THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:43

An Giang: Nâng cao đời sống đồng bào Khmer

 

Trong sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bào Khmer, những năm gần đây đã có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, đó là nhờ vào chính sách ưu đãi vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện nay đã có trên 50% diện tích đất nông nghiệp của đồng bào Khmer sản xuất từ một vụ trước đây, nay tăng lên 3 vụ/năm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa, tăng nguồn thu nhập đáng kể. Đặc biệt ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các hộ đồng bào Khmer áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phối hợp các công ty trong và ngoài tỉnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất. Đó là các mô hình như nuôi bò kết hợp trồng bắp thu trái non, trồng cây dược liệu, đậu phộng, mè, thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống kinh tế của đa số hộ nông dân vùng đồng bào Khmer từng bước được cải thiện, nâng cao.                         

  Nuôi bò vỗ béo

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm những năm qua đồng bào Khmer nhận được sự hỗ trợ từ con giống, thức ăn đến kinh phí xây dựng chuồng trại và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, thuốc thú y…Cùng với chính sách hỗ trợ là sự vào cuộc quyết liệt, ráo riết, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho nông dân đồng bào dân tộc Khmer phát triển chăn nuôi theo hướng đa dạng, quy mô lớn. Đến nay, nhiều hộ nông dân Khmer đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi. Điển hình như hộ ông Chau Rim ớ ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên là một ví dụ. Từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện trong vòng 3 năm không tính lãi và được vay 3 triệu đồng không hoàn lại để làm chuồng, ông Chau Rim đã đầu tư nuôi bò và làm thêm nghề nấu đường thốt nốt, nay thu nhập đạt khoảng 200.000 đồng/ngày, cuộc sống trở nên khá giả, xây được nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi.

  Khai thác nước thốt nốt để nấu đường 

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Lợi cho biết, toàn xã có 2.521 hộ, trong đó hộ đồng bào Khmer chiếm trên 54%, những năm qua nhờ thực hiện đầy đủ các chính sách với đồng bào Khmer mà tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Tính từ năm 2012 – 2013 xã Tân Lợi giảm từ 34% tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17%, chủ yếu là hộ đồng bào Khmer.

 Không chỉ thực hiện tốt, có hiệu quả về các chính sách, chương trình, dự án cho phát triển kinh tế, mà An Giang còn nỗ lực tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo nghề vùng đồng bào Khmer. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, có hai trường THCS dành riêng dạy tiếng mẹ đẻ cho con em dân tộc Khmer, một trường THPT dân tộc nội trú và một trường trung cấp nghề dân tộc nội trú (ở Tri Tôn). Tại Trường trung cấp nghề dân tộc nội trú, tính đến nay đã có hàng trăm con em dân tộc Khmer theo học các nghề: Tin học văn phòng, kỹ thuật sửa chửa, lắp ráp tính, điện công nghiệp, hàn và bảo vệ thực vật.. Đồng thời hàng năm,  tỉnh đều dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho khoảng 100 em theo học ở các trường cao đẳng, đại học (diện cử tuyển) để bổ sung cán bộ nguồn là con em đồng bào Khmer.

 

Một góc trường Trung cấp Nghề nội trú tại huyện Tri Tôn (An Giang)

Đặc biệt, thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân tộc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Từ đó để họ từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vất chất và tinh thần, nhất là đối với những hộ nghèo, giúp đỡ họ thoát nghèo một cách bền vững, không để tái nghèo. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho cộng đồng dân tộc Khmer sửa chữa, trùng tu các ngôi chùa bị hư hỏng xuống cấp, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Luong Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh