THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:42

Bảo Châu: Tự tin, sáng tạo qua từng vai diễn

 

Ba, mẹ là dân gốc Hà Nội, nhưng Bảo Châu được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn và từ nhỏ chỉ nói tiếng Bắc. Đến khi thi đậu thủ khoa vào Trường Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM để đeo đuổi giấc mơ trở thành diễn viên chuyên nghiệp, Bảo Châu mới chợt nhận ra rằng, nếu nói tiếng Bắc thì rất khó hành nghề trên sân khấu đất phương Nam. Thế là từ đó, ngày nào Bảo Châu cũng dành thời gian học nói giọng Nam, như thể người ta học ngoại ngữ vậy. Nhờ khổ luyện mà bây giờ Bảo Châu nói rặt giọng Nam, như một người Nam bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long chính gốc. Nhớ lại những năm tháng mới bước chân vào nghề, Bảo Châu bộc bạch: “Dấn thân vào nghề là phải biết chấp nhận sự nghiệt ngã. Tôi không buồn khi bị đào thải. Nghề này, lúc còn son trẻ thì chịu áp lực cạnh tranh từ những đồng nghiệp, khi đứng tuổi thì dễ bị quên lãng. Bởi thế, nên phải luôn “học” và “hành” sao cho khán giả thấy mình luôn sáng tạo qua thể hiện từng vai diễn…”.

 Với một vẻ đẹp hiền hậu, nụ cười tươi rạng rỡ, Bảo Châu thường được các đạo diễn điện ảnh, sân khấu mời tham gia những vai phụ nữ đoan trang, nết na, nhân hậu được công chúng yêu thích.

  Bộ phim đầu tiên Bảo Châu tham gia là Đoạn cuối ở Băng Kok của đạo diễn Cảnh Đôn và vở kịch đầu tiên thủ diễn là Bến bờ xa lắc của đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Ngay từ những vai diễn đầu tiên ấy, với sự hóa thân vào nhân vật thật tự nhiên và sống động, Bảo Châu đã gây được cảm tình với người xem và được các đạo diễn mời tham gia liên tiếp trong hàng loạt bộ phim, vở kịch. Trong đó nổi bật là: Con nhà nghèo; Nợ đời; Xóm “gà”; Chọn mặt giử vàng; Chuyện tình yêu…và đặc biệt toả sáng qua vai bà Thư trong bộ phim truyền hình dài tập “Mùi ngò gai”. Với nét mặt đẹp, hiền hậu nên Bảo Châu thường được các đạo diễn mời vào những vai thùy mị, nết na trong phim cũng như kịch. Nhưng đến vở kịch Xóm “gà” thì người xem hoàn toàn bất ngờ khi Bảo Châu hóa thân vào vai một cô gái giang hồ với hành động trâng tráo, dạn dĩ ăn nói chua ngoa bốp chát, đanh đá rất giang hồ bụi bặm.

 Bằng phong cách diễn xuất tự tin, giàu cá tính sáng tạo ngay từ những vai diễn đầu tiên trên sân khấu, điện ảnh Bảo Châu đã gặt hái thành công và tỏa sáng (Bảo Châu trong phim Ngày nắng đẹp).

 

Qua sáng tạo đầy biến hóa trong diễn xuất của Bảo Châu cô gái giang hồ vừa đáng thương vừa thật đáng ghét. Bởi, ẩn chứa trong lớp vỏ xù xì gai góc, bất cần đời của cô gái giang hồ ấy vẫn là một tấm lòng tốt, với sự khát khao hướng thiện thật trong sáng, khiến người xem thực sự xúc động, cảm thông và chia sẻ. Những năm gần đây, từ chính kịch chuyển sang sân khấu hài kịch, đối với Bảo Châu là một thử thách mới, nhưng với sự cầu thị luôn học hỏi đồng nghiệp, cô đã nhanh chóng có chỗ đứng vững vàng trên sân khấu hài hiện nay. Bảo Châu chân tình nói: “Sân khấu cứ diễn mãi những vở kịch kinh điển, khán giả cũng cảm thấy chán. Đơn giản vì cuộc sống hiện tại do áp lực công việc làm ăn khiến người ta mệt mỏi, cuối tuần xem kịch đa số chỉ muốn hài kịch để thư giãn giải trí. Nghệ thuật suy cho đến cùng vẫn phải luôn phục vụ công chúng…”

 Là người luôn cầu thị ham học hỏi, có tài năng trong diễn xuất, Bảo Châu nhanh chóng tạo được vị thế vững vàng trên sân khấu và điện ảnh được đông đảo công chúng ái mộ (Bảo Châu trong phim Mùi ngò gai)

 

 Là người thể hiện nhiều vai diễn với những tính cách, số phận cuộc đời khác nhau của người phụ nữ trên sân khấu cũng như trong phim ảnh, Bảo Châu thấu hiểu cuộc đời đủ cả cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố…Chính vì thế Bảo Châu không muốn chính cuộc đời của mình gặp những trắc trở, bẽ bàng, nghiệt ngã như những số phận nhân vật trong kịch, trong phim. Cô dành nhiều thời gian cho sự sáng tạo trong từng vai diễn, nhưng cũng rất quan tâm tới tổ ấm gia đình. Đến nay chút danh tiếng và hào quang nhờ sự nỗ lực trong nghiệp diễn viên mang lại, nhưng với Bảo Châu dường như điều ấy không quan trọng bằng mái ấn gia đình.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh