CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:58

Ngành LĐ-TB&XH 2016: Đạt được hầu hết các chỉ tiêu và vượt mức kế hoạch đề ra

 

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Đào Hồng Lan và Nguyễn Trọng Đàm… cùng lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị


Đạt nhiều kết quả nổi bật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội lần thứ 12 của Đảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ - do đó, năm 2016 có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu kế họach 5 năm 2016- 2020.

Bộ trưởng ghi nhận, với nỗ lực toàn ngành, công tác ngành có nhiều chuyển biến tích cực, ổn định hiệu quả các chủ trương chính sách, xây dựng thể chế đã đảm bảo thực thắng lợi theo chỉ đạo Trung ương. Các lĩnh vực đều được triển khai đồng bộ.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng cho rằng, còn nhiều khó khăn, thách thức từ công tác dạy nghề, lao động nông thôn chưa thực sự chuyển biến, đời sống một bộ phận lao động, nhất là hộ nghèo, các đối tượng xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ- nhất là đội ngũ cán bộ của ngành, cũng như xây dựng và thực hiện các kế hoạch , chương trình đặt ra với những đòi hỏi thực tế cao hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nói.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đọc báo cáo tại Hội nghị


Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết.

Rét đậm, rét hại, bão lũ ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống nhân dân.

Điều đó có tác động không nhỏ tới tất cả các lĩnh vực phát triển của đất nước nói chung và ngành LĐ-TB&XH nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy nhưng với sự nỗ lực từ trung ương tới địa phương, ngành LĐ-TB&XH đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, và vượt mức kế hoạch với nhiều kết quả nổi bật:

Tạo việc làm, phát triển thị trường lao động

  Ước cả năm 2016, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1.641 nghìn người, đạt 102,5% kế hoạch và tăng 1% so với thực hiện năm 2015. 

Trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1.515 nghìn người, đạt 101% kế hoạch và tăng 0,3% so với năm 2015; xuất khẩu lao động trên 126 nghìn người, đạt 126% kế hoạch và tăng 9,6% so với thực hiện năm 2015. 

Cùng với đó, năm 2016, Bộ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng “Đề án xác định thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Năm 2016 cũng là năm ghi dấu về phát triển thị trường xuất khẩu lao động: ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) sau 4 năm tạm ngừng; trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam - Malaysia và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận lao động Việt Nam - Thái Lan…

 

Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động đã được thực hiện tốt. Theo kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương năm 2016 tại 200 doanh nghiệp: thu nhập bình quân/tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đạt 6,03 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 2015, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống của người lao động.

Theo báo cáo của các địa phương, cả năm 2016 có 574.310 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 12,06% so với cùng kỳ năm 2015; số người có quyết định hưởng TCTN là 566.820 người, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm 2015.

Giáo dục nghề nghiệp: Trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH chính thức được Chính phủ giao đảm nhiệm vai trò quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp. 

Ước cả năm tuyển sinh dạy nghề được 1.974,84 nghìn người (đạt 91,8% kế hoạch năm và bằng 99,7% so với thực hiện năm 2015). Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53% (trong đó, có bằng cấp/chứng chỉ đạt 21%).

Về chăm sóc người có công: Đến cuối năm 2016 có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công 456 liệt sĩ; cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho gần 30.000 trường hợp; lập hồ sơ và quyết định cho 33.770 đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi một lần với tổng số tiền là trên 270,7 tỷ đồng.

Xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An); đến nay cơ bản đã hoàn thành. Qua đó, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.

Xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng (kinh phí đề xuất khoảng 7.300 tỷ đồng)...

Công tác giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3- 1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58 - 8,38%); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%), đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Cùng với đó, hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020 (lần đầu tiên đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước).

 

Bảo trợ xã hội: Mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội ngày càng tăng lên. Đến nay, có trên 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí gần 15.000 tỷ đồng. Thực hiện cải cách hành chính, đến cuối năm 2016 đã có 45 tỉnh, thành phố chuyển chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện, đạt kết quả tốt… Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước.

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Tính đến cuối năm 2016 khoảng 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 5,5% trên tổng số trẻ em.

Phòng, chống tệ nạn xã hội: tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện; đến nay, các cơ sở cai nghiện ma túy trong cả nước đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho các cơ sở cai nghiện đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 28.427 người (tăng 14.658 người so với năm 2015). 

Công tác thực hiện bình đẳng giới, cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra và hợp tác quốc tế... đều có những kết quả đáng ghi nhận.

 

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Cờ, Bằng khen cho các địa phương, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác lao động, người có công và xã hội năm 2016.

 

Toàn cảnh Hội nghị


Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trẻ em tại kỳ họp thứ 11; thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.  

Bộ đã trình 35 văn bản, đạt 100% số lượng đề án được giao.  

Công tác xây dựng văn bản, đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ.

Nhìn chung, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2016 đã đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội.

 


NHÓM PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh