Bán hàng online: Nghề chưa có chương trình đào tạo bài bản
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:04 - 28/09/2017
ảnh hinh họa
Thất bại vì thiếu kiến thức
Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội) vẫn chưa tìm được việc làm. Sau những trăn trở suy nghĩ, và tham khảo bạn bè, với “trình độ” Zalo, Facebook sẵn có của mình, cậu quyết định dấn thân vào nghề bán hàng online với hy vọng có thể chủ động kiếm tiền, mưu sinh và phát triển. Mặt hàng mà Xuân Anh muốn hướng đến là quần áo, giày dép thời trang. Theo kinh nghiệm cóp nhặt được, Xuân Anh cũng tìm hiểu và tạo lập các đầu mối mua hàng đầu vào, đồng thời chụp ảnh, cập nhật các mẫu hàng hóa và giá bán để đưa lên trang web cá nhân của mình, quảng cáo và trao đổi với khách hàng thông qua mạng internet thường ngày... Tuy nhiên, công việc không hề suôn sẻ như dự kiến ban đầu. Hàng loạt các sự cố xảy ra như cơm bữa, mà phổ biến nhất là khách hàng thường hủy đơn hàng vì những lý do như hàng không đúng với hình ảnh quảng cáo, không mua bởi họ thấy cùng một sản phẩm nhưng web khác lại có giá bán rẻ hơn, và vô vàn các lý do khác... Quá trình bán hàng cũng gặp phải các vấn đề về khách hàng ảo, khi giao hàng đến nơi thì mới biết khách hàng đã chuyển địa chỉ đi từ lâu. Cùng với đó, một số mặt hàng không bán được, cũng không thể trả lại người bán dẫn đến tồn đọng hàng hóa. Sau hơn một năm quay cuồng vật vã, Xuân Anh đành phải chịu lỗ vốn và bỏ nghề bán hàng online.
Nhìn lại quá trình kinh doanh online của mình, Xuân Anh cho rằng, sự thất bại này đến từ suy nghĩ quá đơn giản của mình. Bắt đầu chỉ với chiếc máy tính và sự hiểu biết sơ sài về ngành nghề là chưa đủ. Cậu đã thiếu những kỹ năng quan trọng về quản trị khách hàng, chưa tìm hiểu kỹ các thông tin về khách hàng và những vấn đề liên quan đến đơn hàng, và có thêm đơn hàng. Các kỹ năng viết bài mô tả sản phẩm để khách hàng biết đến sản phẩm, kỹ năng trả lời khách hàng đều rất yếu, do không được đào tạo và thiếu kinh nghiệm thực tế.
Nhu cầu về đào tạo
Theo nghiên cứu của Nielsen (Tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường): Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và đang tăng nhanh nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường di động. Đây chính là thị trường rộng lớn để kênh mua sắm online ngày càng phát triển. Nắm bắt xu hướng này, nghề bán hàng online đang là sự lựa chọn của rất nhiều người.
Dù chưa có thống kê đầy đủ, song ước tính mỗi năm cũng có tới cả chục nghìn người tham gia vào việc bán hàng online ở các mức độ khác nhau, có người muốn tranh thủ bán hàng kiếm thêm, nhưng cũng có rất nhiều người coi bán hàng online là một nghề chính thức. Bán hàng online, phần đông là giới trẻ, họ đang rất cần những kiến thức bài bản để thực sự biết cách bán hàng tốt, hiểu biết thấu đáo cách tìm nguồn hàng giá gốc, biết mặt hàng nào hiện đang bán chạy ngay khi chỉ cần nhìn thấy quảng cáo trên mạng, biết sử dụng thành thạo các công cụ bán hàng online như Zalo, Facebook, Viber hay mở website bán hàng bài bản và chạy quảng cáo trên Google dễ dàng... Đây cũng là một nghề có khả năng tự khởi nghiệp rất cao mà không tốn kém quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, theo khảo sát, cho đến nay, hầu như chưa có trường nghề nào giảng dạy nghề này. Trong xu hướng cả thế giới đang chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề mới có nền tảng công nghệ thông tin đều được chú trọng đào tạo và phát triển. Với nghề bán hàng online, nhu cầu về đào tạo chuyên nghiệp ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Thiết nghĩ, đối với các ngành chức năng, cơ sở đào tạo có thể linh hoạt, lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.