CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:47

Bàn tay nặn bột - Phương pháp dạy khuyến khích trẻ yêu khoa học

 

Mở đầu bài học về Bóng tối, cô giáo cho học sinh quan sát bức tranh chụp bóng cây vào các thời điểm khác nhau trong ngày để nhận xét, so sánh. Và để trả lời câu hỏi cái bóng xuất hiện ở đâu, khi nào, có hình dạng như thế nào, có thể làm cho bóng của sự vật thay đổi bằng cách nào, các em cùng cùng làm thí nghiệm. Sau khi tự làm thí nghiệm, quan sát, học sinh thảo luận, … theo nhóm, cô giáo gọi bất kỳ một học sinh nào trong nhóm để trình bày các ý kiến.

Học sinh hào hứng tiết học theo phương pháp bàn tay nặn bột.

 

Theo đánh giá của giáo viên, phương pháp bàn tay nặn bột là phương pháp dạy hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, thông qua cách học sinh chia nhóm để tự làm, tự trao đổi, nghiên cứu, quan sát để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề trong cuộc sống. Dạy học theo phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải có tầm hiểu biết rộng, có sự chuẩn bị công phu cho mỗi giờ học từ dụng cụ thí nghiệm, trang thiết bị học tập đến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình học sinh làm thí nghiệm. Bởi khi bắt tay vào làm thí nghiệm, khi thấy có bất cứ hiện tượng gì xảy ra, các em đều đặt ngay câu hỏi cho giáo viên. Điều này đòi hỏi giáo viên phải vững kiến thức để cùng các em giải đáp các thắc mắc, lý giải các hiện tượng một cách khoa học.

Việc áp dụng phương pháp bàn tay nặn bột giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, giáo viên có thể khai thác những kiến thức trong đời sống thực tế của học sinh, từ đó giúp học sinh tự tìm hiểu và hình thành kiến thức mới của bài học. Tiết học nhờ vậy tạo được sự hứng thú cho học sinh vì bản thân các em tự tìm tòi để rút ra được tri thức. Tinh thần làm việc nhóm của học sinh cũng được phát huy tối đa.

Với phương pháp bàn tay nặn bột, việc học sinh mạnh dạn tự đưa ra ý kiến của mình, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất… sẽ góp phần giúp học sinh rèn luyện kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ nói, viết, vẽ, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm khoa học của mình, khả năng hợp tác…

Em Nguyễn Thanh Sơn, học sinh trường tiểu học Phúc Đồng (Hà Nội) cho biết: “Đến tiết khoa học học theo phương pháp bàn tay nặn bột cả lớp rất hào hứng. Chúng em được làm thí nghiệm và quan sát các hiện tượng xảy ra nên thú vị hơn cách mô tả trong sách giáo khoa”.

Do phải chuẩn bị công phu và cần có nhiều thời gian dạy học, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn mỗi giáo viên không nên dạy theo phương pháp bàn tay nặn bột ở nhiều bài học mà chỉ cần dạy học từ 1 đến 2 bài học/chủ đề trong năm học. Nhiều giáo viên dạy học bài học/chủ đề khác nhau, qua nhiều năm thì số bài học/chủ đề được dạy theo phương pháp bàn tay nặn bột sẽ tăng lên.

Bàn tay nặn bột bắt nguồn từ Pháp và lan rộng ra nhiều nước khác. Năm 2000, Giáo sư Trần Thanh Vân, chủ tịch hội “Gặp gỡ Việt Nam” cùng vợ là Giáo sư Lê Kim Ngọc đã giúp các nhà nghiên cứu ở Việt Nam tìm hiểu về phương pháp này và triển khai thí điểm tại một số trường học ở Việt Nam... và được triển khai trên toàn quốc từ năm 2011. Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết: “Để kích thích tình yêukhám phá khoa học cho trẻ nhỏ, tại Pháp, các địa phương đều xây dựng các Trung tâm khoa học để trẻ có thể đến khám phá những trò chơi khoa học. Tại Việt Nam hiện chưa có những trung tâm khoa học, việc dạy theo phương pháp bàn tay nặn bột giúp học sinh làm quen và kích thích tình yêu khoa học”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh