THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:52

Bắc Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho làng nghề mây tre đan

Cây tre là hình ảnh gắn bó lâu đời với bức tranh nông thôn Việt Nam. Ngoài chức năng “giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” và trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam, ngày nay, tre còn trở thành một trong những nguyên liệu đẹp và bền trong thiết kế nội thất và thi công các công trình kiên cố. Với đặc tính bền dẻo, dễ thiết kế, dễ kết hợp, ngày càng có nhiều gia đình lựa chọn những đồ nội thất từ tre trúc. Ngoài màu nâu vàng nguyên bản của cây khô, tre trúc cũng có thể được phun màu để trở nên bắt mắt và hiện đại hơn.

Sản phẩm tre Xuân Lai được bán sản xuất thành sản phẩm trước khi xuất đi bán

Làng nghề mây tre đan Xuân Lai được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2014. Năm 2016, nghề tre trúc hun khói ở đây được Bộ Văn hoá - Thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, động lực cho địa phương cũng như gần 300 hộ làm nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan ở Xuân Lai.

Nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan xuất hiện ở Xuân Lai từ hàng trăm năm nay, nhưng là mấy trăm năm thì ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng khó có thể xác định chính xác. Nghề cũng trải qua nhiều thăng trầm, theo từng giai đoạn của lịch sử và sự biến động của thị trường. Ông Trần Văn Hoa – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai – chia sẻ: "Xã Xuân Lai chúng tôi có 7 thôn, trong đó thôn phát triển nghề mây tre đan là thôn Xuân Lai. Cả thôn có hơn 900 hộ, trước kia có trên 70% số hộ trong thôn làm nghề tre trúc. Hiện nay, dưới sức ép của thị trường và một số nguyên nhân khác, 1/3 số cơ sở sản xuất mây tre đã bỏ nghề chuyển sang ngành khác, đáp ứng cuộc sống mưu sinh, cả làng chỉ còn khoảng  gần 300 hộ làm nghề".

Sản phẩm tre Xuân Lai được bán đi và trưng bày tại các Hội chợ

Mây tre đan Xuân Lai trong những năm gần đây cũng bị xâm phạm và lợi dụng trên thị trường, khi có một số cơ sở sản xuất, thi công, kinh doanh sản phẩm này không có cơ sở đặt ở xã Xuân Lai, cũng không sản xuất sản phẩm theo quy trình kỹ thuật của người dân Xuân Lai nhưng vẫn quảng cáo rộng rãi (trên cả internet và các ấn phẩm) là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan Xuân Lai, gây ảnh hưởng đến uy tín làng nghề và thu nhập của các cơ sở kinh doanh sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ những năm 2008, thị trường tiêu thụ trong nước giảm, nguồn nguyên liệu khan hiếm, lương công nhân không đáp ứng được cuộc sống nên làng nghề mây tre đan Xuân Lai càng ngày càng có dấu hiệu mai một.

Trước tình trạng đó, những người thợ lành nghề ở Xuân Lai đã và đang không ngừng đổi mới, tìm hướng phát triển để tháo gỡ khó khăn. Một số cơ sở cũ sáp nhập lại với nhau, một số cơ sở mới của các nghệ nhân mọc lên, tìm kiếm thị trường, tăng cường đổi mới mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu...là các giải pháp cùng bước chuyển mình trong nỗ lực vượt khó của người dân nơi đây. Sản phẩm đã được xuất khẩu đi thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, EU, Đài Loan...

Sản phẩm tre Xuân Lai được bán đi và trưng bày tại các Hội chợ.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như các cấp của huyện, xã đã có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở làm nghề sản xuất mây tre ở Xuân Lai, cụ thể là những chính sách ưu đãi về vốn, cơ sở hạ tầng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giữ gìn nghề truyền thống... Cụ thể năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Tre trúc Xuân Lai" cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre của làng nghề truyền thống xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh" nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Dự án góp phần vào việc nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như tháo gỡ khó khăn về mặt thị trường và cạnh tranh cho các sản phẩm của làng nghề.

Trong khuôn khổ dự án Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh phối hợp cùng các chuyên gia, thiết kế logo, nhãn hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu cho làng nghề, xây dựng các công cụ quản lý, tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cá nhân tổ chức liên quan tại làng nghề về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Đông – Trưởng phòng quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN Bắc Ninh cho biết: Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ dự án như, thiết kế logo hệ thống nhận diện cho sản phẩm, tổ chức các cuộc hội thảo để hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể, tập huấn nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu tập thể cho bà con trong vùng dự án, xây dựng phóng sự để quản bá giới thiệu sản phẩm... Sở đã lựa chọn và phối hợp với đơn vị tư vấnhoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể "Tre trúc Xuân Lai" nộp Cục Sở hữu trí tuệ ngày 22/03/2017 ngày 13/04/2017 Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.

 Việc phát triển bền vững cho làng nghề mây tre đan Xuân Lai cũng là nội dung đã được đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của xã Xuân Lai. Theo đó, UBND xã đang có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại thôn Xuân Lai, với diện tích trên 15ha, có bố trí các ao ngâm tre và xử lý nước thải độc lập, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường xá thuận lợi, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề và tạo đà phát triển tập trung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở đây.

TRẦN TRUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh