THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:53

85 triệu lít bia, nước ngọt không tăng giá dịp Tết

 

Các loại rau củ sạch được bán tại một siêu thị tại quận Thủ Đức.

 

Vừa qua ông Phạm Thành Kiên, Phó giám đốc sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã có báo cáo trước lãnh đạo UBND TP về tình hình cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó ông cho biết từ tháng 9 sở đã chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp này và đến nay mọi việc đã cơ bản hoàn tất.

Đối với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, Sở đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh làm việc với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho họ vay vốn chuẩn bị hàng Tết với số tiền khoảng 45.000 tỷ đồng.

Ngoài ra 11 ngân hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng đã đăng ký hỗ trợ cho 85 doanh nghiệp bình ổn thị trường nguồn vốn vay lên đến 11.850 tỷ đồng, với lãi suất từ 5 đến 6%/năm (tăng 3.550 tỷ so với năm 2014).

Về các loại hàng hóa, đến nay các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị với tổng giá trị là 16.200 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là gần 6.900 tỷ, tăng bình quân 40% so với kết quả thực hiện Tết Ất mùi 2015.

Trong khi đó để đảm bảo cung ứng các sản phẩm thịt gia cầm, gia súc, rau củ quả… Sở cũng đã làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre…để ký kết hơn 482 hợp đồng.

Để cung ứng hàng hóa đến những người dân có thu nhập thấp, trung bình, TP cũng đã phát triển các điểm bán hàng bình ổn giá lên con số 9.205, tăng 238 điểm so với đầu năm. Trong số này có 917 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành và 16 điểm bán tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất có đông công nhân.

Với các mặt hàng cụ thể Sở cũng đưa ra các con số dự báo như: Lượng hoa tươi cung ứng cho thị trường Tết dự đoán tăng từ 20 đến 30% so với ngày thường, riêng lượng hoa nhập về 4 chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Bình Điền, thủ Đức ước đạt 1.500 tấn trong 8 ngày cao điểm trước Tết.

Sở cũng dự báo TP sẽ tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát trong tháng Tết, tăng 30% so với tháng thường. Hiện các doanh nghiệp đã hoàn tất xây dựng và đang triển khai kế hoạch cung ứng với mức giá không tăng.

Về bánh, mứt, kẹo, số liệu dự báo cho thấy nhu cầu sẽ vào khoảng 18.000 tấn. Theo sở, năm nay các công ty cung ứng nhiều sản phẩm mới với mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập và mức giá cũng không tăng so với 2015.

Đánh giá về tình hình cung ứng, sở cho rằng năm nay TP sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản của địa phương với số lượng dồi dào, ổn định, giá cả hợp lý. Chương trình kết nối cung – cầu với chợ truyền thống cũng sẽ bổ sung thêm nguồn hàng vào chợ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi tầng lớn nhân dân.

Theo kế hoạch các doanh nghiệp sẽ tổ chức 339 chuyến bán hàng lưu động trong 2 tháng trước Tết, trong các ngày cao điểm sẽ tăng tần suất. Ngoài ra các hệ thống siêu thị tham gia bình ổn thị trường cũng sẽ kéo dài thời gian, cụ thể:

Từ ngày 20 – 26/12 (Âm lịch) sẽ mở cửa từ 7g đến 23g; Từ ngày 26 – 28 sẽ mở từ 6g đến 24g; ngày 29 mở từ 6g đến 12g; ngày 2 Tết sẽ tổ chức khai trương vào 8g; từ 2 – 5 Tết mở cửa từ 6g đến 12g; mùng 6 Tết sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng được TP chú trọng bằng cách phối hợp giữa 3 sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế để phát động đợt cao điểm an toàn thực phẩm, kết nối đưa các sản phẩm đạt chuẩn Vietgap, Globalgap…gắn logo chuỗi thực phẩm an toàn để đưa vào hệ thống phân phối và công bố những địa điểm này để người tiêu dùng mua sắm.

Trong công tác quản lý thị trường sở Công thương cũng chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyện ngành, quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, buôn bán hàng gian, hàng giả…gây mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh