CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:02

Ai bảo kê cho cát tặc hoành hành?

Dân lo ngại, bức xúc

Hơn 1 năm qua, điểm giáp ranh giữa xã Tân Châu và xã Đông Ninh, được ông Nguyễn Quốc Chính cho người cắm vòi xuống ngay chân bờ sông để hút cát, hoạt động liên tục bất kể ngày đêm với công suất hàng trăm m3 cát mỗi ngày. Việc hút cát như vậy đã tạo nên nhiều thùng, vũng, có chỗ sâu hoắm, gần như chân bối ngăn lũ đã bị vòi hút đục khoét rỗng.Ai bảo kê cho cát tặc hoành hành?

Việc làm của ông Chính khiến không ít người dân sống ở quanh khu vực khai thác lo lắng và bức xúc. Họ cho rằng, việc hút cát đã làm hỏng đường đi, mùa nắng gây bụi bẩn mùa mưa gây lầy lội. Nhà cửa nứt toác, bờ sông vốn đã bị dòng nước xoáy làm sụt, nay cứ đà khai thác cát như vậy thật chẳng mấy chốc mà sạt lở hết bờ sông, đe doạ vườn tược, tính mạng con người.

Chị Lê Thị Nhi, 34 tuổi, nhà gần khu vực trên kể: “Có hôm máy chạy ình ịch thâu đêm, dân chúng tôi phải kéo nhau ra ngăn cản họ mới dừng việc hút cát. Sự việc đã được báo lên chính quyền song không được giải quyết”. Nhiều ngày theo dõi hoạt động hút cát nơi đây, PV Báo LĐ&XH ghi nhận những điều mà người dân phản ánh là có căn cứ.

Về phần nhà khai thác cát, khi hỏi về việc cơ quan nào cho phép khai thác tại vị trí này, ông Lê Văn Phái, người đang trông coi việc hút cát khẳng định: “Chúng tôi được xã cho phép khai thác hẳn hoi chứ không phải không có phép”. Đồng thời ông Phái cũng khẳng định loại khoáng sản ông đang hút lên chỉ là cát non, không dùng cho xây dựng, chỉ bán cho các trại ươm cây giống.

Trước phản ánh của người dân, ông Phái cho rằng, xã hội đang phát triển việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho hộ gia đình, doanh nghiệp khai thác cũng là điều bà con nên khuyến khích chứ không nên gay gắt.Ai bảo kê cho cát tặc hoành hành?

  Lãnh đạo xã nhắm mắt làm bừa?

Để làm rõ vụ việc, PV có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Đông Ninh. Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Đông Ninh đã cung cấp một văn bản có tên là “Hợp đồng thuê đất thùng vũng” số 04/HĐ-KT, ký ngày 20/4/2014. Căn cứ vào bản hợp đồng này có thể thấy bên A (UBND xã) đã ký cho bên B (ông Nguyễn Quốc Chính) thuê diện tích thùng vũng tại vị trí ven bờ sông Hồng với tổng diện tích là 3.600m2. Thời hạn thuê là 5 năm, giá tiền thuê là 200 triệu đồng/5 năm.

Tại điều 1 của hợp đồng, ghi rõ: “Bên B được quản lý cải tạo để trồng cây hàng năm, làm dịch vụ bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng”. Nhưng thực tế cho thấy tại vị trí này điều kiện thổ nhưỡng đã bạc màu không thể trồng cây, ngay như lãnh đạo xã cũng biết việc này “đúng là không thể trồng cây gì bởi đất chẳng còn màu. Ở đây chúng tôi cố tình lái từ cho họ khai thác chứ thực ra vị trí này có trồng được cây gì đâu mà trồng” – ông Đồng nói.Ai bảo kê cho cát tặc hoành hành?

Có thể thấy rằng, lãnh đạo xã Đông Ninh đã nhận thức được mục đích thuê đất của ông Chính là để khai thác cát, tức là xã đã ý thức được cái sai nhưng cố tình lách cái sai khi lập bản hợp đồng này. Và đương nhiên, bản chất của việc ký hợp đồng này có thể hiểu rằng hộ ông Chính được phép đầu tư khai thác cát, và việc khai thác từ khi hình thành đến nay là rất đúng với chủ đích của hai bên.

Cũng theo ông Đồng, Phòng TN&MT huyện Khoái Châu đã tham mưu và tạo điều kiện cho xã ký hợp đồng. Bởi đây là nguồn thu duy nhất của xã Đông Ninh. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Lê Khánh Duy, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Khoái Châu cho rằng, một vài năm nay không bắt được trường hợp nào khai thác trái phép, cũng không biết việc hộ ông Chính khai thác cát như thế nào?

Thực tế cho thấy, việc khai thác cát tại ven bờ sông Hồng luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan đến môi trường, khoáng sản và con người. Vậy nên không thể viện dẫn mỗi năm được 40 triệu đồng tiền ngân sách mà đánh đổi đi nhiều thứ, giả dụ như sạt lở đê thì nhà nước phải bỏ ra nguồn ngân sách gấp nhiều lần như vậy để kè bờ, cũng không thể tham bát mà bỏ cả mâm như cách làm của lãnh đạo xã Đông Ninh.Ai bảo kê cho cát tặc hoành hành?

 Điệp khúc “chúng tôi không biết”

Không chỉ hút cát trực tiếp nơi gần bờ, các doanh nghiệp khai thác cát còn ngang nhiên đưa cả tàu cuốc ra sông khai thác. Trước việc khai thác cát trái phép, từ vị trí cho đến phương tiện, hình thức khai thác,… lãnh đạo chính quyền liên tục biện minh với điệp khúc “chúng tôi không biết”.

Việc dùng tàu cuốc khai thác cát trên sông Hồng, đoạn qua huyện Khoái Châu, là trái phép, bất kể đơn vị nào đưa tàu cuốc ra khai thác đều bị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm. Quy định là vậy nhưng theo phản ánh của người dân xã Đại Tập (huyện Khoái Châu), thời gian qua có ít nhất 3 tàu cuốc liên tục khai thác cát trên đoạn sông nói trên.

Chiều 9/4, phóng viên có mặt tại đoạn sông xã Đại Tập và ghi nhận nơi đây có 3 tàu cuốc đang neo đậu, trong đó có một tàu cuốc đang hoạt động, khoảng cách tính từ bờ sông đến vị trí tàu khai thác không xa.

Con tàu này cuốc cát lên và các tàu chuyên chở lần lượt vào nhận cát rồi xuôi dòng theo sông. Khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, dù trời mưa to nhưng tàu này vẫn không ngừng khai thác cát. Kết quả từ những ngày thực tế cho thấy loại tàu cuốc này hoạt động liên tục bất kể ban ngay hay ban đêm.

Ai bảo kê cho cát tặc hoành hành?Ảnh bài viết: Khai thác cát gần bờ tại Đại Tập khiến nhiều người dân lo ngại và bức xúc.

Được biết, cách vị trí tàu cuốc này hoạt động không xa (địa phận xã Tứ Dân) UBND tỉnh Hưng Yên đã cấp phép cho Cty cổ phần ĐT&PT Phố Hiến khai thác cát. Tuy nhiên, khi tiến hành khai thác, công ty này đã đưa tàu cuốc ra khai thác, gây nguy cơ sạt lở, sụt bờ sông cùng hệ quả xấu đến môi trường nên người dân đã mang trống ra phản đối và đã bị tỉnh đình chỉ khai thác.

Còn tại xã Đại Tập, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã cấp phép khai thác cho Cty TNHH XD&SXVL Sông Hồng (Cty Sông Hồng) và vị trí con tàu cuốc đang khai thác được cho là nằm trong vị trí Công ty Sông Hồng được phép khai thác.

Vì sao tàu cuốc ngang nhiên hoành hành ở đây lâu như vậy? Ai “bảo kê”, bưng bít cho loại tàu này khai thác ở đây? Mặc dù chúng tôi đã gõ cửa nhiều đơn vị, kể cả Cty Sông Hồng nhưng đều không có câu trả lời. Còn tại Phòng TN&MT huyện Khoái Châu, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là “việc các công ty khai thác cát ở đây có được dùng tàu cuốc để khai thác hay không chúng tôi cũng không nắm được, việc này chỉ có Sở TN&MT mới biết, tốt nhất cứ lên tỉnh mà hỏi”.

Trở lại sông Hồng, đoạn qua xã Đức Hợp, huyện Kim Động, chúng tôi nhận ra những con tàu có số hiệu HY-0463 đang cắm vòi xuống sông hút cát, khoảng cách giữa bờ sông đến tàu không xa. Trên tàu lúc này có 1 phụ nữ và 9 người đàn ông làm các công việc như cào cát, cầm ống xả cát xuống tàu.

Theo anh N.V.T, ở gần khu vực tàu khai thác cát, để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, ban ngày các tàu này khai thác một cách dè chừng, tối đến các tàu đua nhau hút cát, có hôm có hàng chục tàu hút một lúc, bởi thế mà dân khai thác cát mới gọi những con tàu này là tàu đi “ăn sương” thay vì gọi là đi hút cát.

“Đêm nay anh cứ ở lại đây mà xem, đến khoảng 22giờ đêm, khúc sông này giống như một đại công trường, nhập nhụa, chen sáng chen tối là những bóng người đen sẫm chạy đi chạy lại quanh mấy cái vòi hút, hút từ chập tối cho tới sáng mới thôi...”.

Để hút cát, các tàu này thường phải thọc ống hút xuống khúc sông có cát, cùng lúc có tới 4-5 người lăm lăm thọc ống xuống. Cứ thế hết chỗ này đến chỗ khác các vòi hút này làm rỗng hết cả lòng khúc sông.

Trước thực tế này, chúng tôi đến Phòng TN&MT huyện Kim Động nhưng chỉ nhận được những câu trả lời của ông Nguyễn Văn Huyến, Phó trưởng phòng: “Nó (đơn vị khai thác cát) khai thác thế nào mình có biết được đâu, mình làm sao theo dõi được nó. Lở hay không lở, khai thác trái phép hay không chúng tôi không biết.

Làm sao mà nắm được người ta khai thác thế nào, bao giờ có chương trình thanh tra kiểm tra họ mời mình đi thì mình đi để chứng kiến thế thôi chứ thời gian đâu mà mình đi theo dõi nắm bắt nó khai thác thế nào. Tài nguyên này do Sở quản lý, nó chỉ nằm trên địa bàn huyện, chứ huyện chả được gì. Còn việc sạt lở bờ đê thì đã có đơn vị khác lo”.

Nói như vị lãnh đạo này thì gần như họ không hề có vai trò gì trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, và cũng không có một chút trách nhiệm gì trước việc đời sống của hàng vạn người dân đang bị đe doạ bởi nạn cát tắc?

 Thanh tra nhưng không phát hiện

Cát tặc ngang nhiên công khai hoành hành thế nhưng không hiểu vì sao thanh tra ngành TN&MT tỉnh Hưng Yên lại không phát hiện được khiến dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn về năng lực của đoàn thanh tra, hoặc nếu không thì là do đoàn thanh tra đã cố tình nhắm mắt làm ngơ cho cát tặc lộng hành?

Trước những câu hỏi của PV Báo LĐ&XH liên quan đến trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, về phần mình, đại diện Sở TN&MT Hưng Yên cho rằng, đoàn thanh tra liên tỉnh đang tiến hành thanh tra toàn diện đối với tất cả các mỏ cát trên sông Hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên nhưng hiện tại chưa phát hiện ra đơn vị, cá nhân nào sai phạm”.

Sau khi xem bằng chứng mà PV Báo LĐ&XH đưa ra, ông Phạm Nam Lượng - Phó Giám đốc Sở TN&MT mới thừa nhận: “Trường hợp cắm vòi hút cát ngay bờ sông ở xã Đông Ninh chúng tôi không biết. Đó là khai thác trái phép, trước đây cũng có một số xã làm hợp đồng cho thuê làm như vậy, khi phát hiện ra chúng tôi đã chỉ đạo xoá bỏ ngay...”.

Còn việc xuất hiện tàu cuốc cuốc cát ở đoạn sông xã Đại Tập, ông Lượng khẳng định: “Bất kể tàu cuốc nào khai thác cát trên sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh đều là trái phép. Cty TNHH XD&SXVL Sông Hồng là đơn vị được cấp phép khai thác tại Đại Tập, nhưng công ty này cũng không được dùng tàu cuốc để khai thác, nếu có chúng tôi sẽ cho lập biên bản xử phạt, nếu mức độ lớn sẽ tịch thu tàu cuốc này ngay”.

Liệu vị lãnh đạo này có thực hiện như điều mình nói hay chỉ đánh trống bỏ dùi, kết quả giải quyết sẽ cho đáp án. Còn việc bờ kè đê nứt toác có nguy cơ sụt bờ đê, ông Lượng cho rằng: Trước hết phải đánh giá mức độ tác động môi trường. Bởi khi đi vào khai thác, người ta đã tính toán đến độ sâu, an toàn để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Thứ đến là khi cấp phép, chúng tôi cũng đã nghiên cứu tránh các luồng lạch, chỉ khai thác ở bãi nổi chứ tiến sát vào bờ là sai phép rồi.

Thiết nghĩ, việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì đúng là phải tuân thủ quy định đảm bảo an toàn như ông Lượng nói, và khi đó hệ quả xấu tác động đến môi trường chắc chắn sẽ là con số không lớn, nhưng câu chuyện ở đây chính là nạn khai thác trộm, khai thác trái phép nên mới dẫn đến tình trạng nứt, toác như vậy.

Tuy nhiên, trước vấn đề này, ông Lượng không có ý kiến gì. Đồng thời ông cũng thừa nhận, “thua cát tặc”, “nếu mà chúng ta không cấp phép thì sẽ dẫn đến tình trạng khai thác trái phép. Rồi các hệ luỵ cũng theo đó mà hình thành. Còn họ khai thác thế nào, các doanh nghiệp sẽ tự báo cáo.

Chúng tôi cũng không thể ngày đêm rình mò cát tặc, Chính phủ cũng đã có chỉ thị nêu rõ trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa được phép khai thác là của cấp cơ sở. “Còn việc thanh tra, chúng tôi chỉ làm vào giờ hành chính chứ có phải lúc nào cấp tỉnh cũng phải thanh kiểm tra đâu, ngoài chúng tôi ra còn có CSGT đường thuỷ và tất cả lực lượng khác, ngay như người dân ở đấy người ta cũng phải có trách nhiệm giám sát nguồn tài nguyên”.

Vẫn là những câu trả lời mang tính “đá bóng trách nhiệm”. Sai phạm thì đã rõ, đã được vị lãnh đạo này khẳng định, nhưng đoàn thanh tra lại không hay biết. Thực sự thì đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh và sở này có đi xuống thực tế hay chỉ … thanh tra trên bàn giấy, trong phòng kín, có điều hoà và mát xa chân nên mới không phát hiện sai phạm?

“Ai bảo kê cho cát tặc hoành hành”? Trước câu hỏi này, không hề có một cá nhân, đơn vị nào dám đứng ra nhận trách nhiệm. Một điều có thể thấy rằng nếu không có người “chống lưng” liệu rằng cát tặc có dám ngang nghiên lộng hành như vậy?. 

VĂN NGHĨA – NGUYỄN TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh