THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:49

An Giang: Nông dân Khmer thu nhập cao từ nuôi dê

 

Một số hộ nông dân Khmer cho biết, tùy theo điều kiện địa lý, đất đai, môi trường mà mỗi hộ chăn nuôi dê theo mô hình khác nhau. Nhiều người lựa chọn nuôi nhốt chuồng, nhưng cũng có nhiều hộ lại nuôi theo mô hình bán chăn thả, dê tự tìm nguồn thức trong tư nhiên là chính. Tại ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên các hộ nông dân Khmer nuôi dê chủ yếu là theo mô hình kết hợp nuôi nhốt và thả rông (tùy thời vụ, thời tiết) để dê tự tìm nguồn thức ăn là cỏ, lá các loại cây có sẵn và rất phong phú quanh chân núi Cấm. Họ chỉ nhốt dê vào ban đêm, mùa mưa bão, thời gian còn lại đều thả dê ra ngoài thiên nhiên cho dê tự tìm thức ăn theo dọc triền núi, hoặc hai bên bờ lộ…Dê là con vật ăn tạp, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại cỏ, lá cây và một số phụ phẩm nông nghiệp, nên rất dễ nuôi. Hiện nay có nhiều giống dê đang được các hộ nông nuôi như dê Hòa Lan, Bách Thảo, dê cỏ giống địa phương, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế nhất là dê Boer. Dê Boer là giống dê có nguồn gốc từ châu Phi có ưu điểm ăn được nhiều loại thức ăn, nhanh lớn, sức đề kháng cao, nuôi khoảng 6 tháng đã đạt trọng lượng 30 kg/con nhanh hơn 2 tháng so với giống dê cỏ địa phương.

Mô hình nuôi dê bán chăn thả ờ vùng Bảy Núi đã giúp cho nhiều hộ nông dân Khmer huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có thu nhập cao

Tuy dễ nuôi, nhưng muốn cho dê chóng lớn, khỏe mạnh, sinh sản tốt thì người nuôi cũng phải nắm vững về kỹ thuật làm chuồng trại luôn phải khô ráo, tuyệt đồi không được ẩm ướt, để nhốt vào ban đêm, hay những ngày mưa bão. Khâu thức ăn cũng phải luôn đầy đủ, nhất là đối với dê cái sinh sản, thời gian cho con bú cần bổ sung thức ăn thật đầy đủ. Ngoài ra người nuôi dê cũng cần chú ý tránh cho dê giao phối cận huyết nhằm đảm bảo cho đàn dê về năng suất, chất lượng con giống. Tại hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) hiện có hàng trăm hộ nuôi dê theo mô hình bán chăn thả, với quy mô từ 15 con – 30 con, thu nhập hàng năm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/ năm. Một số lão nông cho biết, giá dê thịt (cân hơi) hiện nay giao động từ 120.000 đồng/kg đến 140.000 đồng/ kg; dê giống giá 1,5 triệu đồng /cặp; dê cái hậu bị giá từ 4 – 5 triệu đồng /con. Hộ chị Neang Lương, người Khmer ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, nuôi một đàn dê 15 con thả rông trên triền núi tự tìm thức ăn, giảm được tiền chi phí thức ăn, nên mỗi năm cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng. Tại xã An Phú, huyện Tịnh Biên đã hình thành Tổ hợp tác nuôi dê, với gần 20 thành viên đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ thoát nghèo mà đang vươn lên làm giàu. Theo đánh giá của lãnh đạo chính quyền địa phương, mô hình nuôi dê bán chăn thả rất thích hợp với điều kiện địa phương, đã và đang góp phần cải thiện đời sống đồng bào Khmer nơi đây, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương../.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh