Châu Đốc (An Giang): Nông dân thi đua sản xuất giỏi xóa nghèo, làm giàu
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:19 - 02/12/2015
Phong trào NDSXKDG được Hội Nông dân các cấp ở thị xã Châu Đốc hết sức quan tâm, hàng năm công tác triển khai tổ chức đăng ký cho nông dân được tiến hành ngay từ đầu năm, nhằm chủ động thời gian của ngành quản lý lẫn người dân tham gia. Trong những năm qua phong trào NDSXKDG nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao, được xem là một trong những phong trào tiên phong trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, nhiều nông dân đã có những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu nhập tăng, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Châu Đốc là địa phương từ lâu đã nổi tiếng với mô hình nuôi cá tra, basa trong lồng bè, nhờ đó mà nhiều nông dân giàu lên
Thông qua phong trào thi đua, nhiều nông dân đã biết tận dụng tiềm năng lợi thế đất đai và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình làm ăn hiệu quả của tổ hợp tác, các cá nhân ở trong vùng, để áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả hơn. Từ đó xuất hiện nhiều điển hình NDSXKDG vượt khó thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất của mình, với lợi nhuận hàng năm từ vài chục triệu đồng, đến hàng trăm triệu đồng.
Chế biến thủy sản với các loại thương hiệu khô, mắm nổi tiếng là một trong những nghề truyền thống của người dân Châu Đốc
Điển hình như mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất lúa sau thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận trên 350 triệu đồng/năm của ông Phạm Thanh Liêm, ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế. Mô hình đầu tư dịch vụ máy cày, gặt đập liên hợp, lò sấy lúa của ông Nguyễn Văn Lập xã Vĩnh Tế, với doanh thu trên 900 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 600 triệu đồng/năm. Mô hình trồng lúa + màu + nuôi và chế biến cá tra, đạt doanh thu trên 2,8 tỷ đồng/năm của ông Trần Văn Khách ở khóm Vĩnh Phú, phường Châu Phú A.
Điểm nổi bật của phong trào nông dân thi đua SXKDG là thông qua các buổi tập huấn, hội thảo tham quan các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, xây dựng điểm trình diễn kỹ thuật gắn với đầu tư vốn, vận động nông dân giỏi giúp nông dân nghèo. Đồng thời các cấp Hội Nông dân thị xã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan đã vận động nông dân tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, bổ sung những kiến thức mới trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của các hộ nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp có ưu thế về chất lượng cao, nhiều mặt hàng trở thành nhóm hàng hóa mang giá trị thương hiệu đặc sản của Châu Đốc được ngưởi tiêu dùng ưa chuộng. Được biết hiện nay trên địa bàn thị xã đã có 3 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 1.000 xã viên, canh tác trên diện tích 994 ha.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nên dịch vụ cho thuê máy gặt đập liên hợp của nhiều nông dân ở Châu Đốc cũnh phát triển
Ngoài ra Hội Nông dân các cấp của thị xã còn phối hợp tổ chức gần 50 lớp dạy nghề cho hơn 1.500 nông dân, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Theo lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Châu Đốc cho biết, thông qua phong trào nông dân thi đua SXKDG đã giúp nông dân địa phương tiếp thu, học hỏi cái mới, cái hay, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đoàn kết tương trợ nhau đầu tư, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả cao hơn để tăng thu nhập gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.