THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

Thị trường bất động sản sẽ hồi phục

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam.

* Nhìn lại 20 năm phát triển của thị trường nhà ở và BĐS, nhiều ý kiến cho rằng: Sự phát triển không theo qui hoạch, nóng vội đã dẫn đến việc dư thừa hàng chục triệu mét vuông nhà ở. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Có thể khẳng định, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng điểm thành công nhất là thị trường nhà ở, BĐS đã được định hình, phát triển theo đúng cơ chế thị trường, Nhà nước không còn bao cấp về nhà ở như trước. Hiện, kinh doanh BĐS chiếm khoảng 5,3% GDP, dư nợ cho vay BĐS cuối năm 2014 đạt 265 nghìn tỷ đồng (chiếm 8% tổng dư nợ), hàng loạt dự án BĐS lớn nhỏ, khu đô thị  mở mang phát triển ở các đô thị... đã phần nào giải quyết nhà ở cho người dân.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận: Bên cạnh những mặt được, thị trường nhà và BĐS bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh, không ổn định. Sự phát triển không gắn với kế hoạch, dẫn đến cung vượt quá cầu. Các địa phương cấp phép đầu tư quá nhiều dự án khu đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở mà không căn cứ vào kế hoạch và nhu cầu của thị trường.

Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành một loạt giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường BĐS. Có chính sách tác động tức thời với thị trường, có chính sách tôi cho rằng, cần có thời gian không thể nóng vội được.

Chúng tôi cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển thị trường BĐS đến năm 2020, với 9 nội dung trọng tâm, hy vọng  thị trường  nhà ở và BĐS giai đoạn tới sẽ phát triển theo hướng bền vững...

Khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội).

* Cụ thể sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

-Đầu năm 2013,  Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS, đến nay đã mang lại một số kết quả.

Trong đó, việc lãi suất vay ngân hàng ngày một giảm, có nhiều kênh xử lý nợ xấu, người mua nhà được dễ dàng tiếp cận các gói tín dụng để mua nhà. Hệ thống luật pháp cũng được hoàn thiện theo hướng minh bạch, cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS.

 Nhiều dự án bị đình trệ trước đây nay đã được thi công trở lại, thu hút một lượng lớn khách mua nhà. Đặc biệt, khách hàng là người nước ngoài có thể mua dự án và nhà ở tại Việt Nam ngày càng nhiều... đã tạo sự hứng khởi cho thị trường.

Trên thực tế, giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh BĐS chủ yếu tập trung vào thị trường BĐS cao cấp, đắt tiền. Hầu hết các dự án đều xây dựng các chung cư cao cấp, biệt thự, nhà vườn với giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên. Nhu cầu mua bán, giao dịch nhà ở có mức giá dưới 1 tỷ đồng gần như không được đáp ứng.

Khi thị trường trầm lắng, các doanh nghiệp đã tự điều chỉnh, chuyển hướng đầu tư vào các loại nhà ở quy mô nhỏ, giá trị thấp từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Đây là nhu cầu có khả năng thanh toán cao và tiềm năng còn rất lớn.

Về phía Bộ Xây dựng, chúng tôi đang rà soát lại các dự án, trên cơ sở đó đề xuất việc “bơm tiền” cho vay với các dự án gần hoàn thiện, nhưng thiếu vốn để tăng lượng hàng hóa bán ra, tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Bộ Xây dựng cũng tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở với nhiều nội dung mở, thông thoáng hơn, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài được tham gia đầu tư kinh doanh BĐS cũng như được thuê nhà, thuê đất.

 * Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn kêu quy trình để có quyền sử dụng đất tại Việt Nam vướng rất nhiều thủ tục, qui định. Xin Thứ trưởng cho biết thêm về vấn đề này?

- Đúng là khung pháp lý của thị trường BĐS dù từng bước đã được hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi, nhưng trên thực tế còn nhiều bất cập cần tiếp tục  sửa đổi, bổ sung.

Trong đó có những cơ chế chính sách quan trọng, như chính sách huy động nguồn tài chính dài hạn để phát triển thị trường BĐS, chính sách về thuế giao dịch, thuế tài sản... cần sớm được nghiên cứu ban hành nhằm tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh và ổn định.

Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh).

Khắc phục tình trạng nhiêu khê trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường...

Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên kỳ vọng ngày một ngày hai có thể giải quyết được ngay, bởi tình trạng nhà đất, BĐS đóng băng đã lâu. Trong lĩnh vực BĐS, một số qui định về thủ tục hành chính đúng là đã, đang làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí kinh doanh, làm nản lòng các nhà đầu tư...

Như tôi đã nói, cơ chế chính sách đang được điều chỉnh theo hướng gọn hơn, cởi mở hơn. Tuy nhiên, việc thực thi mới là quan trọng! Chính phủ đã chủ trương cải cách hành chính thông thoáng, nhưng địa phương lại tự ý đặt ra những quy định nằm ngoài quy định chung. Đây là điều cần sớm khắc phục, tháo gỡ.

Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường các bước là tiền kiểm, kiểm soát trước đầu tư. Ở đây, có hai lĩnh vực cần phải được thực hiện, một là sẽ có quy định gọi là kiểm tra qua tiết kiệm trong đầu tư các loại hình dự án, hai là siết chặt hơn việc cấp giấy phép xây dựng. 

So với năm 1999, năm 2009, quỹ nhà ở toàn quốc đã tăng gấp 2 lần (từ 709 triệu m2 năm 1999 lên 1.433 triệu m2 năm 2009).

Đến năm 2013, quỹ nhà ở toàn quốc đã đạt 1.768 triệu m2; bình quân mỗi năm tăng khoảng 80 triệu m2 và dự kiến năm 2014 đạt 1.859 triệu m2.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc cũng tăng hơn 2 lần, từ 9,7m2/người năm 1999 lên 19,6m2/người năm 2013.

Các chương trình nhà ở xã hội đang được triển khai mạnh mẽ với 98 dự án, trong đó có 35 dự án dành cho người thu nhập thấp ở đô thị với gần 19.000 căn hộ. Hiện các địa phương đang triển khai tiếp 129 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 82.500 căn hộ.

Tính đến hiện tại cả nước có 427 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 51 tỉ USD, đứng thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản chiếm 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ngọc Thiện (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh