THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:29

Ẩm thực hấp dẫn của các nước Châu Á dịp Tết Nguyên đán

 

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á cũng đón Tết Nguyên Đán. Đây là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ và thưởng thức những món ăn truyền thống. Nếu như người Việt đón bằng bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy và thể hiện sự thành kính với trời đất và tổ tiên thì ở các quốc gia châu Á khác, họ cũng có những món đặc sắc không kém.

Trung Quốc

Thực đơn trong mâm cỗ Tết của người Trung Quốc cũng vô cùng đa dạng tuy nhiên điểm đáng chú ý ở đây là họ thường tránh ăn những con vật là tượng trưng cho năm đó.

 

Nếu như bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thông trong mâm cỗ Tết Việt thì bánh tổ (phiên âm tiếng Trung là Nian Gao) cũng không thể thiếu đối người Trung Hoa trong dịp lễ quan trọng này. Bánh tổ được làm từ gạo nếp dẻo, thơm, đường thắng kỹ, cùng với một chút gừng để tạo vị ấm và dậy mùi.

Đặc điểm của món bánh này là rất dính, mang ý nghĩa là kết dính mọi thành viên trong gia đình với nhau, yêu thương đùm bọc với nhau. Bên cạnh đó, họ còn quan niệm rằng bánh tổ khi được cúng cho thần bếp thì có thể "dính" miệng vị thần này lại để không mang lại tai họa cho gia đình mình.

Ngoài ra bữa cơm tất niên của người Trung Quốc còn có một số món ăn như bánh bao hình cá, sủi cảo, kim quất, thịt muối mặn ngọt, gỏi cá sống, cá chiên xốt chua ngọt, gà Kung Pao, vịt quay.

Hàn Quốc

Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món. Các món ăn truyền thống trong mâm cỗ cúng gia tiên của bao gồm canh bánh gạo, mỳ khoai lang với thịt và rau, sườn lợn sốt, cá khô, thịt bò khô, kim chi. Đặc biệt món canh bánh gạo (Tteokguk) không thể thiếu.

 

Họ có theo quen hỏi nhau đã ăn bao nhiêu bát Tteokguk bởi họ quan niệm ăn bao nhiêu bát Tteokguk sẽ lớn thêm bấy nhiêu tuổi. Canh được làm bằng cách nấu nhiều lát bánh gạo. Người ta thường trang trí món canh này với trứng, thịt băm.

Singapore

Đối với người dân Singapore, món gỏi Yusheng được coi là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn. Yusheng còn có nghĩa là cá sống và trong tiếng Hoa nó được hiểu với nghĩa là cuộc sống thịnh vượng, thêm cà rốt để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già, và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài.

 

Món ăn là sự kết hợp của các loại rau củ, cá sống, các loại hải sản khách, dầu mè, sốt chua ngọt... Khi ăn, các thành viên sẽ cùng nhau trộn món. Hình dáng món càng bề bộn, càng rối thì càng sung túc, may mắn.

Ngoài ra người dân Singapore còn ăn thêm một số món ăn khác như mỳ trường thọ, pencai (món ăn bao gồm thịt heo, thịt gà, nấm, hải sản, bà ngư, hải sâm, sò điệp), Tang yuan ( tương tự giống chè trôi nước ở Việt Nam).

Nhật Bản

Nhật Bản đã bỏ ăn Tết cổ truyền từ năm 1873. Kể từ đó, người Nhật chỉ ăn Tết Dương lịch. Tuy nhiên, khi nói về ẩm thực truyền thống trong ngày Tết của người Nhật Bản cũng có nhiều điều thú vị.

 

Một trong những món ăn chính trong mâm cơm Tết của người Nhật là kagamimochi. Họ cho rằng bánh kagamimochi thể hiện sự kính trọng thần linh đồng thời là món ăn đem lại may mắn và sức khỏe trong năm mới.

Ngoài ra, mâm cỗ Tết của người Nhật Bản có một số món ăn khác như tảo biển luộc konbu, bánh cá kamaboko, đậu nành đen kuromame, tôm rim với rượu sake và nước tương, tất cả được đựng trong một chiếc hộp jubako.

Việt Nam

Trong tâm thức của người Việt, Tết là khoảng thời gian để trở về nguồn cội, đoàn tụ với gia đình, và tết cũng là dịp được ăn uống thỏa thích, bù cho những tháng ngày vất vả đói kém. Vậy nên người ta hay nói “về quê ăn tết”. Phải rồi, với những kẻ tha hương, thì tết nhất định phải về “chung vui bên gia đình”.

 

Và, với một gia đình dù nghèo hay giàu thì đến tết cũng cố gắng mà sắm sửa, không mâm cao cỗ đầy thì cũng phải có mâm cơm tươm tất để cúng tổ tiên, ngày 30 mời ông bà về ăn tết.

Ẩm thực ngày tết không chỉ đơn giản là những món ăn thức uống, mà còn là tinh hoa trong văn hóa dân tộc bao đời. Trong những phong tục tập quán ngày tết, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực như là bản sắc dân tộc.

Tết của người Việt là “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Bánh chưng là món không bao giờ thiếu vào dịp tết của người Việt. Trên bàn thờ tổ tiên và trong mâm cỗ của người Việt luôn luôn có bánh chưng. Có lịch sử lâu đời nhất, bánh chưng là quốc hồn quốc túy của dân tộc. Bánh được được làm từ gạo nếp loại ngon, nhân đậu xanh, thịt mỡ và được gói bằng lá dong vuông vức, sau đó đem luộc chín. Khi chín, bánh có màu xanh tự nhiên của lá dong, bánh dẻo và thơm mùi gạo nếp.

Không có bánh chưng thì không phải là ngày tết, mặc dù bây giờ, những ngày bình thường có thể mua bánh chưng, nhưng miếng bánh chưng ăn vào ngày tết hương vị cũng khác lắm.

Xuân miền Bắc rực rỡ trong sắc hồng thắm của hoa đào và co ro trong tiết lạnh, người miền Bắc dường như nuông chiều bản thân hơn với các món như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, thịt đông thật béo và đầy năng lượng.

Ngày Tết ở miền Trung lại không thể thiếu những món ăn dân dã như dưa món, nem chua, tré, thịt dầm bên cành mai vàng sắc nắng. Mâm cỗ cúng Tết miền Trung nấu khéo, nhìn thấy trong đó cả âm hưởng của sự chắt chiu, chia sẻ.

Người miền Nam lại giản dị, mộc mạc trong ẩm thực ngày đầu năm với những món ăn như thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, tôm khô củ kiệu… Tết luôn làm bừng lên ý nghĩa 2 chữ: Gia đình!

 

P.V (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh