THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:40

Già hóa dân số : Gánh nặng tăng trưởng kinh tế ?

 

Toàn cảnh Hội nghị

Đó là những khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về “Những tác động kinh tế của già hóa” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Mạng lưới hỗ trợ người cao tuổi (Help Age) tổ chức vào sáng ngày 6/9 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam cùng 300 đại biểu đến từ 35 quốc gia trong khu vực.

Lãng phí sức lực, kinh nghiệm người cao tuổi

Dự báo đến năm 2050 sẽ có 1,2 tỷ người trên 60 tuổi sống ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tương đương 2/3 số nam giới và phụ nữ cao tuổi trên toàn thế giới. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của các nước đang phải đối mặt với việc giảm sút đáng kể dân số trong độ tuổi lao động và gia tăng số người cao tuổi phụ thuộc.

Đại diện Mạng lưới các Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi, bà Mary – Ann Tsao cho rằng,  tốc độ biến đổi về nhân khẩu học và thay đổi những đặc điểm của dân khu vực Châu Á đang đặt ra những thách thức cho tất cả chúng ta. Việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người, từ các nhà hoạch định chính sách, các học giả, các tổ chức quốc tế, các nhân viên y tế… Những người cao tuổi là một nguồn lực dồi dào, nhưng nhiều khi, nguồn lực này cùng với những kinh nghiệm quý báu họ đúc kết được trong cuộc sống hay những ảnh hưởng sâu rộng của họ trong cộng đồng lại chưa được khai thác.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Bà Yoriko Yasukawa, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra quan điểm: “Già hóa dân số thường được nhiều chính phủ và nhà kinh tế nhìn nhận như một mối đe dọa, thậm chí là thảm họa tiềm năng. Tuy nhiên không nhất thiết phải nhìn nhận già hóa dân số một cách tiêu cực như vậy. Việc đưa ra những thay đổi trong các chính sách kinh tế và y tế cũng như việc thay đổi cách nhìn nhận có thể giúp các quốc gia có một tương lai tốt hơn bằng cách giảm đi những gánh nặng và tối đa hóa sự đóng góp của người cao tuổi”.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo ông Eduardo Klien, Giám đốc Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế, sự thay đổi về nhân khẩu học ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực, cả về kinh tế và xã hội. Bởi vậy, việc có các chính sách nhằm chuẩn bị cho sự chuyển đổi nhân khẩu học này là vô cùng cần thiết để có thể duy trì sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho tất cả mọi người.

 


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

 

Ông Eduardo Klien nhấn mạnh, các chính sách nhằm phát huy vai trò, trí tuệ, sức khỏe của người cao tuổi là hết sức quan trọng. Do nhiều xã hội còn tồn tại định kiến tuổi già cần nghỉ ngơi, nên người cao tuổi bị tước đi quyền được lao động. Do đó, các chính sách phải hướng tới cung cấp cơ hội lao động cho người cao tuổi, nhất là ở lĩnh vực phi chính thức.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ nhưng Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.

Trước những thách thức của một xã hội già hóa, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với thực tế này. Luật Người cao tuổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010 đã thể hiện rất rõ sự chăm sóc của xã hội đối với người cao tuổi. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 -2020 với mục tiêu phát huy vai trò của người cao tuổi; nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

 


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị


Bộ trưởng cho rằng, những kết quả sau Hội nghị này sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung có được những thông tin làm cơ sở tham khảo quan trọng cho việc đề xuất, xây dựng và sửa đổi chính sách, tìm ra giải pháp cần thực hiện để có một xã hội công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó có người cao tuổi.

Tại Hội nghị Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị, trong bối cảnh già hóa dân số, các quốc gia cần cung cấp các dịch vụ linh hoạt cho người cao tuổi, phù hợp với sức khỏe, năng lực, trí tuệ để họ được đóng góp cho xã hội. Ví dụ như ở Singapore, lái xe taxi có thể lên đến 70 – 75 tuổi, do đó, người cao tuổi sẽ cảm thấy vui vẻ, có ích; giúp tăng năng suất lao động ở tuổi nghỉ hưu. Đây là việc Việt Nam cần hướng tới trong tương lai.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ nhận thức đầy đủ về vấn đề già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam. Tới đây, Việt Nam sẽ có chương trình nghị sự cao cấp về vấn đề dân số, trong đó bàn thảo về quy mô, phân bố, chất lượng dân số, tỷ lệ sinh, tỷ lệ thay thế. Đặc biệt tổ chức những ngành sản xuất đưa phương thức, công nghệ sản xuất mới, phù hợp để người lao động mặc dù tuổi cao vẫn lao động được với năng suất cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, vấn đề già hóa dân số không phải mới đối với Việt Nam và thế giới, nhưng đối với Việt Nam vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức. “Vì vậy, chúng tôi muốn bàn nhiều vấn đề không những đối mặt, vượt qua thách thức mà biến thách thức thành cơ hội phát triển… Làm sao phát huy tốt hơn vai trò của người có tuổi đối với người cao tuổi…” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh