CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 10:45

Ám ảnh ô nhiễm làng nghề tái chế nhựa

Từ đầu thôn đến cuối thôn bao trùm không khí ngột ngạt, khó thở… bởi mùi nhựa khét lẹt và hôi thối từ dòng nước thải đen kịt chảy ra rãnh thoát nước.

Hơn 30 năm chung sống với rác

Đặt chân đến thôn Minh Khai (làng Khoai), TT Như Quỳnh chúng tôi “choáng” bởi những dãy nhà cao tầng, nhà liền kề sang trọng bề thế, sự sầm uất hiếm hoi của vùng quê nông thôn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên. Nhưng bên cạnh vẻ đẹp hào nhoáng là từng đống phế thải nhựa tạo thành những dãy núi cao “chất ngất” nằm ngổn ngang dọc tuyến đường đi vào thôn.

Từ đầu thôn đến cuối thôn bao trùm không khí ngột ngạt, khó thở…bởi mùi nhựa khét lẹt và hôi thối từ dòng nước thải đen kịt chảy ra rãnh thoát nước, bao quanh con đường thôn khiến ai cũng bị chóng mặt và buồn nôn. Những ống khói từ các cơ sở tái chế nhựa thi nhau nhả, tiếng máy nghiền nhựa kêu inh tai, nhức óc.

Được biết, làng nghề tái chế nhựa Minh Khai được hình thành từ năm 1985, phát triển mạnh nhất từ năm 1990 trở lại đây, người dân trong thôn đã “chấp nhận”  sống chung với ô nhiễm để đổi lấy miếng cơm.

Trước đây, làng nghề mới ra đời chỉ có một vài hộ, nhưng sau 30 năm cả thôn có gần 1.000 hộ gia đình (trên 4.000 nhân khẩu) làm nghề tái chế nhựa phế liệu và phân loại phế liệu (75% làm ngay tại các hộ gia đình, nguồn nước thải và rác thải chưa được xử lý). Làng nghề tái chế nhựa thu hút khoảng 2.500 lao động, lúc cao điểm lên đến 4.000 lao động từ khắp các địa phương đổ về làm việc.

Nguồn phế liệu nhựa là các sản phẩm rác thải túi nilong, linh kiện được thu gom trong nước và nhập khẩu nước ngoài để tái chế lại.

Nguồn phế liệu nhựa là các sản phẩm rác thải túi nilong, linh kiện được thu gom trong nước và nhập khẩu nước ngoài để tái chế lại: sản xuất ra hạt nhựa, các sản phẩm từ nhựa, đồ dùng gia đình...Bà Nguyễn Văn An, ở thôn Minh Khai,  hộ gia đình làm nghề tái chế nhựa cho biết: “Gia đình bác làm nghề cách đây 5 năm, trước khi mở xưởng, gia đình đắn đo, suy nghĩ nhiều bởi biết đây là nghề nguy hiểm, độc hại…Khi bắt đầu làm, mọi người trong nhà ai cũng tức ngực, khó thở và buồn nôn từ mùi phế thải nhựa, nhưng làm mãi cũng phải quen, cũng vì miếng cơm manh áo nuôi mấy miệng ăn trong gia đình đành phải làm”.

Với công nghệ, máy móc thô sơ, công đoạn sản xuất thủ công, hệ thống xử lí nước thải chỉ sử dụng bể lắng đọng, sau đó xả trực tiếp ra môi trường khiến nguồn nước sinh hoạt tại làng nghề Minh Khai nói riêng và thị trấn Như Quỳnh nói chung ô nhiễm trầm trọng.  

Chị Đinh Thị Bích, thôn Ngọc Quỳnh, TT Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên  cho biết: "Gia đình chị cách thôn làng nghề Minh Khai cũng gần 2 cây số, nhưng gia đình chị cũng như những người dân sống nơi đây lúc nào cũng phải đóng kín cửa để giảm mùi khét, khói bụi và tiếng ồn từ làng nghề Minh Khai gây ra. Ao, hồ nhà mình cũng bị ô nhiễm không thể dùng sinh hoạt được".

Nhiều bệnh tật bủa vây

Từ khi làng nghề vào hoạt động, nguồn nước sinh hoạt cũng như bầu không khí đặc quánh, bắt đầu rơi vào ô nhiễm trầm trọng, hiện đã đến mức báo động đỏ. Ngoài ra, số lượng người dân mắc các bệnh về mắt, phổi, ung thư, bệnh ngoài da ngày một tăng lên, năm sau cao hơn năm trước.

Ông Nguyễn Đình Nhớn, Phó trưởng thôn Minh Khai, TT Như Quỳnh, Hưng Yên cho biết: “Hầu hết các hộ gia đình nơi đây đều làm nghề tái chế nhựa, đây là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình nơi đây. Biết là nghề tái chế nhựa này ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe, bệnh tật nhiều, nhưng bảo mọi người ở đây bỏ nghề thì điều đó là không thể. Bởi làng nghề đã tồn tại gần 30 năm, các hộ gia đình chỉ biết trông vào nghề này để sống”.

Ông Phan Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh cho biết: Hiện tại, vấn đề môi trường ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai đang ở mức báo động đỏ. Hàng nghìn tấn rác vẫn còn tồn đọng từ năm này qua năm khác chưa được xử lý. Rác thải được vận chuyển từ khắp các tỉnh phía Bắc, thậm chí nhập lậu về từ các nước như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc…Trước mắt, chính quyền địa phương mong muốn xử lý triệt để lượng rác thải và huyện, tỉnh nhanh chóng hoàn thiện Dự án quy hoạch khu sản xuất tập trung làng nghề.

Ông Tiến cho biết thêm, Trạm Y tế thị trấn Như Quỳnh thống kê cho thấy từ đầu năm 2015 đến nay, số người chết vì bệnh ung thư của thôn Minh Khai từ độ tuối 45 trở lên là 15 người, cao gấp đôi so các thôn khác trong địa bàn thị trấn.

Việc thu mua, tái chế nhựa thành nguyên liệu sản xuất là sinh kế của cả một vùng quê nên rất khó để họ từ bỏ. Để khắc phục tình trạng trên cần sự chung tay của chính quyền các cấp, cũng như sự quan tâm của Nhà nước nhanh chóng có biện pháp xử lý kịp thời để hạn chế mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng nơi đây.

VŨ THÀNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh