Bán dâm lấy tiền chữa bệnh cho chồng
- Dược liệu
- 20:28 - 07/01/2015
Lầm đường lạc lối
Tôi đến Bôi Câu vào đúng mùa mạ xuống đồng. Nắng tháng sáu bỏng rát, nắng thiêu cháy những lá mạ non khi vừa cắm rễ xuống bùn. Hỏi mấy lượt, tôi mới tìm tới ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ nằm sâu hun hút sau chân núi. Sau hàng rào dâm bụt trổ hoa đỏ lập lòe là người phụ nữ với dáng người đầm đậm, quần áo lấm lem bùn đất đang phơi người trên sân ngô.
Tôi hỏi: “Chị là chị Hoa có phải không?”. Chị lúng túng gật đầu. Trong căn nhà cũ kỹ, tường vôi đã bong tróc, tự giới thiệu là nhà báo, tôi lựa hỏi về quãng thời gian chị đi làm gái bán dâm, chị lặng người nhìn lên di ảnh chồng trên ban thờ rồi khóc. Chị bảo, đó là những chuyện mà chị không muốn nhớ, cái quá khứ buốt xót ấy đã dày vò chị cho đến tận bây giờ mà chưa chịu buông bỏ.
Sinh ra trong một gia đình có đến 7 anh chị em, nghèo khó quay quắt, 18 tuổi chị bước chân về nhà chồng. Chồng chị cũng lam lũ, quanh năm đánh cá, mò tôm dưới sông mà gia đình vẫn bữa no, bữa đói. Nghèo đã đành nhưng chồng chị còn mắc bệnh xơ gan cổ trướng, ốm dặt dẹo. Nói tới căn bệnh của chồng, chị kể: “Bấy giờ nghèo lắm, ăn không đủ thì tiền đâu mà khám bệnh. Đau thì lấy dây thắt bụng lại rồi đi làm. Sau này khi không còn chịu đựng được nữa, đến viện thì bác sĩ bảo sắp chết rồi”.
Chồng lâm trọng bệnh, hai đứa con thơ còn cắp sách tới trường, lại thêm người mẹ chồng gần 80 tuổi như chuối chín cây đều một vai chị gánh. Đầu năm 2000, nợ nần chồng chất, chị vay chỗ nọ đập vào chỗ kia. Sáng chị đi bán rau, chiều đi mò cá thu nhập vài đồng bạc lẻ nên nợ đọng tăng dần. Túng quẫn lắm.
Chị Bùi Thị Hoa
Năm ấy, cô em gái ruột của chị bị lừa bán sang Trung Quốc bỗng trốn thoát trở về. Thấy hoàn cảnh bi đát của chị, cô em gái bảo: “Chị đi theo em ra Hà Nội làm ăn”. Và, cuộc đi “làm ăn” ấy thật là đáng sợ. “Nó dẫn tôi ra Hà Đông, nó bảo đi đóng gạch thuê nhưng sự thật đâu phải thế. Tối đến nó bảo tôi đánh phấn bôi môi ra đứng đường vẫy khách để bán dâm cùng nó. Nhục không biết kể sao nữa”.- chị nói.
Đau đớn ngày trở về
Cho đến giờ chị vẫn còn ám ảnh. Ám ảnh những khuôn mặt phấn son, những lời ngã giá trần trụi. Khách làng chơi từ những thanh niên trai tráng, những đứa trẻ ranh mặt búng ra sữa cho đến cả những ông già ở tuổi “xưa nay hiếm”. Chị cắn răng chiều hết. Chị chịu sự đau đớn khủng khiếp về thể xác, miễn là có tiền gửi về nhà cho chồng chữa bệnh. Mỗi cuộc “giao dịch xác thịt” lúc ấy chỉ có giá 50 ngàn đồng, nhưng đau đớn thay đó là nguồn sống của gia đình chị.
30 tuổi chị đi làm gái bán dâm. Sáu năm trời hết đứng đường chị lại bị “đày” vào “động”. Sáu năm trời chị nói dối gia đình rằng đi gánh gạch thuê. Hai đứa con thơ dại của chị không biết, chồng chị nằm bết bát trên giường bệnh không hay, người mẹ già ở cuối bên kia con dốc cuộc đời cũng chẳng rõ. Chỉ biết rằng, những đồng tiền thiên hạ cho là nhơ nhuốc kia chị dùng đóng học cho con, chị mua thuốc cho chồng, mua tấm áo cho mẹ. “Trong 6 năm ấy, đã có lúc tôi muốn bỏ về vì nhục, vì thấy có lỗi với chồng con. Nhưng lại nghĩ nếu bỏ về thì sống bằng gì. Chồng tôi mỗi lần lên cơn đau là bị thổ huyết. Tôi không bán dâm thì lúc ấy làm gì để nuôi được 5 miệng ăn đây”-chị chua xót.
Một đêm tháng 12/2008, chị bị bắt khi đang bán dâm cho khách làng chơi kém chị đến chục tuổi. Chị bật khóc như đứa trẻ mắc lỗi nhưng mọi thứ đã quá muộn. Nơi quê nhà, nghe tin vợ bị bắt vì tội bán dâm, anh ngã vật xuống giường, ôm ngực thổ huyết vì đau đớn. Ngay trong đêm mưa rét ấy, anh vội vã xuống đồn công an Chương Mỹ, Hà Nội để bảo lãnh cho chị nhưng không được. “Tôi không dám đưa mắt nhìn chồng. Trong tôi lúc ấy là sự tủi nhục không sao kể xiết”-chị tâm sự.
Được đưa vào Trung tâm Giáo dục-Lao động-Xã hội số II ở Ba Vì, chị kể, những ngày mới vào, ngày nào chị cũng khóc. Suốt 9 tháng học tập trong trung tâm chị không thôi day dứt, không thôi suy nghĩ rằng sẽ đối mặt ra sao với chồng, con và làng xóm.
...Chị lập cập mở cánh tủ cũ mèm, xộc xệch, lấy ra một tập giấy tờ. Chị đưa cho tôi xem tờ giấy chứng nhận đã hoàn thành thời gian học tập tại trung tâm cuối năm 2009 được kẹp cẩn thận giữa hai tấm bìa sổ đỏ. Tôi hỏi chị: “Tờ giấy này chị còn giữ làm gì?”. Chị rưng rức: “Tôi chẳng biết, nhưng tôi cứ cất giữ nó ở đấy thôi”.
Giấy chứng nhận hoàn thành thời gian chữa bệnh, cai nghiện
Ngày chị về làng, bệnh tình của chồng đã quá nặng, hai đứa con bên bờ vực phải chia tay con chữ . Thấy cảnh đó chị lại nhắm mắt bước chân đi. Chị ra Hà Nội. Lại đứng đường. Gần 40 tuổi, cái tuổi không còn hấp dẫn cho chị áo cao quần thấp mà vẫy khách. Khách làng chơi ném vào mặt chị rằng: “Bà ngoại về mà ẵm cháu”. Đau đớn lắm. Nhục nhã lắm. Công an dồn bắt, chị chạy từ Lĩnh Nam sang Phạm Văn Đồng rồi lại vòng ra Giải Phóng. Chỉ đến khi chồng chị trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh chị mới quyết phải quay về. Chị nhớ lại: “Trước lúc ra đi anh nắm tay tôi thều thào “tôi chết rồi thì mình đừng đi nữa”.
Nước mắt ngày về mặn đắng, khăn trắng khóc chồng nỉ non, u uất. Người làng đay nghiến chị ngay trong đám tang chồng. Chị nhốt mình trong nhà, gặm nhấm cái quá khứ nhục nhã đó suốt một thời gian dài. Hai đứa con chị đứt đoạn chuyện học hành lao vào đời kiếm sống. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ mới đây thôi đứa con trai lớn đã cưới vợ. Ngày con cưới, chị cứ đắn đo chẳng dám mời ai, sợ người ta không đến vì mẹ nó đã từng là “gái điếm”. “Gái điếm” cái tên mà mỗi khi chị đi ngang qua người ta hay quẳng vào mặt khiến chị đau thắt ruột. Con gái chị ngày còn đi học, mỗi lần cãi nhau với đám bạn, chúng mắng: “Mẹ mày làm đĩ”. Nó chỉ biết khóc.
Ngay cả lúc ngồi trực diện với tôi chị vẫn không dám nhìn thẳng. Tôi hỏi: “Nếu thời gian quay trở lại chị có chọn con đường đó không?”. Chị bảo: “Nếu hoàn cảnh không bắt tôi phải lựa chọn thì tôi sẽ không bao giờ làm”.
Tôi đã từng thâm nhập vào rất nhiều những động mại dâm, tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ từng sa chân vào chốn lầu xanh và nghe họ nói chuyện cuộc đời mình. Có những hoàn cảnh thực sự éo le, bi đát nhưng cũng có trường hợp không phải vậy. Tuy nhiên, với chị, đúng như một vị lãnh đạo xã Bôi Câu đã chia sẻ: “Nếu ở quê có cái nghề cho thu nhập ổn định thì tôi tin họ sẽ không đi làm gái”.
Tắt nắng, tôi chào chị ra về. Ngoảnh nhìn lại thôn Bôi Câu đã chìm trong khói bếp. Bỗng xót xa khi chị nói: “Muốn mua con lợn để nuôi mà cũng chẳng có tiền”. Mới thấy, con đường hoàn lương khó khăn làm sao.