Bắc Giang: Học nghề nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:27 - 15/12/2020
Địa hình đồi núi, nhiều diện tích đất đồi của Bắc Giang rất phù hợp để làm nông nghiệp trồng cây ăn quả. Để hỗ trợ phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã rất chú trọng tới khâu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Một số nghề được nông dân trên địa bàn tỉnh đăng ký học nhiều là: Trồng bưởi, cam, chanh; trồng rau an toàn; nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; nuôi cá nước ngọt trong ao; may công nghiệp; trồng cây có múi... Trong đó nghề mà nông dân Bắc Giang lựa chọn nhiều nhất là trồng, bưởi, cam, chanh.
Gần đây nhất, ngày 22/11/2020, Hội Nông dân huyện Lạng Giang phối hợp với Trung tâm hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh tổ chức bế giảng lớp nghề ngắn hạn về trồng bưởi, cam, chanh cho lao động nông thôn tại xã Hương Sơn.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (xã Hương Sơn) là một trong số 34 học viên của khóa học cho biết, nhờ học nghề mà anh hoàn thiện hơn lỹ năng trồng cây có múi.
Hiện tại, gia đình anh có gần 12 nghìn m2 đất trồng bưởi. Tuy nhiên, mấy năm trước do thiếu kiến thức nên kỹ năng canh tác của anh cũng lạc hậu, năng suất bưởi không cao.
"Sau khi đi học nghề, tôi hiểu hơn về kỹ năng cắt ghép cành, biết lúc nào nên cắt tỉa cành lá để cây cho nhiều quả, đậu trái. Ngoài ra tôi cũng được giới thiệu tư vấn về các giống phân bón, hóa chất sử dụng an toàn. Sau 2 tháng học nghề, áp dụng những kiến thức vào sản xuất, tôi đã thấy vườn bưởi cho kết quả khác hẳn. Quả đậu, to hơn nhiều" - anh Mạnh nói.
Không riêng gì nghề trồng cây ăn quả, lớp nghề nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi thú y cũng được nông dân lựa chọn nhiều. Anh Lý Văn Đức (thôn Quán Bông, Cẩm Lý, Lục Nam, Bắc Giang) hiện đang sở hữu 72.000 m2 đất làm trang trại chăn nuôi gia cầm. Quy mô trang trại của anh rất lớn, hơn 6.000 con gà và 20 con lợn. Anh Đức cho biết, năm 2018 anh được theo học lớp nghề chăn nuôi của Hội Nông dân, kể từ đó anh đầu tư mở rộng sản xuất trang trại. Anh đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất an toàn, kết quả giá trị sản lượng gà và trứng gà tăng lên. "Tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp hệ thống làm lạnh cho trang trại. Bên cạnh đó, tôi cũng đầu tư thêm hệ thống âm nhạc để gà nghe nhạc. Theo nghiên cứu gà nghe nhạc cổ truyền sẽ được thư thái hơn, ít mổ nhau, điều này sẽ gia tăng năng suất, giúp gà đẻ trứng nhiều hơn. Với gà thịt cũng vậy cho khả năng tăng trọng cao hơn", anh Đức chia sẻ.
Ngoài ra, anh Đức còn được hỗ trợ kết nối để giới thiệu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ xúc tiến.
Trong 3 năm (2018, 2019, 2020) Trung tâm đã tổ chức đào tạo 26 lớp cho 793 học viên. Trung tâm cũng tổ chức 47 hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.700 đại biểu tham dự tại các huyện, thành phố và 2 hội nghị tọa đàm cho 340 đại biểu tham dự tại huyện Hiệp Hòa và Lục Nam. Sau dạy nghề, trung tâm cũng đã hình thành được nhiều các mô hình điểm trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Nông - Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, để tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, thời gian qua trung tâm cũng được kiện toàn và đi vào hoạt động nhằm đáp ứng được nhu cầu của các địa phương về công tác đào tạo nghề. "Đội ngũ giáo viên dạy nghề có trình độ đạt chuẩn đáp ứng được yêu cầu dạy nghề và tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. Trong đó có 2 thạc sỹ; 1 bác sỹ thú y. Bên cạnh đó, nội dung chương trình, giáo trình dạy nghề thường xuyên được đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và thị trường lao động. Hầu hết các lớp đào tạo nghề được tổ chức tại địa phương nên rất thuận tiện cho người học nghề" - ông Nguyễn Quang Nông chia sẻ về thuận lợi trong quá trình đào tạo nghề.
Đặc biệt, dạy nghề đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Các chương trình dạy nghề đã có sự gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Vì thế hiệu quả càng nâng cao.
Ngoài ra, cũng theo ông Nông, sau một thời gian làm tốt công tác đào tạo nghề, nông dân đã dần thay đổi nhận thức về học nghề. Số nông dân có nhu cầu học nghề đều tăng qua các năm, cung không đáp ứng đủ nhu cầu học nghề của bà con.
Bên cạnh thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đối mặt với những khó khăn lớn. Khó khăn đầu tiên là do nguồn kinh phí của nhà nước cấp còn ít. Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho các đối tượng tham gia học nghề thuộc diện được hưởng chế độ chính sách thấp so với nhu cầu thực tế tại thời điểm, dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó đối tượng học nghề bị hạn chế dần theo từng năm, do mỗi lao động chỉ được đào tạo một lần theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp; thủ tục thanh quyết toán, các chứng từ nhiều, phức tạp.