THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:44

Mùa xuân này ở miền quê Tây bắc xứ Thanh

 

Những cuộc gặp gỡ giao lưu của chính quyền, các ngành trong tỉnh bấy lâu là chuyện không mới. Nhưng thông qua hội thảo để khẳng định, diện mạo kinh tế - xã hội của quê hương trong tư duy báo chí mà lãnh đạo Thạch Thành làm được với tôi là một điều ấn tượng, thú vị. Có dịp trò chuyện với Phó Chủ tịch văn xã Bùi Minh Thông về kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Thông tâm sự: “Mấy năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành điểm nhấn thi đua đem lại hiệu quả đáng khích lệ. Đến nay toàn huyện đạt 14,38 tiêu chí. Vốn huy động năm 2016 đạt 27.704 triệu đồng, trong đó vốn đóng góp của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng đạt 14.168 triệu đồng. Tuy nhiên đầu năm rét đậm, toàn huyện thiệt hại tới 1.451,5 ha lúa chiêm xuân. Chưa dừng lại khó khăn do thiên tai gây nên, đến giữa năm 2016 nước sông Bưởi bị ô nhiễm nặng do  “Nhân tai” từ các Công ty kinh doanh chế biến nông sản tỉnh Hòa Bình xả thải nước chưa qua xử lý làm cá chết hàng loạt khiến bà con nông dân nuôi cá lồng đôi bờ sông Bưởi ngậm ngùi nhìn dòng trôi xuôi mà thấy man mác nỗi buồn sông Bưởi”. Ông Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành trưởng thành vốn từ một cán bộ đoàn năng động đầy nhiệt huyết, nói chuyện có duyên. Nghe ông kể “vụ bức tử” con sông quê mà lòng tôi thấy đau đáu chợt nhận ra tình cảm thiêng liêng của mỗi con người dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào mỗi khi gặp khó khăn trở ngại họ đều bình tĩnh tự tin, vững bước vươn lên bởi tình yêu quê hương đất nước đã ngấm vào máu thịt.

 

Đồi cam Vân Du.


Năm 2016 theo đánh giá của thường trực UBND huyện là năm Đảng bộ nhân dân các dân tộc trong huyện giành được nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Nhìn chung kinh tế huyện nhà tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 6.977,26 tỷ đồng, tăng 15,2 % so với cùng kỳ năm trước. Nét nổi bật ghi nhận trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế như: Nông lâm, thủy sản, công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng.Đây là kết quả đáng mừng sau bao nhiêu năm phấn đấu, đầu tư xây dựng, đổi mới Thạch Thành đang trở thành điểm sáng của 11 huyện miền núi Thanh Hóa.

Trong những năm qua nền kinh tế của Thạch Thành được duy trì bảo đảm ồn định trước hết phải dựa trên nền tảng phát triển kinh doanh vùng mía nguyên liệu. Liên tục trong nhiều năm huyện duy trì ổn định diện tích trên 5.000 ha trồng mía nguyên liệu cung cấp trên 300 tấn mía cho nhà máy đường Việt Đài bảo đảm đời sống cho hàng chục nghìn hộ trồng mía xã Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Vinh, Thành Trực, Thành Tân. Năm 2016, Công ty TNHH mía đường Đài Loan - Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ 784 triệu đồng cho bà con nông dân đầu tư thâm canh cánh đồng vùng nguyên liệu theo hướng cánh đồng mầu lớn - cơ giới hóa đồng bộ. Đây là hệ quả phối hợp ba nhà: Nhà nước - Doanh nghiệp - nhà nông theo hướng CNH, HĐH mà cấp ủy, chính quyền Thạch Thành đang mạnh dạn áp dụng ở địa phương. Tháng Chạp này, chúng tôi lại có dịp trở về thăm Thạch Thành, nơi miền đất chiến khu cách mạng Ngọc Trạo đã góp phần tô thắm ngọn cờ đấu tranh của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Trinh, Chủ tịch UBND huyện tiếp chúng tôi chân tình, thân thiện và ấm áp. Ông bảo: Kinh tế - xã hội huyện nhà đang trên đà bứt phá. Phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng gia trại, trang trại đang đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. Ngoài tập trung mũi nhọn cây mía, cao su, bà con nông dân trong huyện đang mạnh dạn đầu tư trồng cam, bưởi và ổi. Qua khảo sát, đất đai thổ nhưỡng đi đến kết luận vùng đất Thạch Thành chủ yếu đất 3 gian phù hợp với cây công nghiệp, trong đó cây cam được ưa chuộng nhất. Đến nay toàn huyện đã có 1.400 ha cây ăn quả các loại trong đó có khoảng 500 ha cam đang phát triển. Tại xã Thành Vân, Thành Công, Thành Minh, Thạch Tượng, Thạch Quảng và Thành Tâm đã được UBND huyện quan tâm chỉ đạo đầu tư hơn 10 tỷ đồng trồng được 50 ha cam, bưởi phát triển tốt. Theo tính toán của các nhà đầu tư cây công nghiệp, nếu trừ chi phí  mỗi ha cam có thể thu về 700-800 triệu đồng/năm. Như vậy mô hình kinh tế phát triển cây cam, bưởi và quả các loại trên vùng đất trung du Thạch Thành đang đem lại hiệu quả đáng mừng. Do phát triển kinh tế vườn đồi  đa dạng, trồng cây ăn quả có thu nhập cao, năm 2015 toàn huyện có hơn 300 hộ mua sắm xe ô tô các loại. Năm 2016 chưa thống kê hết lượng phương tiện mua sắm của bà con nông dân toàn huyện phục vụ đời sống thường nhật cũng phải đến vài trăm xe các loại.

Từ thực tiễn cách làm kinh tế vườn đồi ở Thạch Thành cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương tận tụy chăm lo cho sự phát triển kinh tế với phương châm “lấy dân làm gốc” thì nơi đó màu xanh cuộc sống phủ tràn đầy. Năm cũ khép lại những ưu phiền lo toan để mở ra một năm mới - mùa xuân Đinh Dậu có nhiều hy vọng đang đổi thay ở miền quê Tây Bắc xứ Thanh.

VIỆT KHOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh