THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:50

Bắc Sơn-sức sống vùng đất anh hùng

Cái nôi của cách mạng

Theo các tài liệu của Ban quản lý Di tích lịch sử, bảo tàng huyện Bắc Sơn, dựa vào địa thế hiểm yếu về mặt quân sự, lực lượng cách mạng đã sớm gây dựng cơ sở từ những năm 1936 - 1939 tại nhiều xã trong vùng. Ngày 25/9/1936, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Bắc Sơn được thành lập tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng, châu Bắc Sơn (nay là xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn) bắt đầu vận động, tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng phong trào quần chúng cách mạng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Xuân Thụ, Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 25/8/1938, tại đồi Nà Kheo, xã Vũ Lăng, một hội nghị với sự tham gia của Bí thư chi bộ các xã bầu ra 7 đồng chí vào Ban cán sự Châu ủy Bắc Sơn, hội nghị này được ghi nhận là Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Sơn lần thứ nhất.

Cảnh đẹp thị trấn Bắc Sơn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, chi bộ các xã từ hoạt động bí mật đã đưa quần chúng đấu tranh công khai với những khẩu hiệu như: “Chống phát xít”, “Chống phản động thuộc địa”, “Chống bắt phu”..., đòi bán muối, đòi quyền tự do đi lại giữa các vùng. Trong đó nổi bật là cuộc đấu tranh chống cưỡng ép đi phu tháng 11/1938 của anh em phu làm đường thuộc xã Bắc Sơn, Tân Tri, Quỳnh Sơn, Long Đống đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia. Thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, cuối tháng 6/1939, Đảng bộ Bắc Sơn đã lãnh đạo tổ chức một cuộc đấu tranh với hơn 200 anh em phu trên đoạn đường Bản Sao - Kéo Khoang để phản đối việc đối xử tàn bạo với dân phu, buộc thực dân Pháp phải nhân nhượng.

Tháng 8/1940, thực hiện thông báo ngày 9/6/1939 của Xứ ủy Bắc Kỳ, các chi bộ Đảng thuộc Châu Bắc Sơn đã tổ chức truyền bá chữ Quốc ngữ, kết hợp với tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Nhờ đó, phong trào cách mạng ở Bắc Sơn lớn mạnh không ngừng. Vào sáng  27/9/1940, một hội nghị quan trọng giữa các tổ đảng và các chiến sĩ cộng sản từ Lạng Sơn về đã trao đổi tình hình, thông qua chủ trương khởi nghĩa và quyết định phát động đấu tranh vũ trang ngay trong ngày hôm ấy, với mục tiêu tấn công đồn Mỏ Nhài. Chỉ sau thời gian tấn công chớp nhoáng, quân khởi nghĩa đã chiếm được đồn Mỏ Nhài, kiểm soát hoàn toàn châu lỵ, thu nhiều vũ khí. Tin chiến thắng nhanh chóng được lan truyền, hàng nghìn đồng bào, từ già đến trẻ đốt đuốc kéo đến, reo hò sung sướng, náo động cả một vùng đồi núi yên tĩnh.

Cũng trên mảnh đất lịch sử này, ngày 23/2/1941 Đội Cứu quốc quân chính thức được thành lập ở khu rừng Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), đây là đội quân vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo, đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Sơn, tính cả trong hai cuộc kháng chiến giải phóng và biên giới phía Bắc, toàn huyện Bắc Sơn có hơn 4.000 người  con nhập ngũ và vào thanh niên xung phong, trong đó hơn 500 người đã hy sinh, hiện có gần 200 người là thương, bệnh binh. Với nhiều thành tích trong đấu tranh cách mạng, huyện Bắc Sơn và 6 xã đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, 8 xã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng ATK.

Trường THCS thị trấn.


Sức sống mới ở Bắc Sơn

Phát huy truyền thống anh hùng, đồng bào các dân tộc Bắc Sơn ngày nay lại ra sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp. Là huyện có thế mạnh về nông lâm nghiệp, 5 năm qua (2011 - 2015), kinh tế-xã hội  Bắc Sơn phát triển khá đồng đều, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tốc độ tăng trưởng  bình quân hằng năm đạt 9,17%, thu nhập bình quân dự kiến đến cuối 2015 đạt 23 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,76% (năm 2011), đến cuối năm 2015 còn dưới 12%... Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, UBND huyện đã khuyến khích nhân dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là hồi, quýt. Sản lượng hoa hồi hằng năm đạt từ 120 -150 tấn hồi khô ước thu về 6 tỷ đồng/năm, riêng cây quýt mỗi năm cho thu hoạch trên 1.300 tấn quả, tổng giá trị thu về hơn 40 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, kinh tế du lịch cũng được đầu tư, hiện mỗi năm đón tiếp trên 10.000 lượt khách tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn và các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là khu du lịch làng văn hóa cộng đồng xã Quỳnh Sơn được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2010, trong 3 năm gần đây mỗi năm đón trên 700 lượt khách đến thăm quan, giúp tăng thêm nguồn thu cho người dân.

Công tác xây dựng nông thôn mới được chú trọng, trong 5 năm qua đã bê tông hóa được gần 100km đường giao thông nông thôn góp phần quan trọng đổi mới bộ mặt nông thôn. Hệ thống điện lưới được đầu tư xây dựng, hiện tỷ lệ số hộ dân dùng điện đạt trên 98%; hệ thống thủy lợi được củng cố, nâng cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, đến nay đã có 12 trường đạt chuẩn Quốc gia; mạng lưới y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh của nhân dân. Lĩnh vực giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm triển khai, từ 2010-2014, đã tạo việc làm cho hơn 4.000 người, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt trên 20,88%...

Hiện toàn huyện Bắc Sơn có khoảng 55 điểm di tích, trong đó có 13 điểm di tích được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia và 12 điểm di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích quan trọng, huyện đã xây dựng đề án, triển khai bảo tồn, phát huy các giá trị  văn hóa phi vật thể như: Lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn, lễ hội Ná Nhèm xã Trấn Yên, phục hồi kho tàng văn hóa dân gian như: Hát then, múa chầu, hát sli, lượn...  Với những chương trình, dự án cụ thể phù hợp với đặc thù kinh tế-xã hội của địa phương, được nhân dân các dân tộc đồng tình, ủng hộ, trong thời gian tới vùng đất anh hùng Bắc Sơn sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, giàu đẹp hơn nữa...

DƯƠNG THỊ KHUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh