THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:59

Bài toán đầu ra cho các sản phẩm làng nghề

Nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một

Làng Đại Đồng (thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội) từng nức tiếng một thời, với nghề thêu tranh, nhưng đến nay cả làng chỉ còn duy nhất hộ bà Nguyễn Thị Chắc còn làm nghề trên.

Bà Nguyễn Thị Chắc cho biết, những năm 1960 là  thời kỳ làng nghề phát triển thịnh vượng nhất, hầu như cả làng học thêu, làm nghề thêu. Thời đó, Nhà nước mở lớp dạy, sau đó lập ra Hợp tác xã thêu để tất cả các học viên đều được vào làm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu thời đó là Đông Âu và các nước xã hội chủ nghĩa. 

Bà Chắc nhớ lại: “Hồi xưa các xã viên làm trong Hợp tác xã ngày làm 8 tiếng, tay nghề chính được nhận 18kg gạo/tháng/người, tay nghề phụ nhận 13,5 kg/ tháng/người. Lương 300 đồng/ tháng. Thu nhập như vậy vào thời đó coi là khá ổn định, mua được 2 tạ thóc nên nghề thêu thu hút nhiều người”.

Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, tranh thêu tay không còn thị trường. Bắt đầu từ những năm 1991 trở đi thì số lượng người dân làm nghề thêu suy giảm và cho đến thực trạng bi đát như hiện nay.

Bài toán đầu ra cho các sản phẩm làng nghề

Theo bà Chắc, mặc dù gia đình bà vẫn làm nghề nhưng thị trường tiêu thụ tranh hầu như không có, bà thêu vì yêu thích và chỉ làm vào những lúc nông nhàn. Từ năm 2010 đến nay số lượng tranh thêu mà bà Chắc bán được đếm trên đầu ngón tay. Năm 2011 bà may mắn bán được 4 bộ tranh tứ quý cho khách nước ngoài đến thăm quan. Hiện tại, nhà bà vẫn còn mấy chục bức, chủ yếu là tranh phong cảnh. 

Bà Chắc cho biết thêm: “Trước giờ tôi vẫn luôn động viên con cái học và theo nghề thêu nhưng đứa nào cũng bảo, nghề này không ổn định, bọn con mà theo nghề này thì khổ lắm”. Trước thực trạng làng nghề càng ngày càng mai một,  chính quyền địa phương đã mở hai lớp đào tạo dạy nghề thêu.

Tham gia lớp, các học viên được hỗ trợ ăn uống và phí đi lại. Lớp đầu tiên thu hút được hơn 80 người, lớp thứ hai có khoảng 60 người tham gia. Nhưng sau khóa đào tạo không một ai gắn bó với nghề.

Là vùng đất có nhiều lành nghề truyền thống, Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống, từ chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất đồ gỗ, sắt thép, đúc đồng, nhôm đến làng nghề thêu, dệt... hiện một số làng nghề của Bắc Ninh cũng lâm vào tình trạng bí đầu ra.

Ông Nguyễn Tiến Nên, Chủ tịch UBND xã Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, năm 2014, toàn xã có 230 hộ sản xuất gốm với khoảng 600 lao động, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày công. Một năm, tổng doanh thu từ sản xuất gốm ước đạt từ 45 - 50 tỷ, chiếm khoảng 32% thu nhập trong toàn xã.

Hiện tại, trên địa bàn xã đã thành lập 2 Cty gốm Nhung và gốm Trí Việt và khoảng 20 xưởng sản xuất gốm mỹ thuật; đã thành lập 1 Hiệp hội làng nghề gốm, với đại diện là hơn 30 hộ trong xã để duy trì và phát triển làng nghề một cách bền vững.

Làng nghề sản xuất gốm Bình Định.

Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra tiêu thụ sản phẩm bị động, nhỏ lẻ, các hộ gia đình phải tự sản xuất và buôn bán hàng hóa mang tính tự vận động, chưa có sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước. Làng nghề gốm Phù Lãng cũng chưa được công nhận là làng nghề truyền thống theo tiêu chí mới. 

Các làng nghề đang thiếu sự liên kết

Tại buổi tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp pháp triển trong thời kỳ hội nhập” diễn ra vào ngày 20/4, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2014, số làng nghề và làng có nghề nước ta là 5.096. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748.

Các làng nghề thu hút khoảng 10 triệu lao động. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến.

Tuy nhiên, theo ông Dần các làng nghề hiện nay đối mặt nhiều khó khăn, yếu kém như chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn thấp; thị trường hạn hẹp; đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức; tình trạng ô nhiễm tại làng nghề nghiêm trọng, nhiều làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút.

Đặc biệt, việc liên kết giữa các cơ sở, giữa các làng nghề còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu là kinh doanh hộ, ít mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã. Đây là một nhược điểm rất lớn của làng nghề. Nhiều hộ gia đình rất ít trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong các hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ, do đó, sản phẩm chậm được cải tiến, sức cạnh tranh kém, thu nhập thấp kéo dài.

Từ thực tế trên, Hiệp hội kiến nghị xây dựng Luật Làng nghề hoặc Pháp lệnh Làng nghề để có cơ chế cho làng nghề đi lên. Để lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, nên xem xét mở rộng chức năng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững như: tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp (do hội làng nghề bảo lãnh), giảm lãi suất...

Theo Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nếu không có chính sách của Nhà nước và sự nỗ lực của chính các làng nghề thì làng nghề không thể phát triển được, chỉ tồn tại như hiện nay với rất nhiều khó khăn cố hữu. Các làng nghề gắn với chiều dài lịch sử, tạo ra nhiều sản phẩm, tạo nhiều công ăn việc làm.

Nhưng giá trị làng nghề không chỉ ở việc tạo ra việc làm, những giá trị kinh tế mà cao hơn là sản phẩm làng nghề gắn với những giá trị của người Việt từ văn hóa như ăn, mặc, tâm linh, sản xuất, nhà ở, văn hóa nghệ thuật.

Việc gìn giữ giá trị của văn hóa làng nghề là giữ lại những giá trị văn hóa của cả dân tộc. Cần nhận thức lại về giá trị của các làng nghề, nếu chỉ đơn thuần là tạo công ăn việc làm thì chỉ cần địa phương lo nhưng đây là cả giá trị văn hóa dân tộc thì các cấp, các ngành cần chung tay gìn giữ.

Châu Anh-nguồn ảnh: Internet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh