CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:24

An Giang: Người Khmer đổi đời nhờ được vay vốn làm ăn

 

Theo báo cáo của  UBND huyện Tri Tôn, những năm qua trên địa bàn huyện có 11 chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) được triển khai áp dụng hiệu quả, với tổng dư nợ trên 243 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo điều kiện cho 6.561 lượt hộ nghèo được vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi thoát nghèo, 1.225 hộ phát triển đàn bò, 818 hộ nghèo xây dựng được nhà ở, 1.756 hộ gia đình được cải thiện môi trường sống. Điển hình như gia đình ông Chau Sóc ở ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn nhờ được vay vốn ưu đãi để mở rộng chăn nuôi bò mà trở thành một trong những hộ khá giả ở trong vùng.

 

Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà nhiều hộ nông dân Khmer đã đầu tư phát triển đàn bò để vươn lên thoát nghèo và làm giàu

 

Ông Chau Sóc cho biết, được NHCSXH cho vay 200 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, nên đã có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô phát triển đàn bò như hiện nay với tổng số trên 150 con. Hàng năm, gia đình ông xuất chuồng bán bò giống, bò sinh sản cho các hộ nông dân nuôi bò ở các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, còn bò vỗ béo, bò thịt bán cho thương lái ở TP.HCM, nhu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ đó mà gia đình ông có điều kiện nuôi hai con theo học đại học ở Cần Thơ và An Giang, hoàn trả xong nguồn vốn vay, tích lũy được vốn để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi bò lớn hơn. Hiện nay, do cơ giới hóa đồng ruộng ngày càng phát triển, nên con bò trở thành vật nuôi hàng hóa, tăng thu nhập kinh tế gia đình cho những hộ đồng bào Khmer.

Để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trong chăn nuôi, nhiều hộ nông dân Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã áp dụng kỹ thuật nuôi giống bò Lai Sind 

 

Tại huyện Tịnh Biên có khoảng 300 hộ gia đình Khmer được các ngành, các cấp mở lớp dạy nghề, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò và được NHCSXH cho vay vốn phát triển đàn bò. Lãnh đạo xã Tân Hội, huyện Tịnh Biên cho biết, toàn xã có 2.521 hộ, trong đó hộ đồng bào Khmer chiến 54 %. Trong những năm qua, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào Khmer đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Chính nhờ nhiều hộ gia đình đồng bào Khmer được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nên từ năm 2012 đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở xã Tân Hội giảm đáng kể.

  Chăn nuôi bò ngày càng phát triển mạnh, nên nhiều nông dân Khmer đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ bán cho các hộ nuôi bò lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa 

 

Thực hiện Đề án 25 toàn xã có 178 hộ được thụ hưởng, với mỗi hộ được vay vốn 10 triệu đồng từ NHCSXH, xây cất 183 căn nhà cho hộ nghèo. Ông Chau Rim ở ấp Tân Long được Nhà nước cấp cho một căn nhà theo chương trình 134 và được vay 10 triệu từ NHCSXH huyện Tịnh Biên để chăn nuôi bò (trong vòng 3 năm không tính lãi). Ngoài ra gia đình ông còn được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng để nấu đường thốt nốt tăng thêm thu nhập, hiện gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và bắt đầu có tích lũy để mở rộng quy mô nấu đường thốt nốt và nuôi bò, quyết tâm làm giàu.

Cũng nhờ được vay vốn sản xuất, nên nhiều hộ Khmer đã mở rộng quy mô sản xuất đường thốt nốt truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao

 

Thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, năm 2012 toàn tỉnh An Giang đã xét chọn hơn 3.000 nông dân Khmer đạt danh hiệu “Nông dân giỏi” ba cấp. Trong đó có rất nhiều nông dân, nhờ được vay vốn ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nấu đường từ cây thốt nốt mà thoát nghèo và giàu lên. Đặc biệt là đầu tư vào khai thác và nấu đường thốt nốt, một trong những thế mạnh mang tính truyền thống từ lâu đời của đồng bào Khmer ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn.

 Từ nguồn vốn được vay, nhiều hộ Khmer đã đầu tư quy hoạch, mở rộng diện tích trồng cây thốt nốt để khai thác cung cấp nguyên lliệu cho các cơ sở sản xuất đường thốt nốt ở địa phương

 

Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tri Tôn, hiện nay nói tới triệu phú người Khmer thì phum, sóc nào cũng có. Đây chính là kết quả của những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc Khmer trong những năm qua. Chính nhờ vào sự đồng hành chia sẻ của NHSCXH mà những người nông dân Khmer có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh