CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:04

Bản Sa Ná (Thanh Hóa): Tang thương sau cơn lũ lịch sử

Nước mắt đau thương

Ngày 5/8, đã ba ngày sau khi dòng lũ dữ tràn về, nước lũ đã bắt đầu rút nhưng những tiếng nước chảy ào ào của dòng suối Son vẫn không át được tiếng khóc ai oán, nỉ non cho những thân phận người xấu số vẫn còn đang mất tích. Những giọt nước mắt đau thương dường như chẳng thể lăn chảy nữa bởi đau thương quá, mất mát quá lớn. Cả một góc bản nghèo bình yên giờ đây bị san phẳng, ngổn ngang đất, cát, cây gỗ dồn ứ, chất thành đống. Những khúc gỗ lớn từ phía thượng nguồn đổ về chắn hết cả lối đi. Những ngôi nhà yên ấm ngày nào giờ chỉ còn trơ lại móng, xiêu vẹo trong đống đổ nát. Hầu hết những người chết, mất tích đều là anh em, họ hàng đã khiến cho bản nghèo càng thêm đau thương.

Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cùng đoàn công tác thăm hỏi, kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu trợ tại bản Sa Ná

 

Nói trong câu chuyện đẫm nước mắt, chị Hà Thị Tâm, em họ anh Hà Văn Vân (nhà có 6 người trong gia đình còn đang mất tích) vẫn còn chưa hết bàng hoàng nhớ lại khoảng khắc hãi hùng khi cơn lũ dữ tràn về.

Cố nén những tiếng nấc nghẹn, chị Tâm kể: “Hàng ngày, mực nước dòng suối Son chỉ dâng chưa đến đầu gối, trẻ nhỏ cũng lội qua được. Mùa lũ, nước suối dâng cao cùng lắm cũng chỉ 1 m. Sáng 3/8, khi cơn lũ đầu về nhưng không to, sau đó mọi người bắt đầu trở lại nhà dọn dẹp. Khi mọi người đang dọn dẹp thì cơn lũ thứ hai bất ngờ đổ về, nó về nhanh lắm, nhanh đến mức mà mình không tưởng tượng được. Dòng lũ  bắt đầu cuốn từ nhà văn hóa bản xuống, trên đường đi mọi thứ đều bị san phẳng. Em đứng mé bên kia đồi mà hét lạc cả giọng bởi vẫn thấy các anh, các chị vẫn đang dọn dẹp ở cuối bản. Chỉ chừng 10 phút sau cả một góc bản bị bùn đất, cây gỗ quét sạch. Cứ nhắm mắt lại là những hình ảnh kinh khủng ấy lại hiện lên trong đầu. Em chẳng thể quên được. Các ông, các bà bảo rằng đây là trận lũ kinh khủng nhất trong lịch sử, chưa bao giờ như vậy. Ngày trước khi cưới em thì bố mất, em cũng mới chỉ mới kịp ăn hỏi. Giờ đây mấy người trong anh em, họ hàng còn chưa tìm thấy xác, em có khóc thì cũng chẳng còn nước mắt nữa bởi mất mát lớn quá…” – chị Tâm nói.

Chị Hà Thị Tâm vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ dữ

 

Vừa mới dành dụm được chút tiền, sửa xong căn nhà bếp nhưng cũng mới được vài tháng. Góc bếp vẫn còn nhưng căn nhà chính đã bị dòng lũ dữ cuốn trôi, chị Hà Thị Tiếng (chị gái chị Hà Thị Tâm) vẫn còn không tin cảnh tượng khủng khiếp trước mắt mình. Hướng ánh mắt về bãi đất trống cạnh con suối, nơi trước đây là nền căn nhà sàn yên ấm của gia đình mình. Liền kề đó, lần lượt cũng là nền móng những căn nhà khác. Thế nhưng, trận lũ quét đã cuốn phăng tất cả.

Chị Tiếng cho biết: Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bố thì lại mất sớm vì bệnh ung thư, mẹ thì tuổi cao. Chồng thì mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Hôm nước lũ về nhà chỉ có ba mẹ con, còn anh ấy đi làm thuê chưa về. Hôm mưa to, thằng lớn 12 tuổi bị đứt chân sau đó được đưa lên trên chòi với mẹ em ở trong đồi, thằng bé 9 tuổi bị nước lũ cuốn, may mà có anh nhà bên cạnh vớt được. Mấy mẹ con thoát nạn khi quay về thì tài sản, nhà cửa đã trôi mất, mất tất cả. Cuộc sống đã khó, giờ thì không biết đến bao giờ mới làm lại được nhà…” – chị Tiếng nấc nghẹn kể.

Mất gia đình, người thân, nhiều phụ nữ tại bản Sa Ná vẫn chưa hết đau buồn

 

Vừa về đến bản vào sáng 4/8, anh Hà Văn Vân (SN 1990) trú bản Sa Ná vẫn chưa hết bàng hoàng, suy sụp tinh thần khi hay tin cả 6 người thân trong gia đình gồm vợ con, bố mẹ và chị gái đang mất tích. Trong câu chuyện đẫm nước mắt anh Vân kể: “Sáng 2/8, bố tôi còn chở tôi ra QL 217 bắt xe lên thành phố để đi làm thuê. Tuy nhiên, mới làm được một buổi chiều thì đến sáng hôm sau nghe tin dữ nên tôi tức tốc về ngay. Do nước sông dâng cao, đi đường rừng thì nước suối chảy xiết không thể về nhà xem tình hình thế nào. Lòng tôi như lửa đốt không thể ăn ngủ được, đành ngủ lại ở xã bên cạnh để hôm sau có thể về nhà sớm. Nào ngờ hôm về thì tất cả đều đã bị cuốn trôi. Hôm tôi đi bố tôi là ông Hà Văn Tiệu (SN 1964), đưa ra bến bè sông Luồng để bắt xe đi. Thật không ngờ, đó cũng là ngày cuối cùng hai bố con tôi gặp nhau” – anh Vân nói.

Anh Hà Văn Vân - người mất 6 người thân trong gia đình

Nỗi đau mất gia đình, họ hàng chưa biết đến bao giờ nguôi ngoai

 

Ông Hà Văn Tom (SN 1965) chú ruột của anh Vân cho biết “Ban đầu có một cơn lũ nhỏ khiến đất đá trôi vào nhà cháu Vân, thế là anh chị tôi, cùng con gái (chị của Vân - PV) cùng nhau chạy xuống nhà để dọn đất bớt cho cháu dâu, khi đang dọn đất thì bất ngờ cơn lũ quét cuốn qua cuốn trôi cả 6 người trong gia đình đi mất. Lúc ấy nhiều người vẫn thấy mọi người ngồi trên mái nhà trôi đi 1 đoạn rồi mất tích hẳn luôn”.

 

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Sau 3 ngày, bản Sa Ná vẫn bị cô lập giữa núi rừng. Dòng nước lũ trên sông Luồng chạy qua địa phương này còn cuộn xiết, đục ngầu. Để tiếp cận bản Sa Ná, các y bác sĩ, lực lượng biên phòng, công an phải dùng ca nô, bè mảng vượt lũ để tới nơi chăm sóc người bị thương và tiếp tế lương thực. Từng chuyến hàng cứu trợ ít ỏi được vận chuyển trên bè mảng rồi cõng vào trong bản. Phía bên ngoài bản Hiềng, nơi dòng sông Luồng chia cắt, hàng trăm người vẫn chờ ngóng thông tin, đợi nước xuống để có thể vào hỗ trợ người thân phía trong.

Một góc bản Sa Ná sau khi cơn lũ dữ về

Nhiều ngôi nhà bị cơn lũ dữ cuốn trôi

Gỗ, đất, bùn lấp đầy con đường đi

 

Tính đến chiều ngày 5/8, lực lượng cứu hộ và người dân đã phát hiện được 1 thi thể tại bản Sa Ná, nạn nhân được xác định là chị Lò Thị Quạn. “Bản Sa Ná vẫn đang trong tình trạng bị cô lập. Một máy xúc đã được đưa vào bản này để khắc phục hậu quả và tìm kiếm những người còn mất tích", ông Tiệu nói.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, bản Sa Ná còn 9 người đang mất tích, chưa liên lạc được. Mọi công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm vẫn đang gấp rút được triển khai.

Cũng trong ngày 5/8, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tới bản Sa Ná thăm hỏi, động viên những người dân vùng bị ảnh hưởng do lũ và chỉ đạo công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả.

Người dân trong bản chuẩn bị sẵn quan tài đón những người chết

 

Chia sẻ với những mất mát về người và tài sản của người dân bản Sa Ná, ông Trịnh Văn Chiến cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn và lực lượng quân đội, công an, các sở, ngành của tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, tích cực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích, giúp đỡ các hộ gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ có nơi ăn, chốn ở, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, huyện Quan Sơn cần xây dựng phương án, bố trí khu tái định cư cho bản Sa Ná. Chậm nhất ngày 30/11 hoàn thành khu TĐC cho người dân, tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng phải có nhà mới và tốt hơn nơi ở cũ; đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Hàng cứu trợ, người thân đón đợi để chờ qua sông Luồng

 

Được biết, toàn bản Sa Ná có khoảng 75 hộ với trên 300 người. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 9 người mât tích. 10 hộ bị sập nhà hoàn toàn, 21 nhà bị cuốn trôi, 4 nhà bị tốc mái, 1 nhà văn hóa bị cuốn trôi, 4,6 ha lúa bị vùi lập.

 

Danh sách 9 người mất tích:

1:  Hà Văn Tiệu (Sn 1964)

2: Hà Thị Thăm (SN 1964) – vợ ông Tiệu

3: Hà Văn Chấn (SN 2012) – Cháu ông Tiệu

4: Hà Văn Quỳnh (SN 2009) – Cháu ông Tiệu

5: Vi Thị Sống (SN 1990) -  Con dâu ông Tiệu

6: Ngân Văn Kiêm (SN 1971)

7: Vi Thị Ọi (1973)

8: Hoàng Gia Long (2019)

9: Hà Thị Vứng (1988)

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh