CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Gian nan tiếp cận “gói 30.000 tỷ đồng”

Quá nhiều điều kiện

      Lập gia đình đã 7 năm, hai Vợ chồng anh Nguyễn Đức Trung, quê Thái Nguyên, dành dụm mãi mới mua được căn hộ tại dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội), nhưng vẫn còn thiếu 400 triệu đồng.  Khi nghe tin Chính phủ triển khai gói 30.000 tỷ hỗ trợ người thu nhập mua nhà Vợ chồng anh đã hy vọng sẽ được tiếp cận vốn vay từ gói này. Anh Trung tính toán, nếu vay được tiền mua nhà từ khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi trên trong dài hạn 10 năm thì trung bình mỗi tháng vợ chồng anh sẽ chỉ phải trả nợ cho nhà băng 1,6 triệu đồng tiền gốc và 2 triệu đồng tiền lãi, tức là khoảng 3,6 triệu đồng/tháng.

      Tuy nhiên khi xem kỹ văn bản anh Trung mới té ngửa, mình không thuộc diện được vay. Bởi, đối tượng được phép vay vốn là những người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, căn hộ của gia đình anh  mua lại có diện tích là 73 m2.

      Cùng tâm trạng như anh Trung, nhiều người dân mua được nhà ở xã hội đang ngóng chờ nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi của Chính phủ. Hầu hết những người này khi nghe tin người mua nhà thu nhập thấp được bổ sung vào đối tượng được vay vốn lãi suất 6%/năm, đã “kiếm” bằng được Thông tư 11 và Thông tư 07 về “nghiên cứu”. Tuy nhiên theo, chị Ngọc (Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quá nhiều khó khăn nếu muốn tiếp cận nguồn vốn này, ngoài việc diện tích căn hộ phải nhỏ hơn 70 m2, thì Thông tư 11 quy định, chỉ các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7/1/2013 mới thuộc đối tượng được cho vay, lại là một rào cản khác.

Tắc ở thủ tục hành chính

     Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 20/9/2014, tổng số khách hàng được tiếp cận vay vốn là 7.823 doanh nghiệp và cá nhân. Tổng số vốn cam kết cho vay đạt 5.900 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng. Số vốn cam kết cho hộ gia đình và cá nhân vay là 3.100 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng. Riêng TP. HCM, đến ngày 30/9, doanh số cho vay đạt 709,03 tỷ đồng với 1.194 khách hàng. Dư nợ đạt 688,23 tỷ đồng. Trong đó, 344,44 tỷ đồng dành cho 1.192 cá nhân và 343 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp.

     Lý giải về nguyên do ít cá nhân được duyệt vay vốn mua nhà với lãi suất thấp, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Võ Thanh Phong đã cho biết, phần đông khách hàng đều thiếu giấy tờ chứng minh chưa sở hữu nhà, thu nhập đủ để trả nợ hàng tháng. Thêm vào đó, dù BIDV đã liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư có nhà ở giá thấp, văn phòng chứng thực tài sản đảm bảo ở nhiều địa phương nhưng quy định chồng chéo nên vẫn chưa tìm được giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục, giấy tờ cho người vay vốn.

     Đại diện VietinBank  cũng cho biết: “Có những khách hàng đủ điều kiện vay vốn nhưng để xin được giấy tờ xác thực của cơ quan, chính quyền địa phương phải đi cả vài chục lần, kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ giải ngân. Với quy trình như vậy, thử hỏi với việc thẩm định cho vay cả vài ngàn hồ sơ đối với chỉ một dự án thì không biết bao giờ tiến độ giải ngân của gói 30.000 tỉ đồng mới có thể đạt được mục tiêu”.

     Bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank, kiêm Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, Ngân hàng Vietcombank cũng đã kết hợp với nhiều chủ đầu tư để đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà thuộc gói vốn 30.000 tỷ đồng. Khoảng 300 khách hàng mua căn hộ EHome từ chủ đầu tư Nam Long đã được Vietcombank chấp thuận cho vay theo diện này, bởi dòng sản phẩm Ehome của Nam Long khá phù hợp với chương trình giải ngân này - căn hộ có diện tích nhỏ, giá thấp. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Thúy Nga, tiến độ giải ngân vẫn không thể nhanh hơn đáng kể được, vì còn vướng thủ tục và khách hàng cũng phải chứng minh được khả năng trả nợ. “Nhiều người đã bỏ cuộc vì phải đi quá nhiều nơi, mất rất nhiều thời gian để chứng minh mình đủ điều kiện tham gia gói” – bà Nga nói.

      Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã cho rằng: Để phát huy gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì cần mở rộng đối tượng cho vay. Bởi còn rất nhiều đối tượng khác có nhu cầu nhà ở nhưng không nằm trong diện vay vốn. Gói tín dụng này không chỉ là vốn mồi hỗ trợ cho người mua dễ dàng có được nơi ở tốt mà còn giúp nhà đầu tư triển khai những dự án đang bị kẹt vì thiếu vốn. Trong khi nhiều đối tượng rất cần vay mà không được vay, đó là các nhà đầu tư. Nhà đầu tư nhà ở thương mại dạng căn hộ nhỏ và giá thành thấp để bán cho người lao động bình thường. Nếu doanh nghiệp lo được với mức giá phù hợp đáp ứng cho nhu cầu người lao động thì nên cho doanh nghiệp này vay. Đó là kênh mở ra rất tốt giúp tiêu thụ nguồn vốn này rất nhanh và đáp ứng lượng lớn nhu cầu nhà ở xã hội. Bên cạnh đó cần có những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính thì người dân mới có cơ hội tiếp cận vốn vay từ gói này.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh