Anh hùng ở tuổi 20
- Người có công
- 12:38 - 02/09/2022
Sinh ra ở mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng - Chiến khu Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), nối tiếp cha ông, ông Mai Ngọc Thoảng (SN 1953) lên đường nhập ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ. Hồi tưởng về quá khứ hào hùng của mình, trong câu chuyện kể, ông Thoảng cho biết, bố ông là dân công hỏa tuyến, tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường, bởi vậy từ nhỏ ông đã nung nấu ý nguyện được vào quân ngũ cầm súng đánh giặc. Dù xung phong đi bộ đội nhiều lần nhưng vì dáng người bé nhỏ, lại thiếu cân nên ông bị loại.
“Năm 17 tuổi, ở xã có đợt tuyển quân, do còn thiếu cân, nhưng thấy tôi quyết tâm nên nhiều người “mách nước” tôi giấu gạch vào người cho đủ cân mới được đi. Tôi làm theo và đã tăng từ 38kg lên 43kg, thế là tôi được đi bộ đội theo mong ước”, ông Thoảng tự hào.
Sau đợt trúng tuyển năm 1970, ông Mai Ngọc Thoảng lên đường nhập ngũ. Trải qua quá trình huấn luyện ông được biên chế vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (nay là Sư đoàn 390). Tháng 6/1972, đơn vị của ông được điều động tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị với nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông suốt đường dây thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu. Lúc bấy giờ ông là Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin hữu tuyến.
Ngày 30/3/1972, toàn tỉnh Quảng Trị bắt đầu nổ súng, quân ta tiến đánh Cồn Tiên, Dốc Miếu rồi tiến đánh và giải phóng Cam Lộ vào ngày 2/4. Ngày 28/4, giải phóng Ái Tử. Ngày 1/5 toàn bộ thị xã Quảng Trị được giải phóng. Để lấy lại tinh thần cho quân đội Việt Nam Cộng hòa và gây sức ép cho ta tại Hội nghị Paris, quân địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm lại Thành cổ. Mỹ đặt mục tiêu bằng mọi giá phải cắm cờ trên Thành cổ trước ngày 13/7/1972, tức trước khi Hội nghị 4 bên chính thức khai mạc tại Paris để thảo luận các vấn đề về Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bởi vậy, chúng mở chiến dịch Lam Sơn 72, dùng hết các loại vũ khí tối tân nhất hòng chiếm lấy toàn bộ Thành cổ Quảng Trị.
“Trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6 - 16/9/1972), để phục vụ chiến dịch, nhiệm vụ giữ vững thông tin của Trung đoàn tôi luôn được Bộ chỉ huy quan tâm đặt lên hàng đầu. Những chiến sĩ thông tin của Trung đoàn 48 lúc nào cũng như con thoi dưới làn bom đạn, nối liền những đường dây bị đứt. Bộ chỉ huy xác định thông tin là mạch máu chỉ huy, mất thông tin là mất liên lạc, cho nên đơn vị tôi luôn từng giây, từng phút túc trực, giữ thông tin thông suốt giữa tiền tuyến và Ban chỉ huy, kịp thời chuyển tải mệnh lệnh của Bộ chỉ huy ra chiến trường. Sông Thạch Hãn trở thành “túi hứng bom đạn” của địch, bởi có đến hàng trăm, hàng nghìn tấn bom các loại được thả xuống. Khi chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, đơn vị tôi dù liên tục được bổ sung quân số, nếu tổng kết lại, cứ một ngày chưa kể các đơn vị bạn thì Trung đoàn 48 có một Đại đội hy sinh.
Giữa tháng 7/1972 - thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ngày 13/7, có một đường dây liên lạc qua sông nối từ sở chỉ huy phía sau với mặt trận bị đứt rất nhiều lần mà anh em không thể nối được. Anh em cứ đi anh nào hy sinh anh đấy. Lúc bấy giờ, tôi xung phong đi và hứa sẽ nối được đường dây này. Trước lúc đi, đồng đội đã làm lễ truy điệu sống vì xác định tôi đi là sẽ hy sinh. Tôi cùng đồng chí Quách Mạnh Nhạc, người cùng quê Thạch Thành nhận nhiệm vụ đi nối đường dây. Lặn lội mãi chúng tôi mới ra được đến bờ sông Thạch Hãn, mặc cho mưa bom, bão đạn, tôi bơi sang phía bên kia sông lấy được đầu dây bị đứt. Phía bên này sông đồng chí Nhạc đưa đầu dây sang. Giữa sông, dây không còn để nối vì đứt quá nhiều, nếu bỏ lại dây thì ảnh hưởng đến việc thông tin liên lạc, bao nhiêu đồng đội sẽ hy sinh, trong khi đó pháo vẫn bắn liên tục. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, một ý nghĩ đã lóe lên trong đầu, tôi dùng răng cắn hai đầu dây bị đứt nối chúng lại để thông tin được thông suốt, còn lại hai tay và hai chân thì bơi để giữ thăng bằng. Tôi như cột điện giữa dòng nước, bom đạn bắn tung cả người, tôi vẫn kiên cường cắn hai đầu dây. Mỗi lần tổng đài bắt đầu quay, nghe dòng điện chạy qua mình tôi lại ngất đi. Lúc tỉnh lại tiếp tục cắn giữ hai đầu dây. Tôi đã giữ đường dây như thế cho chỉ huy liên lạc trực tiếp suốt 30 phút cho đến khi ngất lịm không còn biết gì nữa. Tỉnh lại tôi thấy mình đã được đồng đội đưa lên bờ. Trở về đơn vị, đồng chí chính trị viên Hà Thế Tuyết thông báo: Đồng chí vừa nối đường dây cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện chỉ huy trực tiếp chiến dịch và động viên Trung đoàn ta. Đợt tiến công của địch vừa rồi đã bị bẻ gãy. Hành động của đồng chí đã cứu được bao nhiêu người khỏi hy sinh, đổ máu trong trận này…”, ông Thoảng xúc động kể lại.
Với những thành tích trong chiến đấu, ngày 23/9/1973 ông Mai Ngọc Thoảng vinh dự được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân giải phóng khi vừa tròn 20 tuổi. Ngày 20/12/1972 Trung đoàn 48 được Quốc hội và Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cùng phiên hiệu Đoàn Thạch Hãn anh hùng và 16 chữ vàng “Tiến công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, đánh thắng giòn giã, lập công xuất sắc”.
Sau chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Trung đoàn của ông được điều động vào chiến trường miền Nam cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông về công tác ở Phòng Chính trị Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Năm 1993, ông rời quân ngũ trở về quê hương. Cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ, ông cùng gia đình phấn đấu, lao động vượt qua khó khăn. Năm 1999, Anh hùng Mai Ngọc Thoảng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn. Giai đoạn 2000 - 2010, ông giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Trạo. Năm 2010, ông Thoảng nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác hội, đoàn thể, giúp đỡ đồng đội, đồng bào lao động xây dựng cuộc sống hạnh phúc và đạt được nhiều thành tích trong công tác xã hội. Năm 2019, ông Thoảng vinh dự là đại biểu của thị xã Bỉm Sơn tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, vinh dự là đại biểu đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020…
Ngoài thời gian cho gia đình, công việc ở khu phố, ông luôn giành thời gian trở về thăm quê hương Chiến khu Ngọc Trạo - mảnh đất chôn nhau cắt rốn nuôi ông khôn lớn. Đều đặn mỗi năm, ông giành thời gian thăm lại chiến trường xưa - mảnh đất thiêng Quảng Trị anh hùng để tri ân những đồng chí, đồng đội đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
“Năm nay kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng là dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, tôi trở lại chiến trường xưa, gặp mặt đồng đội, thắp nén hương tri ân những anh hùng liệt sĩ. Dù mang vết thương chiến tranh, nhưng tôi thật may mắn khi còn được sống, được chứng kiến sự đổi thay, phát triển của quê hương, đất nước. Với tôi, những ký ức về một thời khói lửa mảnh đất Quảng Trị anh hùng sẽ chẳng bao giờ quên…”, ông Thoảng xúc động.