CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:31

Vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh

Bài 1: Khó khăn chất chồng

So với những lần bùng phát dịch trước, dịch Covid-19 lần này đã có tác động mạnh mẽ đến người lao động. Mất việc làm, giảm thu nhập, cơ hội tìm việc khó khăn… khiến cuộc sống của những công nhân thêm khó khăn chất chồng.

Lao đao trong làn sóng Covid lần thứ 4

Chị Dư Thị Hoa (SN 1982, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chị làm việc tại Công ty Green Vina với hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, công ty liên tục cắt giảm nhân sự. Mới đây khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, công ty gặp khó khăn, không có nguồn nguyên liệu để gia công hàng, đứng trước nguy cơ phá sản... nên phía công ty đã cho hàng loạt công nhân nghỉ việc với lý do khó khăn bởi dịch Covid-19, trong đó có cả chị Hoa.

Là lao động nằm trong nhóm vừa bị cắt giảm việc làm tại Công ty Yesum Vina, chị Phan Thị Thanh Trúc (quê Nghệ An) lo lắng: "Thất nghiệp, tôi mang hồ sơ xin việc đến vài công ty trong khu công nghiệp (KCN) Tân Thới Hiệp, nhưng không công ty nào nhận vì hầu hết cũng đang gặp khó khăn. Giờ về quê tôi cũng không biết làm gì, còn ở lại thành phố chưa biết có xin được việc không, nhất là công nhân ở tuổi 40 như tôi. Trong khi chi phí sinh hoạt, nuôi 2 con nhỏ, tiền thuê nhà trọ tạo áp lực lớn cho vợ chồng tôi".

Vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh - Ảnh 1.

Từ ngày thất nghiệp đến nay, ông Nguyễn Văn Tường nhờ người thân ở quê gửi gạo và thực phẩm lên phòng trọ để duy trì cuộc sống.

Ngồi trầm tư trong căn phòng trọ chật hẹp ở cuối KCN Tân Bình, ông Nguyễn Văn Tường (61 tuổi, quê Long An) đượm buồn nói: "Hai vợ chồng tôi từ quê lên TP. Hồ Chí Minh hơn 7 năm nay, tôi làm bảo vệ ở KCN Tân Bình, còn vợ làm công nhân may cũng ở trong KCN Tân Bình. Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này phía công ty đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc vì không đủ khả năng để tiếp tục hoạt động. Từ ngày thất nghiệp đến nay, tôi đã đi nhiều nơi xin việc nhưng không nơi nào nhận với lý do đã đủ người".

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng từ 0 giờ ngày 18/5. Là công nhân Công ty Hồng Hải ở KCN Đình Trám, Bắc Giang, chị N.T. H., đã phải nghỉ làm từ đó đến nay. Chia sẻ về những khó khăn do đại dịch, chị H. cho hay: "Trung bình thu nhập mỗi tháng của em cũng được 8 triệu đồng. Nhưng khi đại dịch diễn ra công ty đóng cửa, công nhân nghỉ làm ở nhà thì nguồn thu nhập sẽ giảm đi. Mới đây nghe nói công ty sẽ áp dụng trả 70% mức lương cơ bản vùng (3,8 triệu đồng) cho công nhân, lao động trong thời gian nghỉ việc vì dịch. Đây là sự chia sẻ với NLĐ. Mong đại dịch sớm qua đi để NLĐ được trở lại làm việc bình thường".

"Cú bồi" cho ngành kinh doanh, dịch vụ

Ngành công nghiệp "không khói" sau 1 năm lao đao nên rất hy vọng có một "vụ mùa" mới thuận lợi để vơi đi những khó khăn. Nhưng khi ngành du lịch đang có những tín hiệu phục hồi thì làn sóng covid lần thứ 4 lại bùng phát khiến người lao động trong các ngành kinh doanh, dịch vụ càng thêm khó khăn.

Anh Đặng Thành Đồng, bếp trưởng Công ty cổ phần khách sạn dịch vụ Hải Đăng (nhà hàng chuyên các món ăn của Nhật Bản, Hải Phòng), đã 6 năm gắn bó với công ty chia sẻ: Trước khi chưa có dịch bệnh Covid-19, công ty rất đông khách, nhưng năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra, lượng khách bị giảm tới 70%. Vì vậy thu nhập của tôi cũng giảm đi 50%. Sang đầu năm 2021, dịch Coivd-19 bùng phát trở lại, công ty trở nên khó khăn hơn khi nhà hàng luôn trong tình trạng vắng khách. Đến tháng 2 nhà hàng buộc phải đóng cửa theo quy định cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt lao động thất nghiệp. Mỗi tháng người lao động được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng bằng phiếu mua hàng (Voucher) để mua gạo và thực phẩm cần thiết.

Vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh - Ảnh 2.

Anh Đặng Thành Đông, bếp trưởng Công ty cổ phần khách sạn dịch vụ Hải Đăng (nhà hàng chuyên các món ăn của Nhật Bản, Hải Phòng).

Theo anh Đồng, nhà hàng chuyên về đồ ăn Nhật nên không thể ship hoặc bán hàng để khách mang về nhà như những nhà hàng khác được nên thực sự rất khó khăn khi nhà hàng phải đóng cửa hoàn toàn. Hơn nữa, người dân cũng sợ dịch bệnh lây nhiễm nên họ càng không có nhu cầu mua đồ ở ngoài về ăn. "Nghỉ không lương từ tháng 2/2021, tôi lại là lao động chính trong gia đình, trong khi vợ mới sinh con được 7 tháng cũng đang phải nghỉ làm vì dịch nên kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Do vậy, trong thời gian này, tôi làm đủ thứ nghề, miễn sao có thêm thu nhập và chờ cho hết dịch để trở lại công ty", anh Đồng nói. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, làm việc tại khách sạn số 38 phố Lò Sũ (Hà Nội) cho biết: Năm 2021, tưởng ngày du lịch Hà Nội sẽ được phục hồi với những tín hiệu tích cực khi lượng khách đặt phòng tăng lên trong tháng 3 và tháng 4. Nhưng dịch lại một lần nữa bùng phát với những diễn biến phức tạp khiến hàng loạt khách hủy đặt phòng, khách sạn thất thu. Không thể có đủ kinh phí để duy trì đội ngũ nhân viên, chủ khách sạn đã cho nhân viên nghỉ việc từ đầu tháng 5 đến nay với mức trợ cấp là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Phượng (28 tuổi, nhân viên một khách sạn trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn cố duy trì qua ngày. Tuy nhiên dịch Covid-19 trở lại Việt Nam lần thứ khách sạn quyết định đóng cửa, nhân viên như chị bị mất việc phải đi tìm việc mới. Theo chị Phượng tìm việc ở thời điểm này không dễ dàng bởi tỷ lệ cạnh tranh cao, nhiều người ứng tuyển trong khi nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, lữ hành, khách sạn gần như không có. "Có nhiều người vì không xin được việc nên phải làm tạm một vài công việc khác như kinh doanh online, bán nước giải khát vỉa hè… hoặc về quê", chị Phượng cho biết thêm.

Vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh - Ảnh 3.

Nhà hàng trong cảnh đìu hiu vắng khách thời dịch Covid 19.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, TP Hội An với hơn 70% dân số làm dịch vụ du lịch, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ ngày 4/5 đến nay họ là những người chịu tác động mạnh mẽ nhất. Không thiếu những đầu bếp, lễ tân, hướng dẫn viên… phải chuyển sang làm phụ hồ, xe ôm công nghệ, hay bán hàng rong… Chuyển nghề đối với họ không khó, nhưng để quay về nghề cũ khi dịch bệnh qua đi sẽ rất khó khăn khi thời gian tạm nghỉ quá dài. Cuộc sống, công việc như đảo lộn, dịch trở đi trở lại nhiều lần, phố cổ hết mở rồi tạm dừng, dịch Covid-19 như nỗi ám ảnh chưa biết khi nào dứt.

Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), ông Hoàng Nhân Chính cho biết: "Cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể nhân công ở những mảng việc có liên quan. Song vừa qua, dịch bệnh COVID-19 khiến lực lượng này ‘teo tóp’ và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác."

Kết quả một khảo sát mới đây của TAB cho thấy có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.

NGUYỄN SÍU - XUÂN TRƯỜNG - CÙ HÒA 
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh