Hàng giả, hàng nhái và các "chiêu trò" khuấy đảo thị trường hàng tiêu dùng
- Y học 360
- 00:28 - 18/12/2015
Cuối năm, hàng giả lại ùn ùn tấn công
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ đầu năm tới nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 150.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nộp ngân sách nhà nước hơn 8.700 tỷ đồng.
Càng về cuối năm, tình hình buôn lậu hàng giả, hàng nhái tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi khi hàng giả, hàng nhái khá đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại và linh hoạt về giá cả.
Một con số đáng lo ngại khác mà Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cung cấp, hiện đã có tới trên 30 ngành hàng ở Việt Nam bị làm giả.
"Chúng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ các sản phẩm uy tín trong nước cho đến những mặt hàng xa xỉ của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Các sản phẩm bị làm giả phổ biến và nhanh nhất là mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống (rượu, bia, nước giải khát), quần áo, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị vệ sinh… Thậm chí, “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả" - báo cáo của VATAP cho hay.
Đơn cử trên địa bàn TP.HCM, đầu năm 2015, công an bắt tại quận Tân Bình hơn 850 chai bia Sài Gòn thành phẩm và 1.200 vỏ chai bia Sài Gòn. Hay mới đây, một “lò” sản xuất bia giả với quy mô hàng ngàn chai mỗi ngày tại quận Tân Phú đã sa lưới pháp luật với tang vật gồm 6.800 vỏ chai bia, hơn 1.600 chai bia thành phẩm.
Có thể thấy việc hàng giả, hàng nhái ngày một tràn lan trên thị trường không chỉ khiến các DN chịu thiệt hại về thương hiệu, doanh thu mà còn khiến NTD chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây nhức nhối và hoang mang cho toàn xã hội.
Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc khảo sát, đánh giá thực trạng, tình hình tại các địa bàn trọng điểm. Huy động các lực lượng chức năng với tinh thần kiên quyết, công khai minh bạch, không bao che hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại của các cơ sở, đơn vị kinh doanh.
Riêng với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân 2016.
Cạnh tranh không lành mạnh cũng lắm
Không chỉ phải đối mặt với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… DN còn phải đối mặt với nhiều chiêu trò nhằm "hạ bệ" nhau trên thương trường.
Theo đại diện Sabeco, việc các đối thủ giở chiêu trò để "tiêu diệt" nhau và giành giật thị trường ngày càng trở nên phổ biến. Đơn cử như nhân viên kinh doanh của bia đối thủ cho người uống bia nói xấu bia Sài Gòn uống đau đầu, đau bụng, có độ ngọt. Thậm chí, cho cá nhân gửi hàng chục chai bia Sài Gòn có vật thể lạ và một con thằn lằn và đòi bia Sài Gòn phải bồi thường hàng tỷ đồng thì mới cho qua.
Bia Huda Huế cũng không nằm ngoài vòng xoáy “dị vật” khi bị phát hiện vào tháng 5 vừa qua, thậm chí hồi năm 2011, dòng bia này còn bị phát hiện có cả ống thủy tinh trong chai sản phẩm.
Phổ biến nhất hiện nay là các “dị vật” liên tiếp xuất hiện trong các sản phẩm nước giải khát suốt thời gian qua. Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, các sản phẩm như Stingcủa Pepsico, trà C2 của URC liên tiếp bị phát hiện có các dị vật như sâu, ruồi vả cả dây thun trong chai nước. Vào tháng 9, đến lượt hàng loạt sản phẩm của Coca Cola như nước cam Teppy bị tố có dị vật nổi lập lờ.
Điển hình về cạnh tranh không lành mạnh trong suốt thời gian qua là vụ việc ông Võ Văn Minh sở hữu chai nước có ruồi được cho là của Tân Hiệp Phát bị bắt giam và khởi tố vì hành vi tống tiền DN này khiến Tân Hiệp Phát điêu đứng cả năm qua.
Mặc dù ông Minh đã thừa nhận hành vi tống tiền trước cơ quan điều tra, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cũng đã có văn bản kết luận chai sản phẩm có ruồi có dấu vết mở nắp, và các kết luận khác của các đoàn thanh tra liên ngành nhưng trên các trang mạng xã hội, một số đối tượng xấu đã cố tình bám vào vụ việc và xuyên tạc thông tin đồng thời kêu gọi một làn sóng tẩy chay Tân Hiệp Phát trên cộng đồng internet.
Thông thường, đứng trước hành vi tống tiền của NTD khi họ phát hiện ra các sản phẩm có dị vật, các DN thường chỉ có 1 trong 2 lựa chọn là thỏa hiệp với khách hàng để cho qua chuyện hoặc thẳng thắn đối diện và đi tới tận cùng sự thật để làm sáng tỏ sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm xuất phát từ bản thân DN hay bị “phù phép” bởi các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia trong ngành, cái giá mà Tân Hiệp Phát phải trả khi không chấp nhận thỏa hiệp với hành vi vi phạm pháp luật của NTD mà cụ thể là ở đây là ông Minh đã có thể lên tới hàng trăm triệu USD bởi sụt giảm nghiêm trọng về uy tín thương hiệu dẫn tới đánh mất thị phần và doanh thu.
Tất nhiên, khi mọi việc được phân định rõ đúng- sai, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đã phải chịu một sự tổn thất lớn lao nhưng đây cũng là cách mà Tân Hiệp Phát "dám" đứng lên "chiến đấu" với những cạnh tranh không lành mạnh, phản bác lại các tin đồn bóp méo sự thật, để người tiêu dùng an tâm, tin tưởng vào hàng hoá, sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đứng vững trong cạnh tranh với các DN nước ngoài