Bắc Giang triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời và chính xác Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng
- Người có công
- 18:22 - 15/06/2021
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức
Theo ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang, Pháp lệnh đã có nhiều quy định mới và là sự hoàn thiện so với những quy định của Pháp lệnh hiện hành, thể hiện rõ tính công bằng và tiến bộ xã hội, được người có công, thân nhân người có công và xã hội đồng tình, ủng hộ. Qua đó, sẽ có nhiều chính sách giúp cho đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng cao để họ có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bắc Giang; trên hệ thống loa, đài truyền thanh của các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn; thông qua các tin, bài, phóng sự, mở các chuyên trang, chuyên mục tư vấn, hỏi đáp về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; cổng Thông tin điện tử, trang website của các cơ quan, đơn vị liên quan để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, tỉnh còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh với triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/2021) nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng.
Phổ biến nội dung chính sách đến đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, tại các hội nghị họp mặt, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt khu dân cư, các đoàn thể chính trị xã hội. Tổ chức phổ biến, quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, hướng dẫn thực hiện chính sách theo quy định của Pháp lệnh và những văn bản hướng dẫn thực hiện đến tất cả các huyện, thành phố...nhằm tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời và chính xác các chế độ chính sách mà Pháp lệnh đã quy định.
Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng. Tùy theo từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi gồm: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần. Bên cạnh đó là các chế độ ưu đãi khác như: Bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở. Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước. Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, ưu tiên giao khóa bảo vệ và phát triển rừng. Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
Với Bắc Giang, "tỉnh đã sẵn sàng triển khai thi hành đúng, đồng bộ, kịp thời các nội dung quy định của Pháp lệnh, đồng thời vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc thù của địa phương về chính sách ưu đãi người có công theo đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" – Giám đốc Nguyễn Tiến Cơi khẳng định.
Điều dưỡng người có công an toàn trong đại dịch
Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Bắc Giang - ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình, hiện đang nuôi dưỡng tập trung 15 thương binh, bệnh binh nặng có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên của 4 tỉnh, thành phố, ngoài ra, mỗi năm Trung tâm còn tổ chức điều dưỡng luân phiên tập trung cho khoảng 5 - 6 nghìn lượt thương binh, bệnh binh. Với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc người có công, Trung tâm đã không ngừng nỗ lực xây dựng nơi đây trở thành ngôi nhà tri ân, ấm áp nghĩa tình của các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Chia sẻ về công tác phòng chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Kim Liên, Giám đốc Trung tâm cho biết, do đặc thù các thương, bệnh binh đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm đều có tỷ lệ thương tật nặng, sức đề kháng kém còn các đối tượng đến điều dưỡng tại Trung tâm cũng đều là những người tuổi cao, sức yếu vì vậy dịch Covid-19 xảy ra hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Vậy nên công tác vệ sinh môi trường để đảm bảo môi trường Trung tâm luôn xanh, sạch, đẹp là một trong những tiêu chí hàng đầu.
Công tác vệ sinh phòng ở, vệ sinh cá nhân cho thương, bệnh binh được quan tâm. Các khuôn viên cây xanh cơ bản hình thành, bờ bụi được phát quang để đảm bảo môi trường trong lành. Thực hiện đầy đủ công tác phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng để đề phòng dịch bệnh. Trung tâm cũng đã nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch của cấp trên, thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp phòng dịch đạt kết quả cao nhất, 100% cán bộ, viên chức cài đặt ứng dụng BLUZONE trên điện thoại di động. Đồng thời, xây dựng kịch bản đối phó với những diễn biến bất thường của dịch Covid-19 có thể xảy ra.
Trung tâm cũng cố gắng quy hoạch hệ thống xử lý chất thải phù hợp, đảm bảo sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Hằng ngày, các nhân viên của Trung tâm thực hiện thu gom, lưu trữ vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo quy định, không để tồn đọng nhằm tạo môi trường sạch sẽ, tránh gây mùi và vi khuẩn, vi trùng lây lan.
Cùng với đó, Trung tâm đã triển khai phát trang khẩu trang y tế cho thương, bệnh binh cán bộ nhân viên. Bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Mua nước rửa tay sát khuẩn để ở các dãy nhà ở của thương bệnh binh và khu làm việc của cán bộ nhân viên để mọi người sử dụng. Cán bộ nhân viên đến làm việc, khách đến liên hệ công việc đều được kiểm tra thân nhiệt từ ngoài cổng. Đội ngũ cán bộ y tế luân phiên phục vụ, chăm sóc thương, bệnh binh nặng nằm điều trị tại các bệnh viện tuyến trên; y tá, điều dưỡng trực chăm sóc và theo dõi tình hình bệnh lý 24/24 giờ đối với các thương bệnh binh không tự phục vụ đang điều trị tại Trung tâm.
Trung tâm luôn quan tâm đến chất lượng bữa ăn của người có công về điều dưỡng tại đơn vị, lãnh đạo Trung tâm thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo phòng Đời sống dinh dưỡng phối hợp với phòng Y tế phục hồi chức năng trong việc cung cấp thực phẩm, lên thực đơn hàng ngày để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý đối với đại biểu người có công.