Bắc Kạn: Kết nối tiêu thụ sản phẩm để người dân thoát nghèo
- Dược liệu
- 01:00 - 03/10/2018
Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của người nghèo.
Giá trị bản địa là tài sản hiếm của đồng bào dân tộc
“Bí của chúng tôi rất ngon, rất thơm và rất sạch nhưng không ai tin. Tôi không biết làm cách nào để sản phẩm được nhiều người biết đến”. Đó là chia sẻ của bà Vi Thị Lọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bí xanh thơm Địa Linh (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và cũng là khó khăn chung của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khi phát triển sản phẩm địa phương để vươn lên thoát nghèo: Khó kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bà Vi Thị Lọc tự tin cho biết: “Bí xanh thơm là đặc sản nổi tiếng của Bắc Kạn. Đây là loại bí rất ngon, thơm vị đặc trưng nhưng đặc biệt hơn là chỉ có đất Địa Linh này trồng bí là ngon nhất, không có vùng nào bằng”. Tổ hợp tác Bí xanh thơm Địa Linh có hơn 30 thành viên, đều là người DTTS, hiền lành, chân chất. Họ rất đoàn kết, chăm chỉ làm ăn và luôn nung nấu ý chí thoát nghèo. Với diện tích 4ha, mỗi vụ trồng bí, tổ hợp tác thu được khoảng 160 tấn quả nhưng chưa hết vụ đã phải bán vội, bị ép giá 4.000 - 4.500 đồng/kg chỉ vì tổ hợp tác không có tiền xây kho bảo quản bí sau thu hoạch. Nếu bí được bảo quản tốt, chỉ vài tháng sau thu hoạch, giá bí xanh thơm bán tại chợ lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Bà Lọc thông tin thêm, nước tưới bí do các cô, các chị gánh từ dưới khe suối lên. Quãng đường thì xa, đường dốc nhưng họ vẫn cố chăm sóc tốt nhất cho cây bí phát triển. Người dân cố gắng nhiều là vậy nhưng cách của tổ hợp tác làm chưa đủ để đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi bí xanh thơm Địa Linh chưa có thương hiệu, bí trên thị trường biết đến là do những thương lái thu mua và đổ bán lại.
Mỗi mảnh đất, mỗi vùng đều có những bản sắc đáng quý riêng. Sản phẩm bí xanh thơm của Tổ hợp tác Bí xanh thơm Địa Linh cần được sự hỗ trợ từ cộng đồng để cùng vươn xa ra khắp thị trường Việt Nam và nước ngoài. “Thời nay, ai giữ được giá trị bản địa, người đó đang có tài sản hiếm. Chúng tôi có dịp đến Pháp, được các chuyên gia chia sẻ, trước đây Pháp có khoảng 20 giống khoai tây với nhiều hương vị đặc trưng, đủ kích cỡ bé, lớn. Còn nay, ở Pháp chỉ còn lại vài giống khoai tây với củ to, năng suất cao nhưng ăn nhạt và không có vị đặc trưng. Ai đã đến vườn quýt Bắc Kạn khi ra khỏi vườn sẽ không giấu được vì người nức mùi thơm của quýt. Đấy chính là đặc trưng vùng miền. Hay như bí thơm Địa Linh, chỉ cần nấu nồi canh bí trong bếp, hương thơm tỏa khắp nhà. Có thể khẳng định, chỉ có giống bản địa mới cho ta giá trị ấy. Nhưng cộng đồng thiếu năng lực chia sẻ để người ngoài biết được giá trị của mình”, ông Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài nguyên bản địa chia sẻ.
Tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân thoát nghèo
Bà Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thiên An (thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) chuyên sản xuất và kinh doanh chuối sấy cho biết: “Trong tháng đầu tiên, ngày nào tôi cũng mang chuối ra làm thử, mỗi ngày khoảng 20kg chuối xanh. Những ngày đầu, sản phẩm không như ý muốn: Chuối bị cháy, bị kết dính, xỉn màu… Dẫu vậy, tôi không dừng lại, ngày nào cũng mua chuối về thực hành đến khi đạt gần như mong muốn mới thôi. Sản phẩm chuối sấy khô của HTX Thiên An được các chuyên gia tư vấn đánh giá cao, bởi đây là dòng sản phẩm chế biến được làm từ sản vật địa phương, thơm ngon, an toàn, không chất bảo quản...”.
Khó khăn của HTX Thiên An là sản phẩm chưa được hoàn thiện, cần được cải tiến để tăng thêm chất lượng, nâng cấp về mẫu mã và có bộ nhận diện thương hiệu, cần có sự hỗ trợ về đầu ra. Định hướng của HTX trong thời gian tới sẽ làm thêm một số sản phẩm như: Khoai tây sấy, bí sấy và các sản phẩm sấy từ những nông sản đặc trưng của địa phương để đa dạng các sản phẩm hơn nữa. HTX mong muốn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đầu tư máy sấy, máy thái chuối với công suất lớn hơn, hoàn thiện nhà xưởng sản xuất.
Trưng bày sản phẩm địa phương do người nghèo sản xuất.
Còn HTX chăn nuôi nông nghiệp tổng hợp An Bình (thôn 3B Nà Cà, xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông) có 30 hội viên, trong đó có 11 hội viên chính thức do chị Nguyễn Thị Miên làm Giám đốc. HTX An Bình được thành lập vào tháng 7/2017. Chị Miên cùng các chị em học tập nhau, chỉ bảo nhau cách trồng rau nuôi lợn, góp vốn sản xuất. Chị Miên chia sẻ: "Tiêu chí tuyển xã viên của HTX là tâm huyết, biết học hỏi, không được bảo thủ và phải đoàn kết. Từ ngày thành lập HTX, chúng tôi đã có thể mua được cám với giá rẻ hơn về cho chị em trong HTX nuôi lợn. Có HTX bao tiêu sản phẩm, chị em cũng yên tâm sản xuất, thu nhập tốt hơn trước”.
Trong quá trình hoạt động, HTX An Bình đã khắc phục khó khăn nỗ lực vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ. HTX đã phát triển được khoảng 3.000 cây chuối tây, nuôi 300 con lợn, gần 3.000 m2 tỏi, và một số vật nuôi, cây trồng khác. Các chị đang có định hướng nuôi thêm dê, trâu, tăng diện tích trồng tỏi, khoai tây. Nhóm bước đầu đã hình thành cơ cấu tổ chức, mang lại cuộc sống cho chị em dân tộc tốt hơn so với trước. "Tuy cuộc sống có tốt hơn nhưng vẫn còn bấp bênh lắm", chị Miên bộc bạch. Theo chị Miên, HTX còn rất nhiều khó khăn: Khó khăn trong việc quản lý và vận hành, thiếu vốn để mua con giống, chưa có định hướng cụ thể cho mô hình trang trại, chưa nắm vững kiến thức về kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, thị trường tiêu thụ còn hạn chế... Và các chị mong muốn học thêm kiến thức để có định hướng phát triển HTX, kiến thức quản lý và vận hành HTX hiệu quả, muốn được vay thêm tiền để mua thêm con giống, cây giống.
Khó khăn của Tổ hợp tác Bí xanh thơm Địa Linh, HTX Thiên An, An Bình cũng là khó khăn chung của các tổ, nhóm/HTX ở các địa phương: Cần hỗ trợ kết nối doanh nghiệp liên kết đầu tư trả chậm vật tư đầu vào (phân bón, cây, con giống) và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đầu ra ổn định; hỗ trợ hướng dẫn kỹ năng quản lý nhân sự, phân công nhân sự tổ, nhóm, quản lý tài chính nhóm, kỹ năng lập và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng quý là người dân luôn giữ quyết tâm thoát nghèo. “Chúng tôi muốn thoát nghèo nhưng không có ai chỉ, chúng tôi không biết làm thế nào. Chỉ cần có người chỉ dạy, khó mấy chúng tôi cũng làm”, thành viên hợp tác xã Sang Hà (xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể) chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị “Kết nối đối tác hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số lập nghiệp, giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn”, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tại Bắc Kạn, việc nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS rất khó khăn, như: Mô hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do chưa có kết nối thị trường nên vẫn còn điệp khúc: “Được mùa mất giá”. “Kết nối đối tác hỗ trợ phụ nữ DTTS lập nghiệp, giảm nghèo là hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao năng lực cấp cơ sở, huy động sự tham gia của người nghèo, đặc biệt các nhóm phụ nữ DTTS phát huy nội lực cộng đồng trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt là đổi mới cách thức hỗ trợ và truyền thông giảm nghèo hiệu quả hơn, gắn với nhu cầu của người nghèo và hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao thu nhập, tạo việc làm và giảm nghèo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng nhấn mạnh.
Đáng mừng là đến nay, bí thơm và một số nông sản khác của người dân Bắc Kạn đã được kết nối để tiêu thụ tại các thành phố lớn. Hệ thống bán lẻ đại siêu thị Big C đã bán và giới thiệu sản phẩm bí thơm Bắc Kạn đến người dân Thủ đô. Hy vọng trong tương lai, các nông sản của người dân Bắc Kạn sẽ được đưa đến thị trường tiêu dùng rộng lớn, mở ra cơ hội giúp người dân địa phương phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa.