THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:57

Bài 2: Doanh nghiệp căng mình chống dịch, ổn định sản xuất

Vừa duy trì hoạt động vừa phòng, chống dịch

Tại Công ty Sam Sung Việt Nam ngay ngày đầu tiên quay lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Công ty đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch Covid-19. Đại diện Công ty, Công đoàn trực ngay tại cổng Công ty để phát khẩu trang kháng khuẩn KF94 tận tay cho toàn bộ nhân viên Samsung cũng như nhân viên vendor làm việc tại Samsung. Công ty tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch như kiểm tra thân nhiệt nhân viên trước khi lên xe buýt và trước khi vào Công ty, thực hiện giãn cách 1m khi di chuyển trong Công ty hoặc khi đến những khu vực đông người.

Bài 2: Doanh nghiệp “căng mình” chống dịch, ổn định sản xuất - Ảnh 1.

Sam Sung Việt Nam đo thân nhiệt nhân viên, người lao động tại lối ra vào nhà máy.

Theo Sam Sung Việt Nam, để đẩy mạnh  việc nắm bắt lịch sử dịch tễ của nhân viên, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã tăng số lần khai báo y tế từ 2 lần/tuần lên 7 lần/tuần (khai báo hàng ngày). Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Ninh tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 cho một số nhân viên. Tại Công ty Samsung Electronics Vietnam Thai nguyen (SEVT), bắt đầu từ ngày 12/5/2021, Công ty triển khai hỗ trợ nhân viên đang sinh sống tại tỉnh Bắc Ninh; các huyện: Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam (Bắc Giang); thành phố Phúc Yên   (Vĩnh Phúc) vào cư trú tại KTX nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như thuận tiện di chuyển cho nhân viên. Nhân viên khi vào ở KTX sẽ được hỗ trợ 3 bữa ăn miễn phí/ngày tại căng tin KTX và đồ ăn nhẹ miễn phí.

video công nhân ở Bắc Giang đi chợ 0 đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của "làn sóng" Covid-19 lần này, Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ đã sớm khởi động lại các chương trình phòng chống dịch ở mức cao, lưu trữ thông tin, tổ chức khai báo y tế đối với tất cả người lao động (NLĐ) cũng như khách ra vào. Hàng ngày thống kê các điểm, nơi có các ca F0 để yêu cầu mọi người khai báo. Trong quá trình khai báo, nếu phát hiện các trường hợp F1, F2  phải lập tức phối hợp với địa phương để có phương án cho từng trường hợp cụ thể. Cùng với đó, DN trang bị đầy đủ cho NLĐ các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, cloramine B, khẩu trang… Dùng các phương tiện loa phát thanh trong khuôn viên nhà máy, bảng thông báo, zalo… để tuyên truyền nhắc nhở cán bộ công nhân viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ cho biết, Hòa Thọ đã chốt nhiều đơn hàng tới tháng 9/2021, do đó chúng tôi rất lo, nếu như trong trường hợp bị phong tỏa, dừng sản xuất thì sẽ bị phạt hợp đồng, mất tiền gia công, mất khách hàng, giảm uy tín, việc làm cho NLĐ không có… cùng nhiều hệ lụy khác".

Bài 2: Doanh nghiệp “căng mình” chống dịch, ổn định sản xuất - Ảnh 2.

Phát khẩu trang miễn phí cho người lao động.

 Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty may Bình Hòa (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, đến nay Công ty cũng đã giảm hơn 40% lao động và đang hoạt động cầm chừng vì muốn duy trì đời sống cho những người đã gắn bó lâu năm. Dù vậy hằng tháng ông cũng phải đau đầu vì chuyện lo kiếm tiền trả lương, đóng BHXH... Công ty đã giảm rất nhiều NLĐ, doanh thu giảm mạnh nhưng vẫn không đáp ứng được quy định để được vay tiền với lãi suất 0% trả lương cho NLĐ. Chưa kể hằng tháng công ty còn phải chi ra khoảng 1 triệu đồng để đóng BHXH cho mỗi lao động nên tối thiểu cũng hết 50 triệu đồng. Bên cạnh cố gắng hoạt động Công ty luôn chủ động nhiều biện pháp đảm bảo công tác phòng dịch. Từ bộ phận quản lý đến công nhân đều ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ an toàn của nhà máy trước dịch bệnh Covid-19.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, đặc thù của ngành may mặc và cụ thể là May 10 là sử dụng nhiều lao động. Tổng cộng 12.000 lao động làm tại 18 nhà máy ở nhiều tỉnh, thành phố, đây là vấn đề khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chỉ cần 1 ca nhiễm sẽ ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền và phải đóng cửa nhà máy. "Đợt dịch lần này có nguy cơ ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và nguy cơ sức khoẻ NLĐ. Chúng tôi đã phải căng mình chống dịch từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm, theo dõi trên tất cả các ban, phòng chống dịch, xây dựng tổ phòng chống Covid-19 tại công ty", ông Việt cho hay.

Hỗ trợ NLĐ vượt qua đại dịch

Là tâm điểm của dịch Covid-19 trong đợt này, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đời sống cho CNLĐ đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch. Theo đó, Bắc Giang dự kiến lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ CNLĐ đang bị cách ly với định mức được hỗ trợ quy đổi là 75.000 đồng/người/ngày. Tổng kinh phí hỗ trợ cho khoảng 24.000 CNLĐ (số lao động không phải người địa phương đang ở lại tại các khu vực cách ly, bao gồm các đối tượng cách ly, theo dõi tại nơi ở trọ (F2) và CNLĐ ngoài tỉnh ở lại, không về địa phương) trong 10 ngày là khoảng 18 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Các mặt hàng thiết yếu phục vụ CNLĐ đang bị cách ly gồm: Gạo tẻ, thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh như thịt lợn, thịt gà, thịt trâu, bò, thủy hải sản, mỳ ăn liền, dầu ăn, muối bột canh, sữa, nước uống đóng chai; rau xanh, củ quả; khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, chất đốt (gas)…

Bài 2: Doanh nghiệp “căng mình” chống dịch, ổn định sản xuất - Ảnh 4.

Siêu thị 0 đồng do LĐLĐ tỉnh mở tại xã Song Khê, Nội Hoàng, TP Bắc Giang phục vụ công nhân lao động.

Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cũng vừa có quyết định hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, mức hỗ trợ cho mỗi trường hợp F0 đang điều trị bệnh là 2 triệu đồng. Hỗ trợ cho mỗi trường hợp là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung là 500.000 đồng. Hỗ trợ cho mỗi trường hợp đoàn viên công đoàn, NLĐ đang ở các khu nhà trọ thuộc khu vực bị cách ly y tế, phong tỏa là 5 kg gạo.

Chia sẻ khó khăn với NLĐ, thời gian qua, LÐLÐ tỉnh Bắc Ninh luôn chủ động trong công tác phòng, chống Covid-19. Từ sau ngày 1/5, LÐLÐ tỉnh đề nghị DN tạo điều kiện để NLÐ làm việc luân phiên, bố trí ca kíp hợp lý, bảo đảm giãn cách xã hội nhưng vẫn an toàn; tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc nhằm ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch. Hỗ trợ tiền ăn cho các F1 đang phải cách ly tập trung và bảo đảm thu nhập cho các F2 đang phải cách ly tại nhà để NLÐ yên tâm, tự giác khai báo y tế...

Bên cạnh đó, Công đoàn kêu gọi các tổ chức, cá nhân đồng hành với LÐLÐ tỉnh trong hoạt động chăm lo NLÐ, hỗ trợ NLÐ bị ảnh hưởng; tặng quà các đơn vị đi đầu trong phòng, chống dịch. Sau 5 ngày kêu gọi đã huy động được gần 200 triệu đồng tiền mặt và hiện vật gồm: 740 suất quà, dược phẩm, khẩu trang... trị giá 133,5 triệu đồng. LÐLÐ trao 3.000 suất quà tặng CNLÐ ngoại tỉnh thuê trọ tại huyện Thuận Thành, mỗi suất ít nhất 5kg gạo. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể tặng thêm suất quà: Bánh kẹo, sữa hoặc đồ dùng thiết yếu khác.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, đồng hành cùng NLĐ bị ảnh hưởng bởi "làn sóng’’ dịch Covid-19 lần thứ 4, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để trao tặng 1.550 suất quà thăm hỏi, động viên CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa.

Ngoài ra, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, nhất là tại 8 địa phương đang có công nhân, lao động dương tính với SARS-CoV-2 đã chủ động trích kinh phí Công đoàn để kịp thời hỗ trợ khó khăn, mua trang thiết bị phòng, chống dịch, động viên CNLĐ phải nghỉ việc cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, NLĐ thuê trọ, NLĐ mất hoặc giảm thu nhập… Đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng được các Công đoàn ngành, địa phương chi hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bài 2: Doanh nghiệp “căng mình” chống dịch, ổn định sản xuất - Ảnh 5.

Siêu thị 0 đồng dành cho người lao động tại Bắc Giang.

Mới đây, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ giao các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ khẩn cấp cho lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27/4 vừa qua. Trong đó, hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung 10 - 50 triệu đồng/đơn vị; hỗ trợ đoàn viên, NLĐ là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch tối đa 3 triệu đồng/người.

video-video công nhân ở Bắc Giang đi chợ 0 đồng.

Công đoàn hỗ trợ đoàn viên, NLĐ là F1 phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tối đa 1,5 triệu đồng/người. 

Tổng Liên đoàn hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, NLĐ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, NLĐ buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tối đa 500.000 đồng/người. Cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch được hỗ trợ từ 80.000 -150.000 đồng/người/ngày, tùy theo cấp công đoàn, tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch.

NGUYỄN SÍU - XUÂN TRƯỜNG - CÙ HÒA 
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh