CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 08:06

Bắc Giang: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ

Lãnh đạo tỉnh viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị

Đây là dịp để lãnh đạo, cán bộ và nhân dân trong tỉnh thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Cùng đi có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Công Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Đỗ Đức Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp.

1_1

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9.

Tại các nơi đến, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang kính cẩn đặt vòng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước vong linh của những người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Trong khu vực mộ liệt sĩ hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (Hà Bắc cũ), đoàn đã thắp hương từng phần mộ, bày tỏ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nguyện nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, bảo đảm đời sống người có công trên địa bàn tỉnh.

Trong số hơn 20 nghìn liệt sĩ yên nghỉ tại hai nghĩa trang, hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh có 806 liệt sĩ. Trong đó, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có 678 liệt sĩ, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 có 128 liệt sĩ. 

Chăm sóc người có công là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Theo đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Bắc Giang vô cùng tự hào là quê hương anh hùng giàu truyền thống cách mạng, Nhân dân Bắc Giang anh dũng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Giang là vùng an toàn khu cách mạng của Đảng để chỉ đạo kháng chiến; đồng thời, góp công, góp sức nuôi giấu cán bộ, chăm sóc thương binh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp lớn sức người, sức của cho tiền tuyến. Những năm chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Bắc Giang là địa bàn quan trọng bảo vệ thủ đô, bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta, là địa phương có nhiều đơn vị quân đội đóng quân, có nhiều cơ quan, nhà máy của trung ương sơ tán.

Empty

Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh uỷ thắp hương tại các phần mộ liệt sĩ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (Hà Bắc cũ) tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Nhân dân các dân tộc Bắc Giang vừa trực tiếp tham gia chiến đấu vừa góp công, góp của, dành nhà ở của mình cho các cơ quan, đơn vị, ra sức phục vụ chiến đấu và sản xuất, góp phần chiến thắng kẻ thù, đồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và công tác thương binh - liệt sĩ. Qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của đất nước, toàn tỉnh có trên 200 nghìn nam, nữ thanh niên đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 21 nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 15 nghìn thương binh đã để lại một phần máu xương ngoài mặt trận; hàng nghìn bệnh binh và quân nhân xuất ngũ, thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam. Các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương, bệnh binh đã đem máu đào nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thắm thêm ruộng vườn quê hương.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; luôn coi công tác chăm sóc và thực hiện chính sách đối với người có công là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của các cấp, các ngành. Công tác giải quyết chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước đối với người có công được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. 

Cùng với giải quyết kịp thời các chế độ chính sách; cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang qua các thời kỳ luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Bắc Giang đã là một trong những địa phương khởi nguồn của các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, lan toả khắp cả nước như: Phong trào “Hội mẹ chiến sĩ” ở thành phố Bắc Giang, phong trào “Áo lụa tặng bà”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa” ở huyện Việt Yên, phong trào “Trần Quốc Toản” ở huyện Tân Yên, phong trào “Vườn cây tình nghĩa” ở huyện Yên Thế,…

Tiếp nối truyền thống ấy, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã tặng hơn 62 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa; gần 4,2 nghìn hộ người có công được tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đoàn thể nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ngân sách tỉnh hằng năm đều dành kinh phí chăm lo cho người có công dịp Tết Nguyên đán, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay như: Thành lập tổ tình thương; nhận đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi, con thương binh nặng; vận động giúp đỡ các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… do Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong làm nòng cốt. 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều được công nhận là xã, phường giỏi về công tác chăm sóc người có công. 

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người con đã anh dũng của quê hương Bắc Giang hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, các địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động mọi nguồn lực đóng góp để xây dựng, tu bổ nghĩa trang, nhà bia và các phần mộ liệt sĩ. Từ năm 1994 đến nay, trên 100 nghĩa trang, đền thờ và nhà bia liệt sĩ đã được xây dựng mới; hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ được tu bổ, nâng cấp khang trang, sạch đẹp với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã đầu tư xây dựng mới đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhiều công trình đã trở thành trung tâm của các hoạt động văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương. 

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đã độc lập thống nhất, nhân dân Việt Nam đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc; song hàng triệu người suốt đời còn mang trên mình vết thương chiến tranh, nỗi đau da cam di chứng đến thế hệ con, cháu, hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Với truyền thống cách mạng của quê hương đất nước; các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua bệnh tật, khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Rất nhiều thương binh, bệnh binh đã trở thành những tấm gương sáng trong học tập, công tác, sản xuất, nuôi dạy con trưởng thành; có nhiều đồng chí không những làm giàu cho chính mình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển KT - XH, xây dựng quê hương giàu đẹp. Với sự nỗ lực vượt khó vươn lên và sự chung tay của cộng đồng, đến nay, đời sống các hộ chính sách, người có công trong tỉnh đã đạt mức trung bình khá so với cộng đồng dân cư nơi cư trú. 

Tiến Luyến

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh