 

Lịch sử truyền thông hiện lên trong bảo tàng Newseum

            Newseum là một cái tên lột tả đầy đủ ý nghĩa là một bảo tàng chuyên về báo chí, truyền thông. Tên của nó ghép bởi hai thành tố news (tin tức) và museum (bảo tàng). Newseum mở cửa đón khách tham  quan chính thức ngày 11/4/2008 nhưng chúng tôi may mắn là tốp khách quốc tế được vào đây hôm 9/4 hai ngày trước lễ khai trương chính thức. Bảo tàng được xây dựng với số kinh phí 450 triệu USD, nằm ở số 555 đại lộ Pennsylvania Avenue, thủ đô Washington DC.

Bảo tàng Newseum

          Có thể nói, cả một lịch sử phát triển của báo chí, truyền thông Mỹ và thế giới đã được tái hiện một cách rất sống động qua bảo tàng này. Để tìm hiểu về báo chí Mỹ thì đây là một góc nhìn tổng quát nhất.

Tại đây người ta có thể tỉ mẩn lật xem từng trang báo cũ phản ánh những sự kiện lớn đã qua, hoặc tìm hiểu tiến trình phát triển của báo chí từ khi ra đời cho đến nay, từ báo in con chữ chì đến công nghệ điện tử trực tuyến, rồi lịch sử phát triển của radio, truyền hình, mạng internet... Nhiều sự kiện được phục hiện qua những hình ảnh động như chiến tranh ở Việt Nam và Tết Mậu Thân, sự kiện phá bỏ bức tường Berlin, vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9... Đặc biệt là sự kiện 11/9, người ta có thể sờ tận tay vào chóp tháp kim loại trên nóc toà nhà Trung tâm thương mại thế giới như còn nóng rực sau cú sụp đổ kinh hoàng, hoặc đọc tất cả những trang nhất các tờ báo lớn trên thế giới số ra ngày hôm sau phản ánh về sự kiện bi thảm này... Không những thế, một hệ thống các màn hình khổng lồ trị giá đến vài ba triệu USD phục dựng không khí qua việc chiếu những đoạn phim tư liệu liên quan đến những sự kiện lịch sử đã qua. Nguyên một chiếc máy bay trực thăng làm truyền hình trực tiếp lơ lửng giữa không gian sáu tầng lầu bằng kính trong suốt của bảo tàng, chiếc xe kỹ thuật làm truyền hình lưu động đầu tiên trên thế giới, chiếc ô tô của một nhà báo bị gài mìn cùng chiếc ba lô và máy ảnh bị nát tươm... cùng vô số những hiện vật khác đã mang đến hình dung về cái giá của những dòng tin mới, không phải chỉ bằng tiền bạc và phương tiện hiện đại, mà còn bằng cả mạng sống nữa... Một loạt 15 phòng chiếu phim, trong đó có phòng chiếu công nghệ 4D phục dựng câu chuyện về hai nhà báo Edward R.Murrow và Nellie Bly tác nghiệp trong thử thách ngặt nghèo của chiến tranh và cấm đoán cách đây hai thế kỷ hoặc khu trưng bày hình ảnh, thông tin về các nhà báo đã được trao giải thưởng báo chí Pulitzer mang lại hình dung về lương tâm và vinh quang của nghề báo đã có truyền thống từ quá khứ...

Vào Newseum, người xem cũng đồng thời có cảm giác đang sống giữa những thác lũ thông tin của chính ngày hôm nay. Hệ thống màn hình khổng lồ có thể ngừng chiếu những phim tư liệu để lập tức cập nhật những tin tức đột xuất nếu cần thiết. Gần một trăm tờ báo lớn ra hàng ngày trên thế giới có mặt tại đây bằng bản in trên giấy hay hệ thống những máy đọc báo có thể cập nhật ngay qua mạng nguyên dạng những tờ báo lớn ở nhiều quốc gia ra ngày hôm đó...

Cũng tại Newseum, có những trò chơi nuôi dưỡng tình yêu nghề báo mà trẻ em thường là người chơi chính. Chúng có thể tập sự nghề báo qua việc thực hiện những đoạn phỏng vấn hoặc phát biểu trước Nhà trắng hoặc quyết định để lựa chọn những tin tức giả định đưa lên mặt báo... Những hoạt động này cho một hình dung về tương lai báo chí...

Có báo ngay trước cửa phòng ngủ và trên đường phố

Buổi sáng dậy, tôi đều nhận được các tờ báo được gửi cho mình đặt dưới sàn trước cửa phòng ngủ. Tại Washington DC hay San Francisco cũng đều như vậy, ngay từ sáng sớm. Dưới góc nhìn của một độc giả, tôi thấy mình cũng được báo chí Mỹ coi như là thượng đế, phải đuổi theo mình mà phục vụ. Nhưng tôi không hiểu họ in và phát hành như thế nào mà kịp có sớm thế để phục vụ tôi. Trong số báo chí ấy, bao giờ cũng có tờ The New York Times cùng một số tờ báo khác tùy theo từng địa phương. Qua đây có thể nhận xét, chính tờ The New York Times là tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất ở Mỹ chăng? Đến Mỹ hôm 6/4 thì ngày 8/4, trên trang nhất tờ báo này, đập vào mắt tôi là hình ảnh về hoạt động của người dân ở Làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Bên trong có bài viết về làng này. Trong số quà tôi mang theo có mấy bộ ấm chén nhỏ của Bát Tràng, khi đem tặng ai họ cũng sung sướng, trầm trồ và nhắc tới việc vừa đọc được bài viết về gốm Bát Tràng trên tờ The New York Times. Khi tặng cho ông Steven R. Fuller, luật sư chánh án thành phố Kansas, người đã mời chúng tôi đi uống uytki ở quán rượu Mỹ, ông lắp bắp: “Ông... ông nghĩ lại đi... Liệu ông có cần để tặng cho ai đó rất quan trọng không?”. Tôi bảo tôi tặng ông vì thích ông. Ông nói: “Tôi đang run lên vì sung sướng đây. Tôi đã đi rất nhiều nước, đã đến Việt Nam nhưng chưa có đồ kỷ niệm từ ngôi làng nổi tiếng này. Tôi sẽ bày ở chỗ rất trang trọng trong nhà của tôi”. Tôi biết món quà nhỏ nhẹ của tôi bỗng giá trị hẳn lên một phần là do bài báo trên The New York Times. Cũng trên tờ này, mấy hôm sau, tôi lại thấy hình ảnh đồng ruộng của nước Lào trên trang nhất...

Nhân viên bưu điện mang báo đến từng nhà


Trên đường phố, tôi gặp rất nhiều những tổ hợp các hộp bán báo tự động phục vụ người đọc rất tiện lợi. Ai muốn mua báo, bỏ tiền vào thì mở được hộp ra để lấy tờ báo mình cần. Tôi quan sát, khi cho tiền vào, mở hộp ra thì có thể lấy nhiều tờ báo cùng một lúc. Tất nhiên, người ta chỉ lấy một tờ thôi rồi đóng hộp lại. Cũng có những tờ báo phát không đặt ở những cái hộp có ghi chữ Free. Ai cần thì cứ mở hộp ra mà lấy. Có thể lấy nhiều tờ, nhưng tất nhiên, mỗi người chỉ lấy một tờ.

Hộp bán báo tự động trên đường phố


Một tờ báo ra hàng ngày có tới cả trăm trang, đề cập tới đủ mọi thứ tin tức. Đang lúc cuộc đua căng thẳng giành quyền làm ứng cử viên tổng thống Mỹ giữa Barack Obama và Hilary Clinton nên số báo nào cũng đề cập chuyện này. Ngoài phần tin tức và bài vở thì các trang quảng cáo cũng rất nhiều, giống như các tờ báo ở Thụy Điển, Đan Mạch hay Pháp mà tôi đã có dịp tiếp xúc khi sang đó cách đây mấy năm. Giá một tờ báo chừng 5 đến 7 hoặc 8 đô.

Báo chí Mỹ cũng có đủ loại hình và phải chạy theo, chiều chuộng độc giả để phục vụ họ, chứ không trở thành ngoại lệ được.

 

Đến thăm tòa soạn báo 

Để hiểu kỹ về báo chí thì phải trò chuyện trực tiếp với những người làm báo. Ngoài cuộc trao đổi với ông Gene Mater, một nhà báo khá nổi tiếng, đã làm cho nhiều cơ quan báo chí ở Mỹ, nay là Giám đốc tổ chức Research Freedom Forum và nhà báo Maryann Stevens ở Newseum, chúng tôi đã đến thăm hai tờ báo. Đó là tờ The Star ra đời từ năm 1880, hiện đóng ở Kansas City và tờ San Francisco Chronicle ra đời từ năm 1865 đóng ở San Francisco. Hai tờ báo này đều có trụ sở rất to, trang bị làm việc hiện đại với đội ngũ phóng viên, biên tập lên tới vài trăm người. Qua trò chuyện, thấy làm báo ở Mỹ cũng chẳng “ngon ăn” chút nào. Các nhà báo ở hai tòa soạn này cũng đang phải đối diện với việc suy giảm lượng phát hành. Tờ The Star là một trong gần chục tờ báo của một tập đoàn kinh doanh đa ngành, trước đây phát hành vào buổi chiều hàng ngày với số lượng 300.000 bản và một tờ ra hàng tuần với số lượng 400.000 bản. Nhưng từ cách đây gần hai chục năm, tờ báo này cùng một số tờ khác thuộc tập đoàn đã vấp phải tình trạng kinh doanh thua lỗ, số lượng “rớt” thê thảm, đành phải sáp nhập lại thành một tờ ra vào buổi sáng, giảm số trang và giảm số lượng phát hành xuống còn 200.000 bản/kỳ. Tờ San Francisco Chronicle trước đây phát hành 500.000 bản, nay chỉ còn khoảng gần 300.000 bản/kỳ. Để nuôi phóng viên, biên tập viên và nhân viên cũng như việc duy trì hoạt động của tòa soạn, các tờ báo này phải chuyển hướng kinh doanh sang nhiều hoạt động khác. Đáng chú ý là doanh thu bán báo của cả hai tờ chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% là thu từ quảng cáo và tài trợ.

Tòa soạn The Star

Tôi nghe nói báo chí Mỹ tự do, nhưng tôi cam đoan rằng họ khó mà tự do tuyệt đối được trước các nhà tài trợ và quảng cáo.

Điều này cũng diễn ra ở các tòa báo tại châu Âu như các tờ Aptonbladet, Svenka Dagbladet hoặc tờ tạp chí Hus&Hem ở Thụy Điển mà tôi có dịp đến thăm. Hồi đó tôi đã thấy họ nói bị giảm số bản in khá nhiều và phần quảng cáo cùng tài trợ cũng đã chiếm tới trên 50% doanh thu của tòa soạn rồi.

 Từ năm 2005, khi có dịp đi tu nghiệp ở học viện báo chí FOJO, rồi tiếp xúc với báo chí châu Âu, tôi đã nghe những tiếng than là sẽ hết thời của báo in. Sẽ có ngày người ta phát minh ra một dụng cụ gì đó nhỏ như bao thuốc lá thôi nhưng có thể đọc được rất nhiều tờ báo, rằng một tờ báo không chỉ xuất bản vào một thời điểm cố định trong ngày mà phải cập nhật thường xuyên song hành với sự kiện đang diễn ra. Với các thiết bị đọc báo mà tôi thấy ở Newseum, có thể lật giở nguyên dạng từng trang báo ở khắp mọi nơi trên thế giới, thì hiện thực trong lời than kia là sắp diễn ra.

Và không chỉ có thế, rõ ràng những người làm báo ngày càng càng phải đối diện với nhiều thử thách nghiệt ngã hơn, nhiều khó khăn gian khổ hơn... Nhưng dù sao thì công việc làm báo vẫn còn rất hấp dẫn và còn hấp dẫn nhiều thế hệ nữa. Dù hình thức tồn tại của báo chí có thay đổi như thế nào thì nó vẫn chỉ có một con đường là mang thông tin đi tìm bạn đọc và phục vụ họ một cách tốt nhất...

Nguyễn Thành Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh