Áp Tết: “Cháy” nhà xã hội
- Huyệt vị
- 22:16 - 13/01/2015
Nhà ở xã hội “cháy hàng”
Cuối giờ chiều ngày 8/1, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi đã chứng kiến hơn chục khách đến nơi bán hàng của Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera Khu đô thị Đặng Xá, (huyện Gia Lâm,Hà Nội) để hỏi mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, hầu hết đều ra về trong tâm trạng thất vọng vì được thông báo không còn nhà để mua từ lâu. Một số ít, đành quyết định chuyển sang thuê nhà ở xã hội với mục đích đặt chỗ để sau 5 năm có thể được mua lại.
Ông Lê Văn Hiếu, Phó phòng Dự án Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera cho biết: Dự án nhà ở xã hội khu Đặng Xá đã hoàn thiện giai đoạn 1, giai đoạn 2 đưa vào sử dụng 2.000 căn hộ.
Ngày 16/5/2014, Cty khởi công xây dựng 1.500 căn hộ, diện tích từ 45 -70m2 bao gồm các căn hộ bán, cho thuê, nhưng chỉ trong thời gian ngắn mở bán, đều nhanh chóng được bán hết.
Nguyên do được ông Hiếu lý giải, trong số 1.500 căn hộ giai đoạn 3, Cty dành 270 căn hộ dành cho thuê với các loại diện tích 45m, 47m, 60m, 69,5m, với giá dự tính 30.000 đồng/m2/tháng, phí dịch vụ khoảng 2000 đồng /m2/tháng.
Do giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay, nên cũng chỉ sau một thời gian nhận hồ sơ đến nay số nhà này cũng đã gần hết.
Anh Phạm Minh Giang ở huyện Gia Lâm, (Hà Nội) một trong những khách hàng đến đăng ký xin mua nhà ở xã hội cho biết, nhiều bạn của anh đã mua được nhà ở xã hội và cảm nhận rất tốt, nên anh cũng quyết định đến đăng ký mua, tuy nhiên đến đây thì nhân viên Viglacera cho biết đã hết nhà ở xã hội từ lâu.
Anh cảm thấy tiếc vì không quyết định sớm, hiện không biết mua nhà ở đâu cho phù hợp với điều kiện kinh tế của mình. Khác với anh Giang, ông Trần Văn Đại (Vĩnh Tuy, Hà Nội) khi được biết không còn nhà ở xã hội, đã chuyển sang xin thuê nhà ở xã hội rồi đợi hết 5 năm thuê sẽ được mua lại.
Không chỉ riêng tại Viglacera, hầu hết các Cty xây dựng nhà ở xã hội hiện nay như Cty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô có dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 tại Khu đô thị Chèm - Bắc Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) sau khi mở bán, hiện cũng không còn căn hộ nào.
Còn tại tỉnh Hòa Bình, bà Vũ Thị Hợp, Giám đốc Cty cổ phần thương mại Dạ Hợp cũng cho biết Cty của bà vừa tổ chức khánh thành dự án nhà ở xã hội Dạ Hợp với quy mô 220 căn hộ, hiện được bán gần hết.
Dự án nhà ở xã hội của Viglacera đang đắt khách
Tháo gỡ khó khăn
Theo các chuyên gia nhà đất, bất động sản một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được ban hành trong thời gian qua, đã tác động tích cực đến thị trường nhà ở nói chung và việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng.
Mặc dù đã thu được kết quả bước đầu, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và cho công nhân lao động tại các KCN tập trung còn gặp nhiều khó khăn như: Việc phát triển nhà ở xã hội yêu cầu phải có nguồn vốn lớn, nhưng lợi nhuận thấp.
Thậm chí tỷ lệ lợi nhuận do nhà nước khống chế, thời gian thu hồi vốn dài, nhất là đối với nhà ở xã hội cho thuê.Trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, vì vậy không khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, thu nhập của người dân, công nhân tại các KCN còn thấp, không đủ tích lũy để mua nhà ở, trong khi hiện chưa có cơ chế để hình thành các định chế tài chính nhà ở để cho người dân vay vốn với lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ dài để mua nhà ở.
Một số địa phương có nơi, có lúc chưa thực sự quan tâm tìm các giải pháp để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, còn thiếu chế tài khuyến khích nơi làm tốt, cũng xử lý trách nhiệm đối với nơi làm chưa tốt hoặc không triển khai.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết: Hiện nay có tới 80% dân số đô thị cần hỗ trợ về nhà ở. Cùng với việc thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn thì phát triển nhà ở xã hội chính là một hướng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Đó cũng chính là việc cụ thể hóa các giải pháp của Chính phủ yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với chiến lược phát triển nhà ở, thay vì chỉ phát triển nhà ở cao cấp ít người mua, trong khi nhà ở xã hội rất nhiều người có nhu cầu, lại không có.