THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:49

Người tiêu dùng bất an trước thịt lợn có chất cấm

 

Lợn được cho ăn đủ loại chất cấm

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, các đợt thanh tra đột xuất của Bộ đã phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép, thuốc thú y trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thanh tra Bộ tiêu hủy tại chỗ 13,3 kg hóa chất vàng ô (Vat Yalow), tịch thu 20kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ,... Đáng lưu ý, cơ quan này còn phát hiện 1% mẫu thủy sản nhiễm chất độc hại là kháng sinh cấm; hơn 10% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 16% mẫu thịt phát hiện có chất tạo nạc, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất.

 Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, có cơ sở chăn nuôi mua cả bịch ni lông chất cấm để trộn vào thức ăn. Tình trạng sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản vẫn gia tăng, khiến dư lượng kháng sinh tồn đọng lớn trong cá, tôm, tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc quan trọng là phải xác định được nguồn gốc các chất cấm, kháng sinh này. Bởi, nếu cứ thử nước tiểu để phát hiện chất cấm thì mới giải quyết được phần ngọn. Bộ trưởng đề nghị Bộ Y tế cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc chất cấm qua đường nhập khẩu, Bộ Công an điều tra, xử lý hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm như với hành vi buôn bán chất ma túy.

Thịt lợn có chất cấm bày bán tại các chợ, người tiêu dùng khó phân biệt.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng: “Để xử lý vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là rất phức tạp và khó khăn, ngoài việc các đối tượng đang sử dụng chất cấm rất tinh vi và vì lợi nhuận nên bất chấp tất cả thì còn có những nguyên nhân khách quan khác. Đó là hiện trong lĩnh vực chăn nuôi dù chất salbutamol đã bị cấm nhưng lại là một chất được chỉ định hỗ trợ điều trị đối với các bệnh hen, suyễn. Do đó, kẻ xấu có thể dễ dàng mua  chất cấm này ở bất cứ đâu”. Tận dụng kẽ hở trên, nhiều đối tượng đã sử dụng salbutamol để tăng trọng cho lợn khiến cho ngành nông nghiệp rất khó kiểm soát.

Theo quy định, nếu phát hiện sử dụng chất cấm thì xử lý hành chính, phạt tiền và buộc tiêu hủy toàn bộ lô thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có chứa chất cấm. “Nếu tái phạm lần thứ hai, tôi ủng hộ phải có chế tài xử lý mạnh tay hơn là tiêu hủy toàn bộ số lợn đã ăn chất cấm, đồng thời phải xử lý hình sự đối với hành vi cố tình làm tổn hại tới sức khỏe người khác”- ông Dương nói.

Cần xử lý mạnh tay người vi phạm

Theo các chuyên gia, chất sabutamol là chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi, bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này. Chất cấm trong chăn nuôi có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trọng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ trong các mô cơ ở vật nuôi. Đây cũng là những chất không thể tiêu hủy được trong cơ thể vật nuôi. Nếu người sử dụng thức ăn có những chất cấm này thì ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, gây ngộ độc thực phẩm. Chất độc tích tụ trong gan, các bệnh ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương..., thậm chí tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư.

Ngay sau khi có thông tin thịt lợn chứa chất cấm bán tràn lan ở chợ, người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Là người đi chợ, lo bữa ăn cho cả gia đình, chị Nguyễn Thu An (Hà Nội) lo lắng: "Thịt lợn là thức ăn phổ biến cho các gia đình. Nay nghe thông tin người ta sử dụng chất tạo nạc để chăn nuôi, tôi rất hoang mang và lo sợ cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn và vì quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh xử lý cả người chăn nuôi, người bán thịt sử dụng chất cấm và đặc biệt phải tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đó".

Trong khi đó, bác Lương Thị Minh (Hưng Yên) bức xúc: “Chúng tôi bỏ tiền ra mua sản phẩm nhưng lại nhận về sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng là điều không thể chấp nhận được. Cơ quan nhà nước và hội bảo vệ người tiêu dùng phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân. Không thể có chuyện người dân phải bỏ tiền ra mua những sản phẩm độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Ông Đinh Văn Cải, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Nếu tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn diễn ra và khó kiểm soát thì các cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý người nuôi sử dụng chất cấm bằng các biện pháp mạnh tay hơn. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm phải tiêu hủy lợn đã ăn chất cấm, không cho bán ra thị trường gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng. Người sử dụng chất cấm không chỉ làm ảnh hưởng tới người chăn nuôi chân chính, mà tác hại hơn nữa là làm tổn hại tới người tiêu dùng, tổn hại tới giống nòi... Một xã hội văn minh thì không thể chấp nhận những hành vi phi đạo đức như thế được, cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe”.

ĐỨC THỌ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh