CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:08

Canh thức mùa xuân

1. Bố tôi là một người lính. Ông bước vào cuộc chiến chống Mỹ khi đang là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là mùa xuân Mậu Thân năm 1968. Ngày ấy, những chàng trai “xếp bút nghiên lên đường cứu nước” như bố tôi nhiều lắm. Có rất nhiều người đã viết cả huyết thư để được ra trận. Cũng như bao người lính thời ấy, bố tôi đã hòa mình vào đoàn quân điệp trùng ra trận tuyến với tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Sau những đêm hành quân không ngủ trong rừng sâu và trận chiến đấu đầu tiên mà bố tôi nếm trải, ông viết thư về nhà cho mẹ tôi: “Em ơi, đừng buồn. Anh đi rồi anh sẽ về với em trong ngày mùa xuân hòa bình, thống nhất. Nếu anh không về thì đất nước ta nhất định sẽ có được hòa bình”. Lá thư ấy đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Nó được giữ lại như một báu vật của gia đình. Mẹ tôi bảo: “Thời chiến luôn cần những người xung phong ra trận. Bố con là một trong nhiều thanh niên lúc đó đã viết thư bằng máu để được ra chiến trường. Giữ lá thư này để các con hiểu rằng, thời đại nào Tổ quốc cũng cần những con người quên mình, biết sống đẹp, sẵn sàng xả thân vì nước”. Mẹ tôi ấp lá thư lên ngực, nước mắt ngân ngấn nhìn lên di ảnh của bố đặt giữa bàn thờ. Trước khi tôi vào quân đội, tôi đã từng hỏi mẹ: “Sao bố không đi học mà lại chọn ra chiến trường chiến đấu?”. Mẹ tôi trả lời giản dị: “Không ai muốn chọn chiến trường con ạ. Nhưng nếu bố và các chú bộ đội không ra trận tuyến, thì bầu trời trên kia không phải là của con, và cũng chẳng bao giờ có mùa xuân độc lập. Máu xương đổ xuống năm xưa, là hòa bình của ngày hôm nay. Cuộc sống phồn thịnh bây giờ, được đổi bằng hy sinh của những người lính Cụ Hồ ngày trước”.

Chắc tay súng canh giữ nhà giàn.     ảnh Mai Thắng

Ngày bố tôi nằm xuống, tôi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ tôi kể lại, ông hy sinh tại Chiến trường Đ. Đó là mùa xuân 1975 khi dân tộc Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ngày bố tôi đi bộ đội, mẹ tiễn chân nghẹn ngào rơi lệ. Chiến trường khốc liệt, đâu biết rằng đó là cuộc chia tay mãi mãi. Sau 7 năm chờ đợi, mẹ đón bố về. Chỉ khác, không phải đón trong niềm hân hoan sau hơn 2.000 ngày nhung nhớ, mà đón trong niềm đau đứt ruột của sự chia lìa. Mẹ cầm giấy báo tử cùng chiếc khăn rằn chạy ra giữa cánh đồng ôm mặc khóc. Chiếc khăn rằn mẹ tặng bố trước lúc đi chiến trường thay lời hẹn ước “kết thúc chiến tranh mình sẽ gặp nhau” vẫn còn mùi thuốc súng. Một số chỗ thấm máu đào của bố. Mẹ đưa khăn lên chít trên đầu. Nhiều đồng đội đã đến tiễn bố tôi. Họ mặc quân phục, mắt rưng rưng đưa tay chào bố trước giờ tiễn biệt. Giọt nước mắt bùi ngùi tiễn bố tôi mùa xuân năm ấy chồng chất nỗi đau chen lẫn niềm vui ngày nước nhà thống nhất.

2. Tiếp nối truyền thống gia đình, tôi vào bộ đội. Nhớ lời bố dặn trong thư, tôi đi học sĩ quan phục vụ quân đội lâu dài. Sau 5 năm luyện rèn, đèn sách, tôi trở thành sĩ quan và xung phong ra Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ. Hành trang mang theo là tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữa ngàn khơi sóng gió, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, nỗi nhớ đất liền luôn gào xé trong lòng. 11 năm ròng ở Nhà giàn DK1, tôi không nhớ bao đêm không ngủ, cùng đồng đội căng mắt theo dõi mục tiêu lạ xuất hiện trên biển, bao lần xuống tàu tránh bão, nhưng mỗi lần một đồng đội nằm lại ngàn khơi thì không thể nào quên. Năm 1990, cơn lốc lúc nửa đêm đã nhấn chìm Nhà giàn Phúc Tần 3 kéo xuống biển đen 9 cán bộ, chiến sĩ. 3 chiến sĩ đã hy sinh. Đó là Trung úy Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng, Hạ sĩ Trần Văn Là, và quân y sĩ Hồ Văn Hiền. Trước lúc ngã vào lòng biển, Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội. Sau đó một năm, Thuyền phó Quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường đã bị sóng nhấn chìm khi tàu HQ 666 trực tại Nhà giàn Tư Chính 1A trong đêm 30 Tết. Cơn bão quốc tế có tên Fathes đã cướp đi 3 người lính ưu tú: Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Thiếu úy Nguyễn Văn An rạng sáng 13/12/1998 tại Nhà giàn DK1/6 (Phúc Nguyên 2A) để lại bao tiếc thương cho gia đình và đồng đội. Kết thúc năm 2016, Nhà giàn DK1 có 10 cán bộ chiến sĩ hi sinh. Đại úy Dương Văn Bắc - liệt sĩ thứ 10 ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ kiểm tra chân đế Nhà giàn DK1/11 năm 2015 thêm một nỗi đau trong lòng những người giữ biển. Song cũng thật tự hào, bởi sự hi sinh ấy không uổng phí. Đón Xuân Đinh Dậu, cả nước không bao giờ quên sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ phi công trong vụ tai nạn “Su-30”, “ca sa -212”, đặc biệt ba phi công tử nạn trong chuyến bay VN 8632 EC 130-T2 tại khu vực Núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18/102016. Sự hy sinh cao đẹp của những phi công không chỉ khiến triệu triệu người dân đất Việt rơi nước mắt, mà đã chạm đến trái tim nhiều người lính Việt Nam. Song sự hi sinh ấy không vô nghĩa. Bởi các anh đã bảo vệ cho bầu trời Tổ quốc mãi mãi yên bình.

Không khí xuân của chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân.    ảnh Xuân Cường.


3. Nghĩ tưởng thời bình không có mất mát hy sinh, không ai muốn cuốn sổ truyền thống của Nhà giàn DK1 thêm trang mới, chẳng ai mong những người lính Trường Sa ngã xuống rạn đá san hô, để máu đào của các anh hòa vào sóng biển. Chẳng ai muốn những tai nạn bất ngờ liên tiếp xảy ra làm cho những người lính Phòng không Không quân hy sinh hóa thành cánh sếu bay cao mãi giữa trời xanh đất mẹ.

Lịch sử cũng không muốn nhắc lại quá khứ đau thương trong trận hải chiến Trường Sa tháng 3/1988 với 64 người con bất tử nằm lại đảo đá Gạc Ma, song  lịch sử cũng không bao giờ quên những người ngã xuống để có mùa xuân tươi đẹp như hôm nay. Dẫu vẫn biết trong dặm dài trường chinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự hy sinh mất mát là điều không tránh khỏi. Song phải khẳng định rằng, chiến tranh hay thời bình, đất nước phồn vinh hay lâm nguy giặc giã, vất vả hi sinh bao giờ cũng đặt lên vai người lính.

Năm 2016 đã đi qua với bao thách thức ngặt nghèo. Tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi, thiên tai bão lũ hoành hành đồng bào miền Trung ruột thịt. Ở tuyến đầu Tổ quốc, biển Đông luôn là tâm điểm thời sự nóng bỏng. Trong khi đối phương chưa từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông, thì những người lính Trường Sa, DK1, Kiểm ngư, Cảnh sát biển chưa bao giờ ngơi tay súng. Ở giữa trùng khơi bao la ấy các anh vẫn ngày đêm kiên cường bám biển.

Đón xuân Đinh Dậu, những người lính trên mọi miền Tổ quốc, dù đóng quân ở thành phố, đồng bằng, hay rừng sâu, rẻo cao; dù đang bồng súng đứng gác nơi hải đảo xa xôi hay vững tay lái lênh đênh trên những con tàu; dù khoác trên mình màu áo Biên Phòng, phòng không Không quân, Cảnh sát biển, Kiểm Ngư, hay màu áo Hải quân... đều thấu hiểu niềm vinh dự lớn lao, canh thức mùa xuân đất nước, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc để nhân dân cả nước đón Tết yên bình - nhiệm vụ, sứ mệnh của người lính Cụ Hồ thời đất nước hòa bình, đổi mới.

MAI THẮNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh