THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:33

An táng hài cốt 17 chiến sĩ đặc công hy sinh 50 năm trước

An táng hài cốt 17 chiến sĩ đặc công hy sinh 50 năm trước - Ảnh 1.

Các liệt sĩ được an táng trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phước Sơn


Sáng 5/6, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Phước Sơn long trọng tổ chức Lễ Truy điệu và an táng hài cốt 17 liệt sĩ thuộc đơn vị Tiểu đoàn Đặc công 404 - Quân khu 5, hy sinh tại Sân bay Khâm Đức vào ngày 5/8/1970.

Đọc điếu văn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định: Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập, tư do của Tổ quốc.

"17 liệt sĩ của chúng ta từ nay sẽ mãi mãi yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn, trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Với tất cả lòng thành và tri ân sâu sắc, chúng ta cùng cầu cho linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát, mát mẻ nơi chín suối, bình an trong cõi vĩnh hằng" – ông Hà xúc động.

Theo ông Hà, vào ngày 5/8/1970, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu 5, Tiểu đoàn 404 có nhiệm vụ tổ chức tấn công tập kích cứ điểm sân bay Khâm Đức. Xác định đây là một trận đánh vô cùng quan trọng, Tiểu đoàn 404 đã chọn những cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú.

An táng hài cốt 17 chiến sĩ đặc công hy sinh 50 năm trước - Ảnh 2.

Thân nhân các liệt sĩ có mặt tại lễ an táng.

Trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 404 tấn công đánh vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh 82 và 2 đại đội thuộc Lữ đoàn 196 Lục quân Mỹ. Qua đó đã làm thiệt hại nặng nề về vũ khí, trang bị và người, buộc quân địch phải tháo chạy khỏi Khâm Đức vào ngày 26/8/1970. Từ đó, Khâm Đức mới hoàn toàn sạch bóng quân thù.

Dù vậy, 17 chiến sĩ đặc công thuộc Tiểu đoàn 404 đã anh dũng hy sinh. Suốt mấy chục năm qua, hài cốt của 17 liệt sĩ nằm lại đâu đó trong lòng đất là nỗi đau, sự băn khoăn trăn trở của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân huyện Phước Sơn cũng như các đồng chí, đồng đội nguyên Tiểu đoàn 404 và thân nhân gia đình của 17 liệt sĩ. Bằng các nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng hành trình tìm kiếm nơi chôn cất các liệt sĩ đã mang lại kết quả như ngày hôm nay.

Trước đó, như báo Vietnamnet đã thông tin, 17 hài cốt được tìm thấy là các đặc công hy sinh trong trận đánh vào căn cứ Mỹ tại sân bay Khâm Đức rạng sáng ngày 5/8/1970.

Sân bay và cứ điểm Khâm Đức được Mỹ xây dựng năm 1960, nhằm án ngữ vùng miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam, cắt đứt con đường 14 nối Tây Nguyên với Hạ Lào và con đường Hồ Chí Minh chi viện vào miền Nam.

Sáng ngày 5/8/1970, chiến sĩ đặc công nhận nhiệm vụ đánh vào cứ điểm, 17 chiến sĩ đã hy sinh và được chôn tập thể.

Danh sách 17 liệt sĩ đặc công hy sinh được tìm thấy:

1: Lê Quý Quỳnh, 1928, Tiểu đoàn phó (Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình).

2: Tạ Thiên Trì ,1945, Trợ lý tác huấn (Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi).

3: Nguyễn Văn Tiến, 1939, Chính trị viên đại đội (Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Tây).

4: Nguyễn Ánh Dương, 1950, Trung đội trưởng (Quang Phục, Tiên Lãng, Hải Phòng).

5: Vũ Quang Đặc, 1941, Trung đội trưởng (Cổ Thành, Chí Linh, Hải Dương).

6: Vũ Văn Bỉnh, 1949, Tiểu đội trưởng (Thuỷ Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Tây).

7: Hoàng Văn Mão, 1950, Tiểu đội trưởng (An Khang, Yên Sơn, Tuyên Quang).

8: Đinh Quang Cừ, 1950, Tiểu đội trưởng (Hợp Hòa, Sơn Dương, Tuyên Quang).

9: Lê Ngọc Anh, 1950, Hạ sĩ (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên).

10: Đỗ Tiến Vũ, 1951, Tiểu đội phó (Thăng Long, Đông Hưng, Thái Bình).

11: Nguyễn Văn Quế, 1951, Hạ sĩ (Tân Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên).

12: Nguyễn Trọng Thế, 1950, Hạ Sĩ (Hòa Thành, Yên Thành, Nghệ An).

13: Đỗ Như Lợi, 1950, Hạ sĩ (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên).

14: Chu Văn Sừu, 1952 Binh nhất Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên.

15: Nguyễn Công Soi, 1952, Binh nhất (Hồng Lĩnh, Hưng Hà, Thái Bình).

16: Nguyễn Văn Lữ, 1952, Binh nhất (Hồng Lĩnh, Hưng Hà, Thái Bình).

17: Nguyễn Văn Ứng, 1951, Hạ sĩ (Quế Nham, Tân Yên, Bắc Giang).

(báo Người lao động)

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh