CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:55

Huyện Tịnh Biên (An Giang): Nông dân Khmer đổi đời từ cây mãng cầu ta

 

Theo một số nông dân xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho biết, từ lâu cây mãng cầu ta đã là cây trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng Bảy Núi. Những năn gần đây, cây mãng cầu ta được người nông dân Khmer xem là loại cây giảm nghèo và làm giàu. Chính vì thế ở vùng dưới chân núi Cấm, núi Dài các hộ nông dân Khmer đều trồng mãng cầu ta và tập trung nhiều nhất là ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo với khoảng 100 hộ trồng. Mãng cầu ta được các nhà vườn Khmer trồng chủ yếu xen dưới tán rừng trên Bảy Núi bằng cách cho cây phát triển tự nhiên không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm các nhà vườn chì bón cho cây mãng cầu ta từ 2 – 3 đợt phân chuồng, để tăng độ ngọt cho trái cây. Nói chung mãng cầu ta là loại cây ăn trái rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ sau 2 năm trồng là cho lứa trái đầu tiên. Theo quy luật tự nhiên cứ vào mùa mưa đến, cây mãng cầu ta tự thay lá, ra bông và kết trái và mùa thu hoạch chính là tháng 6 và tháng 7 âm lịch hàng năm, cứ khoảng 3 ngày nhà vườn lại hái một lần.

Nhờ trồng cây mãng cầu ta mà nông dân Khmer vùng Bảy Núi huyện Tịnh Biên (An Giang) thoát nghèo và là giàu

Mãng cầu ta trồng có thể thu hoạch trái tới 20 năm nhà vườn mới phải trồng lại. Một lão nông Khmer ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo cho biết, bình quân mỗi ha cây mãng cầu ta cho thu nhập 50 triệu đồng – 60 triệu đồng/ ha, thương lái thu mua tại vườn với giá từ 15.000 đồng / kg – 20.000 đồng/ kg, lúc cuối vụ tăng lên khoảng 25.000 đồng/ kg. Mãng cầu ta vùng Bảy Núi nhờ thổ nhưỡng thích hợp, khí hậu mát mẻ, trên núi cao, nên cho chất lượng trái rất cao, ổn định về độ ngọt, đảm bảo sạch, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ được tiêu thụ mạnh trong tỉnh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. HCM trái mãng cầu ta còn được sang thị trường Cămpuchia.

Trái mãng cầu ta không chỉ được tiêu thụ mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn được xuất khẩu sang Cămpuchia

Theo các kỹ sư Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay mãng cầu ta ngoài cho trái chính vụ, còn cho trái nghịch vụ vào các tháng khác trong năm, bằng cách xịt thuốc cho cây rụng lá già, sau đó tưới nhiều nước để cây ra lá non, ra bông và kết trái. Với phương pháp này mãng cầu ta cho lứa trái nghịch vụ, giá thành cao hơn, nhà vườn thu lợi nhuận cao hơn chính vụ. Vùng Bải Núi thuộc huyện Tịnh Biên, nhiều hộ nông dân Khmer có thu nhập hàng năm từ 150 triệu đồng – 200 triệu đồng từ vườn mãng cầu ta. Nhờ trồng, phát triển cây mãng cầu ta mà những năm gần đây nông dân Khmer vùng Bảy Núi, huyện Tịnh Biên không chỉ thoát nghèo, mà nhiều hộ đã và đang vươn lên làm giàu. Lãnh đạo UBND xã An Hảo, xã có nhiều hộ nông dân trồng mãng cầu ta nhận định, từ hiệu quả kinh tế thiết thực này, chính quyền địa phương đã, đang tiếp tục vận động các hộ đồng bào Khmer chuyển dần những cây ăn trái khác kém hiệu quả, sang chuyên canh cây mãng cầu ta. 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh