THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:08

Đột phá mới trong tiếp cận giảm nghèo đa chiều

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Giảm nghèo quốc gia giảm nghèo cho biết, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng, Chính phủ Việt Nam quan tâm, được pháp luật đảm bảo... trong những năm qua, thông qua hệ thống luật pháp, chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội, các quyền của trẻ em từng bước được đảm bảo và không ngừng nâng lên. Trẻ em được tạo điều kiện để tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, điều kiện sống và thông tin... Để đo lường và giám sát mức độ tiến bộ trong việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, ngay từ năm 2006, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tổng cục Thống kê, Unicef tiến hành phương pháp luận và xây dựng bộ chỉ số đánh giá nghèo đa chiều của trẻ em.

Việc đưa ra phương pháp đo lường nghèo đa chiều của trẻ em là bước đột phá mới trong tiếp cận giảm nghèo ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều được sử dụng để nghiên cứu, đánh giá thực trạng về tình hình trẻ em nghèo theo từng nhu cầu phát triển của trẻ, là căn cứ xây dựng các chính sách, chiến lược để tạo điều kiện cho trẻ được phát triển toàn diện và thể chất, tinh thần và trí tuệ cho đến khi trưởng thành, đó là phần trăm trẻ từ 0 đến 15 tuổi không đảm bảo ít nhất 2 trong 6 nhu cầu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh, không lao động sớm và bảo trợ xã hội trong tổng số trẻ em từ 0 đến 15 tuổi.

Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc về mọi mặt - Trong ảnh: Trẻ em tắm sông ở xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).     

   Ảnh Chu Lương.

Tuy nhiên, việc áp dụng đo lường nghèo trẻ em mới dừng lại ở việc giám sát mức độ thay đổi trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của trẻ em, chưa được sử dụng trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, cũng như chưa có nhiều đóng góp cho việc hoạch định chính sách bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục trẻ em của cả nước cũng như từng địa phương. Mặt khác, trong hơn 20 năm qua, cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng  thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông qua việc thực hiện các chính sách, và ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Việt Nam đã hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm 1/2 số hộ nghèo theo cam kết với cộng đồng quốc tế, kết quả giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Hiện nay, cùng với xu hướng của một số quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều với các mục đích: Đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên phạm vi cả nước và từng địa phương, nhằm đánh giá sự thay đổi, tiến bộ xã hội hàng năm và cả giai đoạn; xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, các chương trình, chính sách phát triển KT-XH.

Trên cơ sở thực trạng thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, các bộ, ngành sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các giải pháp, chính sách, lộ trình để cải thiện, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản theo lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo hợp lý, tập trung và hiệu quả hơn.

Đo lường nghèo đa chiều sẽ sử dụng kết hợp đo lường thiếu hụt về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin, trong đó có các chỉ số đo lường cơ bản tương thích với các chỉ số đo lường nghèo trẻ em đang được thực hiện.

Theo đánh giá của Unicef, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hội thảo không những là trao đổi những kết quả đã đạt được, mà còn học hỏi những kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 

Chu Lương/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh