7 thành tựu nổi bật của ngành LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:54 - 26/01/2017
1. Giải quyết việc làm cho người lao động - một giải pháp cốt lõi của an sinh xã hội, đến Chương trình “Có việc làm” - một chương trình nhân văn của của thành phố.
Từ những giải pháp giải quyết việc làm trong những ngày đầu khi thành lập và Chương trình “Có việc làm” năm 2005 cho đến nay thành phố Đà Nẵng đem lại những thành quả rất to lớn về việc làm, thu nhập cho người lao động nói riêng và an sinh xã hội nói chung. Trong 20 năm qua đã giải quyết việc làm cho 525.000 lao động; giai đoạn từ 1997 - 2006 bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 20.780 lao động và giai đoạn 2007-2016 bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 31.650 lao động. Hạ tỉ lệ thất nghiệp từ 6,74% ở năm 1997 xuống còn 3,8% ở năm 2016.
2. Phát triển đào tạo nghề - nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật đáp ứng nhu cầu cơ bản phát triển kinh tế của thành phố.
Từ chưa tới 20 cơ sở đào tạo nghề trình độ sơ cấp là chủ yếu với quy mô đào tạo chưa đến 10.000 học sinh, đến nay đã có 55 cơ sở đào tạo nghề, trong đó: 6 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 12 trung tâm dạy nghề và 33 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề với quy mô đào tạo hơn 50 ngàn người ở các cấp trình độ (tăng hơn 5 lần) và 157 ngành nghề đào tạo.
Kết quả gần 20 năm qua đã đào tạo hơn 534 ngàn người, trong đó: Cao đẳng nghề 29,4 ngàn người; trung cấp nghề 80,55 ngàn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng 424,56 ngàn người, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 11% lên 47% (góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 61,73%). Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, hơn 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp (Ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỷ lệ này đạt trên 90 - 100%).
3. Thực hiện tốt mục tiêu “không có hộ đói” đến mục tiêu “không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” của Chương trình giảm nghèo là thực hiện chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Năm 1997, sau khi chia tách trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng còn 850 hộ đói, 10.471 hộ nghèo. Ngay từ ngày đầu mới chia tách, lãnh đạo thành phố luôn tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2000 thành phố đã xóa hết hộ đói và không còn hộ nghèo. Từ đó đến nay thành phố đã 5 lần nâng chuẩn và ban hành đề án giảm nghèo theo từng giai đoạn, chuẩn nghèo của thành phố luôn cao hơn chuẩn nghèo của TW từ 20-30% và luôn hoàn thành mục tiêu về đích trước thời gian từ 1-2 năm. Đặc biệt từ năm 2009 Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU trong đó phân công các đơn vị, doanh nghiệp, tổng Công ty huy động nguồn lực hỗ trợ các địa phương để trợ giúp hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chủ trương trên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các ngành, đoàn thể, các cơ quan doanh nghiệp, hầu hết hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thiết thực và đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua gần 20 năm thực hiện chương trình giảm nghèo thành phố đã hỗ trợ xây mới 7.526 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 4.433 nhà, bố trí 713 chung cư cho hộ nghèo; hỗ trợ lắp đặt điện, nước, công trình vệ sinh cho 5.188 hộ; cho 211.100 lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo vay vốn làm ăn; giới thiệu, đào tạo nghề cho 37.298 người, giải quyết việc làm cho 53.838 người nghèo; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho 4.799 hộ, hướng dẫn cách làm ăn cho 73.674 lượt người; mua và cấp thẻ BHYT miễn phí cho 1.074.943 lượt người nghèo; khám chữa bệnh miễn phí cho 378.130 lượt người; miễn giảm học phí cho 100.777 lượt học sinh và hỗ trợ chi phí học tập, dụng cụ học tập cho 272.586 lượt học sinh...Nhìn chung, hầu hết hộ nghèo trên địa bàn thành phố đã tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống được cải thiện về nhiều mặt.
4. Thực hiện chương trình “Không có người lang thang xin ăn” - chương trình đem đến cho thành phố văn hóa, văn minh và an bình.
Là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình “Không có người lang thàng xin ăn”. Với số điện thoại đường dây nóng 550550 trở thành quen thuộc đối với mỗi người dân của thành phố. Bằng các giải pháp tích cực, chính sách khuyến khích “thưởng nóng” cho cá nhân, tổ chức phát hiện cung cấp thông tin cho các ngành chức năng xử lý kịp thời người lang thang xin ăn; ban hành khung pháp lý xử lý kịp thời các đối tượng biến tướng như bán hàng rong kết hợp với xin ăn, người dẫn dắt trẻ em hoặc người khuyết tật để bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách. Bên cạnh đó, thông qua hình thức tuyên truyền như: Cổ động trực quan, tuyên truyền trên các phương tiện tuyền thông, tuyên truyền miệng tại các khu dân cư, nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân, đồng thời, để tạo điều kiện cho các đối tượng bán hàng rong chuyển đổi ngành nghề, các địa phương rà soát, thống kê, lập danh sách phân loại số đối tượng bán hàng rong là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em tổ chức các buổi đối thoại vận động họ chuyển đổi ngành nghề bằng các giải pháp hỗ trợ như, giải quyết chính sách bảo trợ xã hội, cho vay vốn, hỗ trợ vốn, sinh kế khám chữa bệnh, bố trí buôn bán tại nơi cố định.. để họ làm ăn ổn định cuộc sống không tái phạm.
Kết quả qua 20 năm đã phát hiện tập trung 2.353 đối tượng, trong số đó đã tư vấn, hỗ trợ đưa về hòa nhập cộng đồng 2.102 đối tượng, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hàng trăm người. Đến nay, tiếp tục mục tiêu “ không có người lang thang xin ăn” đã trở thành "thương hiệu" của thành phố Đà Nẵng được đánh giá cao.
5. Thực hiện mục tiêu “nâng cao mức sống người có công với cách mạng bằng và cao hơn mức sống nhân dân nơi cư trú” là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Thành phố Đà Nẵng có trên 100 ngàn đối tượng được xác nhận theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có trên 22.000 lượt người hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thành phố Đà Nẵng có những chính sách vượt trội: Trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn và cho các đối tượng có mức trợ cấp thấp có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thành phố xây dựng những phong trào đầy ý nghĩa và hiệu quả; Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”: 20 năm qua, các cấp đã vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 143 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ, trợ cấp khó khăn...; phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (thành phố có 3.116 mẹ được Nhà nước tuyên dương danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng), 100% các Mẹ còn sống đều được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng hàng tháng với mức từ 1 triệu đồng trở lên.
Chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, đặc biệt được quan tâm; đã 03 lần thay đổi chính sách hỗ trợ (mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ), đã có 24.072 lượt gia đình, kinh phí hơn 465 tỷ đồng; xây dựng nhà tỉnh nghĩa và hỗ trợ sửa chữa nhà cho 12.971 hộ, kinh phí hơn 186 tỷ đồng, ngoài ra còn bố trí 854 lô đất và nhà chung cư cho các hộ có khó khăn về nhà ở, đất ở. Đến nay 100% gia đình người có công có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú, trong đó có trên 80% gia đình chính sách có mức sống khá. 100% xã, phường được công nhận là xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
6. Bảo vệ, chăm sóc và phát huy quyền trẻ em của thành phố đã được tổ chức thành hệ thống phát huy hiệu quả - một bước tiến vượt bậc trong 20 năm qua.
Theo thống kê đến cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố 229.377 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 22,5% dân số; trong đó, có 2.539 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TECHCĐB), chiếm tỷ lệ 1,1% dân số trẻ em và có khoảng hơn 15.500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội...)..
Trong chặng đường 20 năm, thành phố đã kiện toàn tổ chức thành hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ thành phố đến cơ sở; đặc biệt đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên BVCSTE tại thôn, tổ dân phố với hơn 1.000 người; đồng thời, huy động lực lượng tình nguyện viên, các tổ chức chính trị xã hội tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách riêng dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, giúp đỡ ngày càng tăng (từ 95,2% năm 2000 tăng lên 99% năm 2016); Duy trì tỷ lệ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc đạt 100% từ năm 2000 đến nay; tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em từ 73,2% năm 2010 tăng lên 100% năm 2015; trẻ em bị xâm hại, bạo lực, vi phạm pháp luật, tai nạn thương tích giảm dần qua các năm.
Kết quả bảo vệ, chăm sóc trẻ em của thành phố luôn được Trung ương đánh giá cao, xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh thành phố trong cả nước về thực hiện quyền trẻ em năm 2015.
7. Thực hiện mục tiêu chương trình “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” hiệu quả mang đậm tính nhân văn và góp phần giữa vững trật tự an toàn xã hội .
20 năm qua, trên lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu quan trọng; giai đoạn 2000 - 2005 thành phố thực hiện đề án “không có người nghiện ma túy”, giai đoạn 2006 - 2015 thực hiện đề án “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” và giai đoạn 2016 - 2020 đang triển khai đề án “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng”.
Đà Nẵng đã huy động nhiều nguồn lực để giúp đỡ người nghiện, tất cả người tham gia cai nghiện đều được miễn các chi phí. Đặc biệt, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện đa chức năng, có quy mô tiếp nhận 800 đối tượng, hình thành các cơ sở điều trị, cắt cơn giải độc nghiện ma túy tại các Trung tâm y tế và một số bệnh viện. Bằng nhiều hình thức, biện pháp tổ chức cai nghiện, thời gian qua đã có trên 7.000 lượt người được tổ chức cai nghiện, có gần 1.000 người cai nghiện thành công.