THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:02

Ảnh hưởng bởi Covid-19: Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, gần 17,6 triệu lao động đã được hỗ trợ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 ngày 29/9, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tuy đại dịch diễn biến phức tạp nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 1,42%. Tuy không phải là mức tăng trưởng cao nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất kể từ quý I năm 2020

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.

Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2021 ước 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.

“Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%; trong đó khu vực thành thị là 3,58%, còn khu vực nông thôn là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi trong 9 tháng qua là 2,91%; trong đó khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2021 ước tính là 7,85%”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%. “Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn”, bà Hương nêu thực tế.

94% doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng đã xảy ra, không còn là nguy cơ nữa.

"Nếu chúng ta không chống dịch tốt, việc đứt gãy còn tiếp tục xảy ra", ông Thúy nhấn mạnh và cho biết, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhiều tổ chức trong đó có Tổng cục Thống kê, “sức chịu đựng của doanh nghiệp đã gần cạn kiệt”.

Dẫn khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê tháng 9 vừa qua, ông Thúy đưa ra một số con số đáng chú ý. Cụ thể, tới 94% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn do Covid-19. Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Trong khi đó, tính chung 9 tháng qua, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động - giảm 13,6% về số doanh nghiệp và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Thuý, bên cạnh khó khăn về tài chính, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải gặp thách thức lớn về lao động. Cụ thể trong thời gian giãn cách, không có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được “3 tại chỗ” nên người lao động đã đi tìm việc ở các lĩnh vực khác. Ngoài ra, các biện pháp giãn cách cũng khiến lực lượng lao động gần như không dịch chuyển được.

“Biện pháp quan trọng nhất bây giờ là dập dịch càng sớm càng tốt. Chính phủ tiếp tục gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh như: Giãn giảm thuế, hỗ trợ người lao động… Cần phải chú ý ưu tiên doanh nghiệp có quy mô lao động lớn ở tâm dịch phía Nam để doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh nhất có thể”, ông Thuý đề xuất.

Đồng thuận, bà Hương cho rằng, để đạt mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể, chúng ta cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Trước hết cần thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 gắn với mở rộng cơ sở tiêm, đối tượng tiêm. 

Hai là tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm; đặc biệt chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả với phương châm “không để ai bị bỏ lại”…

Tổng kinh phí hỗ trợ gần 13,8 nghìn tỷ đồng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 9 tháng năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ban hành để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.

Tính đến ngày 21/9/2021, tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh; xuất cấp hơn 136 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch, trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng TP Hồ Chí Minh đã chi gần 5.500 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ hơn 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.

Tổng Cục Thống kê nhận định, bước sang quý IV, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Mặc dù tiêm chủng vaccine Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 năm 2021 của Chính phủ, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được triển khai.

Theo đó, 6 nhóm lao động được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Cụ thể thời gian đóng như sau:

Đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.

Nguồn kinh phí: Khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2021.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, khoảng 12,8 triệu người sẽ được hưởng chính sách từ nhóm này.

Và hỗ trợ người sử dụng lao động từ giảm đóng Quỹ là 8.000 tỷ đồng. Ước khoảng 386.000 người sử dụng lao động sẽ được hưởng chính sách này. Như vậy, tổng kinh phí của chính sách này là 38.000 tỷ đồng.

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh