THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:18

Ám ảnh Huổi Cuổng

 

Nơi rượu và “cái chết trắng” đeo đẳng

Bản Huổi Cuổng thuộc xã Vàng San, huyện Mường Tè (Lai Châu). Huổi Cuổng có hơn 40 gia đình sinh sống nhưng từng có thời gian nơi này có tới 32 người nghiện ma túy.

Đến Huổi Cuổng, bất cứ ai cũng sẽ thấy cái nghèo, cái đói là “đặc sản” ở đây. Hầu hết các mái nhà ở Huổi Cuổng đều xiêu vẹo, xơ xác…

Trưởng công an xã Vàng San – anh Lý Văn Phủ cho biết,  xã Vàng San có 3 bản người dân tộc Mảng sinh sống nhưng chỉ có Huổi Cuổng là nơi khác hẳn. Huổi Cuổng cũng khiến chính quyền xã Vàng San “đau đầu” nhiều năm nhưng vẫn không thể giải quyết được.

Theo anh Lý Văn Phủ, năm 2012, Huổi Cuổng có 32 người nghiện ma túy nhưng bây giờ còn 8 người. Những người nghiện ma túy đã chết dần trong những năm qua. Năm nào cũng có người chết vì ma túy và các bệnh xã hội xuất phát từ tiêm chích ma túy. Điều đáng buồn nhất là những người nghiện ma túy này đa phần là tiêm chích và sử dụng các loại ma túy mới.

 

Những ngôi nhà ở bản Huổi Cuổng


Nhắc đến Huổi Cuổng, cán bộ nào ở Vàng San cũng phải lắc đầu ngao ngán. Người ở Huổi Cuổng không chỉ “nổi tiếng” bởi ma túy mà còn nhiều nỗi buồn khác. Bên cạnh “cái chết trắng”, nhiều người dân ở Huổi Cuổng còn nghiện rượu, nghiện thuốc lào… Những thứ “nghiện” này tuy không gây mất trật tự an ninh trong khu vực nhưng nó khiến cho những người nghiện không còn ham muốn lao động.

Trước thực trạng Huổi Cuổng, nhiều cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã… đã dành sự quan tâm lớn cho nơi này. Mới đây, Huổi Cuổng được đầu tư xây dựng một mương nước với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng… Mương được xây dựng nhằm mục đích tưới tiêu cho vùng sản xuất lúa nước của bản. Thế nhưng, cũng chỉ có lác đác vài nhà làm lúa.

Cách đây không lâu, Huổi Cuổng cũng được hỗ trợ 25 con bò cho các hộ chăn nuôi, tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập. Nhưng cũng chỉ có vài hộ chăm sóc, số còn lại thả ra tự nhiên cho bò tự ăn uống khiến một số bò bị mất và chết. Trước thực trạng này, đàn bò lại buộc phải chuyển sang cho các hộ dân ở bản khác chăm sóc.

Nhưng nỗi buồn của Huổi Cuổng không chỉ dừng lại ở đó. Cái nghèo đói, lạc hậu cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy khác. Trẻ em ở Huổi Cuổng ít được học hành đến nơi đến chốn. Khi chúng tôi đến đây, mới có 2 bé gái học lớp 8 bỏ học đi… “lấy chồng” và sang ở hẳn 1 bản khác cùng “người chồng” mà cả tháng sau gia đình mới biết.

Không chỉ có 2 bé gái kể trên bỏ học mà tỷ lệ bỏ học ở Huổi Cuổng rất cao. Chính vì vậy, tỷ lệ con em trong bản được đào tạo ở các cấp học cao gần như không có. Còn bây giờ, cả bản cũng chỉ có 3-4 cháu đang theo học Trung học phổ thông và chưa đến 10 cháu đang học Trung học cơ sở.

 Lười lao động đến bao giờ?

Chúng tôi tới nhà trưởng bản Lò A Chinh nhưng chỉ gặp vợ ông là bà Lý Thị Nghiên ở nhà. Khi hỏi về những người trong bản, bà Nghiên cho biết, 100% số hộ dân trong bản đều là hộ nghèo. Ở bản có rất nhiều người không làm ruộng nương và có ý trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Chồng bà cũng đã đi vận động bà con nhiều lần nhưng bao năm nay cũng chẳng thay đổi được. Có nhiều lần trưởng bản đánh kẻng để họp với bà con nhưng đánh đến năm bảy lần mà nhiều người vẫn không thèm quan tâm và không tới họp.

Trước cái đói nghèo của Huổi Cuổng, chúng tôi hỏi phó trưởng bản Chìn Văn Quyền: “Anh có nghĩ  bà con Huổi Cuổng nghèo là do chính quyền và nhà nước chưa quan tâm không?”.

Phó bản đã dứt khoát trả lời: “Không phải đâu! Do người mình cả thôi. Có người không tin phó bản, trưởng bản đâu. Họ bảo không cần nói gì đâu, họ tự làm tự ăn…”.

Phó bản Chìn Văn Quyền dẫn chúng tôi đi xung quanh bản để hiểu hơn về cuộc sống của người dân ở Huổi Cuổng. Vừa thấy người lạ, một phụ nữ trẻ chạy ra nói với chúng tôi rằng chị không có nhà, năm ngoái nhà của chị đã bị gió thổi bay mất… Liền đó, một nam thanh niên trẻ cũng lại gần chúng tôi thông báo anh không có nhà, đang phải đi ở nhờ… Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi họ làm việc gì để sống thì câu trả lời của họ chỉ là sự lặng im. Dường như tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân ở Huổi Cuổng.

Tất nhiên, không phải tất cả người trong bản đều lười lao động và ỷ lại. Một số ít gia đình cũng tìm cách làm lụng, chăn nuôi để sinh sống. Những gia đình như thế đều không vui khi bên cạnh mình có những người mang tâm lý trông chờ và không chịu lao động. Anh Bàn A Mới – một người ở Huổi Cuổng cũng là một người chí thú làm ăn. Anh Mới cho rằng, với điều kiện hiện tại, những người ở tại Huổi Cuổng rất khó tự vực nhau dậy mà cần có sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Theo anh Mới, Huổi Cuổng đã được hỗ trợ nhiều như hỗ trợ giống gà, vịt… nhưng đều không thành công vì có những nhà được hỗ trợ nhưng không chăm sóc tốt. Vì vậy, việc hỗ trợ ban đầu cần xem xét kỹ xem nhà nào có thể nuôi được gia súc gia cầm, có thể làm nông nghiệp tốt thì cấp giống, cấp vốn để họ phát triển.

 

Cuộc sống đói nghèo của người dân ở Huổi Cuổng do lười lao động  

 

Câu chuyện ở Huổi Cuổng nói riêng và cuộc sống đồng bào người dân tộc Mảng nói chung cũng đang khiến nhiều cán bộ ở Lai Châu trăn trở. Chị Lò Thị Vương – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu – một người có nhiều tâm huyết với công tác tỉnh nhà cũng chia sẻ nhiều suy nghĩ về vấn đề này với chúng tôi. Chị Vương cho biết, trong số các dân tộc ít người ở Lai Châu thì đời sống của người dân tộc Mảng là khó khăn nhất. Trình độ nhận thức chung còn rất hạn chế, tỷ lệ nghèo cao, nhiều nơi trước đây có tỷ lệ nghiện thuốc phiện cao, nay thì người nghiện rượu rất nhiều. Và điều đáng lo ngại nhất là số người lười lao động ở khu vực này còn rất cao. Các chương trình hỗ trợ đặc thù cho họ đã rất nhiều. Tuy nhiên các chương trình này chưa mang lại hiệu quả vì người dân không có sự hợp tác và chưa có ý thức vươn lên. Theo chị Vương, với đồng bào Mảng, đặc biệt là các bản như Huổi Cuổng thì cần tăng cường thêm cán bộ ăn ở cùng dân, cầm tay chỉ việc cách làm ăn, cách chăn nuôi, sản xuất. Điều quan trọng khác là cần chọn các cán bộ thực sự có năng lực để có đủ khả năng hướng dẫn bà con. Tất nhiên, đi kèm theo đó là cần có chế độ đặc biệt cho các cán bộ “cắm bản” này để họ an tâm công tác.

Huổi Cuổng nằm không quá xa trung tâm xã và cả thị trấn Mường Tè nhưng câu chuyện ở đây thì lại có một hố sâu khoảng cách với các dân tộc anh em rất khó có thể đo đếm. Để hố sâu ấy được lấp đầy có lẽ sẽ vẫn là một câu chuyện dài đòi hỏi cả các cấp chính quyền của Lai Châu vào cuộc thực sự quyết liệt. Nhưng điều quan trọng nhất là chính người dân ở Huổi Cuổng cần phải tự tìm cách vươn lên!

HOÀNG PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh