Bài 3: Bảo vệ “thành trì” sản xuất
- Bài thuốc hay
- 02:59 - 10/06/2021
Lập "lá chắn" phòng COVID-19
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Ban Quản lý các KCX và KCN TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh hiện có 17 KCX, KCN và khu công nghệ cao với 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động, có khoảng 280 nghìn công nhân, 3 nghìn chuyên gia nước ngoài. Liên tục từ ngày 13/5 đến nay, Ban Quản lý các KCN và KCX TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Ðức tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho gần 17 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các KCX, KCN trên địa bàn TP.
"Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, từng DN và mỗi công nhân không thể chủ quan, lơ là, mà phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại đơn vị mình. Hiện chúng tôi đang xây dựng các phương án, kịch bản khi có một công nhân bị nhiễm Covid-19 thì DN, người lao động phải cách ly, giãn cách ra sao để không lây lan, ảnh hưởng đến DN khác và cộng đồng chung quanh", ông Hưng chia sẻ.
Được ví như những lá chắn thép bảo vệ người lao động (NLĐ), đến chiều 20-5, tất cả công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các khu công nghiệp và chế xuất (KCN- KCX) Hà Nội đã thành lập Tổ an toàn Covid-19. Chủ tịch Công đoàn Các KCN-KCX Hà Nội Đinh Quốc Toán cho biết, sau năm ngày triển khai, toàn bộ cán bộ Công đoàn các KCN-KCX phát huy tinh thần, trách nhiệm, thần tốc vào cuộc, hướng dẫn đội ngũ cán bộ CĐCS phối hợp DN thành lập các Tổ an toàn Covid-19. Hằng ngày, Tổ an toàn Covid-19 tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong Tổ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc, đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế trung thực.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 680/CĐ-TTg về việc bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp.
Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nêu rõ: Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Đông Nam Á.
Trong nước, từ ngày 27/4/2021 đã xuất hiện trở lại đợt dịch lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng. Đặc biệt, dịch đã lây lan trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.
Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…); xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các tổ cũng thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở hai vòng (cổng doanh nghiệp và trong nhà xưởng); phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định của chính quyền địa phương và Quy chế của doanh nghiệp. Hầu hết các Tổ an toàn Covid-19 đều xây dựng các kịch bản ứng phó, không để bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra. Nhờ đó, đoàn viên, CNLĐ Hà Nội yên tâm hơn khi vào ca, đoàn kết, đồng lòng cùng tổ chức công đoàn, DN vững vàng trước đại dịch.
Tương tự, để ngăn chặn nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo công đoàn cơ sở thành lập "Tổ an toàn Covid-19" Theo đó, mỗi tổ hoặc xưởng sản xuất hay bộ phận tương đương tại các DN thành lập ít nhất 1 "Tổ an toàn Covid-19". Thành viên của "Tổ an toàn Covid-19" là người lao động trực tiếp làm việc tại tổ sản xuất, có am hiểu về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
"Tổ an toàn Covid-19" có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn công nhân lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Tổ theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe hàng ngày đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động trong đơn vị. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và quy chế của DN; báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, công đoàn cơ sở, bộ phận y tế của DN khi phát hiện công nhân lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời; Hỗ trợ DN, cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp khi DN có người mắc bệnh hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Các KCN VSIP ở Bình Dương có khoảng 160.000 lao động làm việc. Ở các KCN VSIP, việc triển khai phòng dịch được triển khai nghiêm ngặt hơn cả. 100% công nhân lao động (CNLĐ), khách vào doanh nghiệp làm việc phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Hệ thống giám sát ở doanh nghiệp được duy trì liên tục nhắc nhở những ai lơ là thực hiện ngay việc đeo khẩu tranh trong nhà máy.
Không để đứt gãy chuỗi sản suất
Mặc dù là tâm dịch trong đợt này nhưng với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, ngày 25/5, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch hỏa tốc về kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất của DN trong các khu công nghiệp (KCN) Đình Trám, Quang Châu, Song Khê-Nội Hoàng, Vân Trung.
Mục tiêu đề ra của việc tổ chức lại sản xuất tại các KCN là thực hiện phương châm "chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch", giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội, từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động, khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng mô hình DN, KCN hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Theo đó, các DN trước khi quay trở lại hoạt động phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Đối tượng thực hiện là DN trong các KCN Đình Trám, Song Khê-Nội Hoàng, Quang Châu, Vân Trung. Thời gian bắt đầu từ ngày 26/5. Các DN chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm PCR kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (kể từ ngày 9/5 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc tại DN là 1 ngày. Trước khi tổ chức sản xuất lại, DN bố trí đón người lao động đến nơi ở tập trung của DN ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lao động. DN có KTX riêng biệt với nơi làm việc phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ KTX đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về KTX; có khu nhà sử dụng làm nơi cách ly tập trung cho người lao động khi cần thiết. Thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với toàn bộ người lao động, mỗi lần cách nhau 7 ngày trong tháng đầu tiên…
Là một trong những địa phương có nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đợt dịch này, đến nay tỉnh Bắc Ninh đang cách ly hơn 70.000 người. Ngay từ khi phát hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên, tỉnh đã quyết liệt vào cuộc, thần tốc truy vết các trường hợp liên quan. Bắc Ninh cũng chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến, triển khai thêm các giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, tập trung xét nghiệm cho các nhóm có nguy cơ cao. Sau khi khoanh gọn các ổ dịch ngoài cộng đồng, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ các khu công nghiệp không phải ngừng hoạt động. Bắc Ninh đang phối hợp với Bắc Giang để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh chuỗi đứt gãy sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho của Samsung)… đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Theo thống kê, cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; chưa kể khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động. Cùng với đó là mật độ dày đặc các xóm trọ, khu trọ của công nhân, chợ búa, cơ sở dịch vụ mà đa phần là chật chội, đông đúc. Do đó, tác động của đợt dịch này sẽ rất lớn nếu để lây lan mạnh vào các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất khiến sản xuất đình trệ.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã sớm nhận định và thống nhất rằng xung yếu nhất trong phòng, chống dịch bệnh là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tất cả các địa phương trên toàn quốc phải chỉ đạo, quán triệt các DN, nhà máy, xí nghiệp, các KCN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tự đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, cập nhật định kỳ lên hệ thống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn). Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã họp với 63 địa phương, quán triệt một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành công thương lúc này là tập trung cao cho phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu hoạt động công nghiệp và thương mại trên địa bàn cả nước.
Những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời cố gắng cao nhất để bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Các cơ quan T.Ư và các địa phương đã tăng cường chi viện, hỗ trợ ở mức cao nhất cho hai địa phương này trong công tác chống dịch. Bộ Y tế đã tổ chức tổ công tác đặc biệt cắm chốt địa bàn Bắc Giang do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm tổ trưởng, gồm các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ, truy vết, điều trị, điều phối xét nghiệm... và lực lượng lấy mẫu xét nghiệp để trực tiếp hỗ trợ, phối hợp với Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh điều hành, thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp.
NGUYỄN SÍU- XUÂN TRƯỜNG - CÙ HÒA
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ