CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm nghèo nhanh và bền vững

Với chuẩn nghèo của tỉnh luôn cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước, ước đến cuối năm 2015, số hộ nghèo theo chuẩn tỉnh còn 4.241 hộ, chiếm tỷ lệ dưới 1,71% so với tổng số hộ dân; theo chuẩn quốc gia là 1.706 hộ, chiếm tỷ lệ dưới 0,69% so với tổng số hộ dân.

Để giảm nghèo nhanh và bền vững, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 9/5/2015 thành lập Ban chỉ đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, do ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở LĐ-TB&XH làm Thường trực Ban chỉ đạo.Ban chỉ đạo tỉnh về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011- 2020 có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch và trình UBND tỉnh quy định về chuẩn nghèo của địa phương. Nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo và phân công các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng thêm nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách giảm nghèo; đề xuất cơ chế, giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.Tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ hàng năm, 5 năm việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Mô hình trồng thanh long giảm nghèo ở huyện Xuyên Mộc.

Trong nỗ lực giảm nghèo, chương trình vốn ưu đãi giải quyết việc làm giúp nhiều hộ dân có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Xuyên Mộc là một huyện có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, mật độ dân cư không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, nhiều  năm qua việc tổ chức, thực hiện xây dựng các mô hình sử dụng vốn giảm nghèo có hiệu quả được huyện Xuyên Mộc đặc biệt quan tâm, trong đó có chương trình tín dụng cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo.Với sự phối hợp của Ngân hàng Chính sách Xã hội, huyện Xuyên Mộc đã triển khai khá hiệu quả việc cho vay vốn đầu tư sản xuất để thoát nghèo thông qua hình thức ký hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương.

Nguồn vốn không chỉ đến đúng đối tượng mà còn được sử dụng khá hiệu quả đã giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống. Ví dụ như, thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... nguồn vốn, kỹ thuật, phương thức làm ăn đã được “trao tận tay” cho hội viên nghèo ở địa bàn để phát huy tối đa hiệu quả. Với cách thực hiện không đầu tư, hỗ trợ  dàn trải, chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững đã được triển khai có hiệu quả ở các xã: Hoà Hội, Phước Tân, Phước Thuận, Bưng Riềng, Xuyên Mộc, Bình Châu... Từ chương trình này, đã xây dựng hàng chục mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Từ đó không ít hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Xã Hoà Hội (huyện Xuyên Mộc) là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 29,53% vào năm 2011 đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,06%. Những năm qua, các hộ dân của xã đã biết cách làm giàu, ổn định cuộc sống và sớm thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò sinh sản, trồng tiêu đã đem lại hiệu quả cao.

Huyện Đất Đỏ, trong 4 năm (2011-2015), các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã huy động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân được hơn 410 triệu đồng, giải quyết cho hàng chục lượt hội viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay để phát triển kinh tế; vận động hộ khá giúp hộ nghèo, khó khăn về cây, con giống không tính lãi hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn nhận ủy thác 95 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách Xã hội huyện giúp 7.000 lượt hộ; hướng dẫn tạo điều kiện giúp 8.000 lượt hộ vay hơn 630 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn để phát triển sản xuất. Các nguồn vốn vay đều được hội viên sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Nhiều hộ hội viên thoát nghèo, có thu nhập cao từ trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh, buôn bán nhỏ. Phối hợp với các ngành chức năng, các công ty phân bón, công ty thức ăn gia súc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; triển khai kịp thời đến hội viên về chương trình dạy nghề, chương trình cung ứng cây con giống cho hội viên nông dân. Nhờ vậy mà từ năm 2011 đến nay, huyện có hơn 38.200 lượt hội viên nông dân được công nhận là “Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi”, hơn 1.500 hộ hội viên nông dân phấn đấu làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Chị Lê Thị Tính, ở tổ 5, ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ chuyên về nghề trồng hoa cho hay, 3 năm trước, vợ chồng chị làm thuê làm mướn quần quật cả ngày nhưng thu nhập không đủ chi tiêu. Năm 2013, được Hội Nông dân xã tổ chức lớp kỹ thuật chăm sóc hoa, cây cảnh, chị và chồng cùng đăng ký học. Sau khi học xong, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng hoa. Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, chị Tính trồng hơn 2.000 chậu vạn thọ, sau khi trừ chi phí, lãi từ 5 đến 6 triệu đồng.Rõ ràng Chương trình giảm nghèo ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã được triển khai thực hiện đúng hướng với nhiều giải pháp phù hợp. Đó là cơ sở chắc chắn để tỉnh hoàn thành Chương trình trước thời hạn.

Sơn Nguyễn/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh