THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:58

Bám công trường ngày xuân

Đầm ấm như Tết nhà

Đứng trên đỉnh đèo Hòn Giao có độ cao 1.800m so với mực nước biển, gió lùa thốc thác, công nhân lái máy súc Lê Minh Chung (Công ty Quản lý và xây dựng công trình miền Trung) biểu thị sự hân hoan xen lẫn chút suy tư bộc bạch rằng; Mùa xuân, gió trên đèo Hòn Giao có khi thổi dộc cả người kèm theo những làn sương mù ken dày, cực lắm. Nhưng đây là con đèo quan trọng nằm trên Quốc lộ 27C nối Lâm Đồng với Khánh Hòa nên công nhân sửa chữa đường phải túc trực liên tục, nhất là trong những ngày Tết, ngày mưa bão. Đã có 3 mùa xuân đón giao thừa ở lán trực phía chân đèo, cứ có sự cố là những công nhân như anh Chung có mặt sửa chữa, khắc phục ngay. Có lúc nhớ nhà, nhớ sự sum vầy da diết lắm nhưng được sự quan tâm của công ty, chính quyền địa phương nên cũng ấm lòng. Công nhân gia cố ta-luy trên Quốc lộ 27C, Lê Văn Hoa (quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) thoáng giật thót khi nghe nhắc đến mùa xuân. Nhưng rồi lại nở nụ cười ấm áp trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió tâm sự; Tết đến ai chẳng muốn về nhà nhưng không ai bám công trường, nhất là trên những tuyến đường trọng điểm thế này thì rất nguy hiểm. Con đèo này thường xuyên sảy ra sạt lở, một bên vách núi, một bên vực sâu thăm thẳm, ngày Tết lượng xe máy lẫn ô tô mỗi ngày lưu thông qua đèo hàng ngàn chiếc. Chỉ cần một sự cố là ách tắc hết. Đúng mùng 3 Tết Bính Thân năm ngoái, giữa đêm hàng chục khối đất đá bỗng thi nhau lăn xuống, hàng chục công nhân phải ra đánh vật đến bầm dập cả tay chân. Xuân Đinh Dậu này vui xuân nhưng tinh thần cảnh giác của những công nhân sửa chữa đường nâng cao hơn, liên tục tuần tra, quan sát. 

 

                                                Chuẩn bị đá để sửa chữa các công trường ngày xuân

Vừa kịp băng bó xong vết thương nhẹ, lại lao vào cùng đồng nghiệp đánh vật với những tảng đá, những khối đất vừa ùa xuống từ cơn mưa trái mùa đầu xuân 2017 trên đỉnh đèo Cả, công nhân Trần Văn Hải nêu bật quyết tâm; Là công nhân sửa chữa, khắc phục sự cố thì phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết không thể để cho giao thông tê liệt được. Con đèo này trọng yếu của tuyến đường Bắc-Nam, nối liền hai tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên, trong những ngày xuân chỉ cần lơ là, một sự cố nhỏ xảy ra không khắc phục kịp là kéo theo nhiều lỡ làng với hàng triệu người. Bởi vậy, sau giây phút giao thừa, những ly rượu mừng, những lời chúc ấm cúng dành cho nhau thì tất cả các công nhân trực sửa đường ngày Tết bật chế độ sẵn sàng trong mọi tình huống. Xa gia đình nhưng mỗi lán trực như một gia đình lớn, đồng đội như anh em.

Tiếp thêm sự nồng ấm cho những công nhân bám công trường ngày Tết, ông Đoàn Thanh Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý và xây dựng miền Trung cho biết; Việc túc trực sửa chữa, khắc phục sự cố trên các tuyến quốc lộ trọng yếu là rất quan trọng, nhất là ngày xuân. Các công nhân ở lại đều được bố trí đầy đủ bánh chưng, mứt Tết, các nhu yếu phẩm cần thiết đồng thời lương, thưởng tắng gấp đôi.

Cho những hành trình thông suốt

Bên cạnh những công nhân túc trực trên các quốc lộ thì công nhân ở các tuyến đường sắt cũng vất vả bội phần. Mỗi lần có sự cố, nhìn những đoàn tàu đang bị ngưng trệ, đứng bánh nghĩ đến hàng vạn hành khách, hàng ngàn tấn hàng đang cần lưu thông, các công nhân kỹ thuật trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn chạy qua các tỉnh Nam Miền Trung lại cùng hô vang khẩu hiệu; thần tốc-cẩn thận-trách nhiệm.

 

                                                Túc trực để thông tuyến khi có sự cố trên Đèo Cả

Công nhân đường sắt Huy Trường (Công ty Cổng phần đường sắt Phú Khánh) vừa quẹt mồ hôi lênh láng trên mặt vừa bày tỏ niềm tin rằng; Ngày Tết, lượt tàu lưu thông nhiều hơn ngày thường. Hầu hết công nhân túc trực đều nắm bắt nhanh các sự cố, tinh nhuệ, tỉ mẫn, cẩn trọng trong việc xử lí. Vậy nên chúng tôi tin tưởng chất lượng của những đoạn đường sắt được sửa chữa rất tốt. Những sự cố bất thường khó tránh khỏi nhưng công tác kiểm tra, rà soát liên tục được tiến hành, kể cả ngày mùng một Tết. Vật những thanh sắt nặng chịch ghép vào mạch đường ray đoạn Khánh Hòa-Phú Yên, anh Trần Ngọc Phúc tâm sự; Bám đường tàu để xử lí các sự cố ngày Tết vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm tự hào. Nhìn những đoàn tàu rộn ràng, thông suốt trong lòng mình cũng vui lây.    

Có 2 mùa xuân túc trực trên Quốc lộ 27C, công nhân Trần Đình Đức thổn thức; Xuân trong lán trực cũng vui nhưng có lúc cũng nản lắm, nhất là khi nghe điện thoại của vợ trẻ, con nhỏ. Nhưng mà quốc lộ này hay có sự cố. Mỗi lần nhìn đoàn xe dài dằng dặc tắc lại càng trăn trở hơn. Niềm trăn trở ấy đã khiến tôi liên tục xung phong trực khắc phục sự cố ngày Tết vì tôi có kỹ thuật lẫn niềm say mê. Cứ nhìn những hành trình thông suốt là trong lòng lại rộn ràng trở lại, mọi buồn nản bị xua tan hết. Còn thấy có chút tự hào nữa.

Nhìn những công nhân hối hả làm việc như chạy đua với thời gian trên công trường hầm Cù Mông, kỹ sư Đặng Văn Toán, Chỉ huy trưởng bắc hầm Cù Mông khao khát; Đây là công trình quan trọng, chia ra nhiều hạng mục, vốn đầu tư lên đến gần 4.000 tỉ đồng. Hầm Cù Mông có vai trò kết nối, giúp giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn giữa Bình Định và Phú Yên đồng thời kích cầu kinh tế các tỉnh Miền Trung. Xuân Đinh Dậu ở tất cả các hạng mục, công nhân lẫn kỹ sư hăng say làm việc với khát vọng cao nhất là cuối năm 2017 này, hầm sẽ được thông tuyến.

 

                                                 Túc trực sửa chữa trên tuyến đường sắt

Gian nan và ước vọng

 Phía sau niềm tự hào, lòng quyết tâm sữa chữa, thi công thật tốt những tuyến đường quốc lộ là nỗi vất vả chất chồng của những công nhân cầu đường. Cùng với sự vất vả đó còn có cả những nhức nhối và ước vọng nữa. Công nhân Nguyễn Văn Tư (Công ty Quản lý và xây dựng miền Trung) thổ lộ; tôi từng lăn lộn trên hàng trăm tuyến đường. Bám trụ bao nhiêu cái Tết để sửa chữa đường, có khi quên ăn, quên ngủ để khắc phục sự cố. Bàn tay có lúc đeo 3 đôi găng vẫn phồng rộp. Ngày nắng thì nhựa đường bốc lên như muốn lột cả da mặt, ngày mưa thì tứ thân ngập ngụa màu đất đá. Sau những cuộc vật vã như thế nhìn những đoàn xe quá tải cày nát cả đường, những tài xế lạng lách phá hỏng ta-luy mà lòng xót xa lắm. Lúc đó chỉ ước vọng đừng có thêm những chiếc xe tải như thế nữa, hãy chấp hành luật, hãy vì sự bền đẹp của những con đường. Công nhân Trần Duy Hùng, mỗi lần nhìn ra tuyến đường huyết mạch nối TP.Nha Trang (Khánh Hòa) với sân bay quốc tế Cam Ranh lại lắc đầu ngao ngán; Có hàng trăm chiếc xe quá tải hàng ngày cày xới như thế thì đường nào chịu cho nổi. Sửa tháng này, tháng sau lại bị cày lên. Nhiều lần lưu thông qua tuyến quốc lộ này, chúng tôi cũng thật sự bất ngờ khi ổ trâu, ổ voi rày đặc. Giờ cao điểm, hàng trăm chiếc xe lưu thông ra sân bay lãnh trọn luồng đất, cát văng xuống từ những đoàn xe tải quá khổ, quá tải xuống. Anh Hùng và nhiều công nhân thổ lộ; Chỉ mong từ mùa xuân Đinh Dậu này, chính quyền địa phương siết chặt quản lý xe quá tải cho khỏi băm tuyến đường này nữa, nhiều tai nạn đã từng xảy ra rồi. Nhiều công nhân túc trực và đón Tết Đinh Dậu trên Quốc lộ 26 (nối Khánh Hòa với Đắk Lắk),  Quốc lộ 27C cũng có chung niềm mong mỏi không còn chịu nỗi ám ảnh xe quá tải phá đường nữa. 

Hà Văn Đạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh