khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng 0,65% thấp nhất 6 năm qua
- Huyệt vị
- 21:34 - 11/10/2016
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, bước sáng quý 3, kinh tế trong nước đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng GDP quý 3 vẫn đạt mức 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đạt 5,93%.
Nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp là do nông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong ngành công nghiệp khai khoáng. Khu vực nông nghiệp vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đống góp được 0,01% vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20/9/2016 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong Quý III.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần, đều giảm liên tục trong ba tháng vừa qua. Lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng Sáu xuống lần lượt 1,35% - 1,01% - 0,54% trong ba tháng tiếp theo.
Thông tin thêm về chỉ số hoạt động kinh tế VEPI, một chỉ số được VEPR thử nghiệm tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch XNK, vận tải hàng hóa nội địa, tăng trưởng tín dụng và PMI (chỉ số đo lường sự thay đổi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và lưu kho hàng hóa mua sản xuất), TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, kết quả ước lượng cho thấy VEPI quý 3 còn tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP, càng củng cố cho tín hiệu cải thiện tăng trưởng trong Quý 3. VEPI quý 3 đạt 6,09%, cao hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với quý 2. Kết quả này đạt được chủ yếu đến từ những tín hiệu tích cực trong thương mại và tăng trưởng tín dụng nhanh hơn trong quý 3.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, một điểm đáng chú ý là vấn đề tính toán lại mục tiêu tăng trưởng các khu vực. Sau khi công bố số liệu ước hàng quý, TCTK sẽ tính toán đầy đủ và đưa ra số liệu chính thức. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, kinh tế quý 4 cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề đặt mục tiêu chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng, và phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,3% - 6,5%.
Ông Trương Đình Tuyển nguyên Bộ trưởng Thương mại lại có góc nhìn ngược lại. Theo ông Tuyển, việc một số ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất huy động ngắn hạn không bao quát chung cho cả thị trường và không trở thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay chung của thị trường tiền tệ.
Ông Tuyển cũng nhấn mạnh kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng, nếu vượt quá 5% sẽ khiến niềm tin thị trường suy giảm. "Chỉ số tăng trưởng bao nhiêu có thể người dân không quan tâm nhiều, nhưng giá cả tăng vọt là dân sẽ biết ngay, ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý" - ông Tuyển nói.
“Chúng tôi cho rằng ngay cả điều này vẫn không khả thi, vì kinh nghiệm tăng trưởng trong những năm qua cho thấy dù tăng trưởng quý 4 có tăng cao hơn quý 3, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch lên tới trên 2 điểm phần trăm là cuối năm 2009, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Do vậy, nhóm nghiên cứu giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,0% cho cả năm 2016”, TS Nguyễn Đức Thành nhận định.