CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:19

Ngành LĐ-TB&XH: Hoàn thành các chỉ tiêu, đảm bảo an sinh xã hội

 

Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua

Luật Trẻ em đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 đã nhất trí thông qua vào ngày 5/4/2016, với 89,88% đại biểu tán thành. Luật gồm 7 chương, 106 điều quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường, cá nhân trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ 1/6/2017.

Luật Trẻ em có những điểm mới như: quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm điều kiện để tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em thực hiện nhiệm vụ của mình; trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân về việc tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em cũng như trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành, thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em v.v..

Việc thông qua Luật Trẻ em thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp cận, thúc đẩy và thực hiện quyền trẻ em theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và những khuyến nghị quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tham dự Phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất năm 2017, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2016, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ LĐ -TBXH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Việc thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về một đầu mối đã giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích tính chủ động, tự chủ của các cơ sở dạy nghề.

Đây cũng là điều kiện, tạo cơ hội  cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp với 1.989 cơ sở trên cả nước phát triển đồng bộ, gắn chặt hơn với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong tình hình mới.

Thực tế đã xuất hiện cơ sở dạy nghề theo hướng thí điểm tự chủ về đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định số 538/QĐ-TTg, ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, chủ động đổi mới cơ chế hoạt động trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước, doanh nghiệp và Xác định nhu cầu đào tạo của thị trường lao động.

Tạo bước đột phá về xuất khẩu lao động, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng

Với quan điểm giữ vững thị trường truyền thống, tích cực khảo sát, xúc tiến mở rộng thị trường mới, năm 2016, Ngành LĐ –TBXH đã tạo được những bước đột phá, mở ra nhiều hướng mới cho xuất khẩu lao động, đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở các thị trường tiềm năng như: Thái Lan, Lào, Úc, I-xra-en v.v..

Đối với các thị trường truyền thống, việc ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (dành cho lao động phổ thông) sau gần 5 năm gián đoạn, đã mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Cùng với đó, cơ hội cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản được mở rộng, sau khi  Nhật bản thông qua dự luật cho phép bỏ thời hạn 3 năm đối với việc thuê lao động tạm thời. Riêng tại thị trưởng Nhật Bản, với hơn 30.000 lao động đưa đi trong năm 2016, Việt Nam là nước dẫn đầu trong 15 nước có lao động đang làm việc tại thị trường này với thu nhập ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.

Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016 ước đạt trên 126.000 lao động, vượt 26% so với kế hoạch đề ra và là con số cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này.

Việt Nam đăng cai tổ chức thành công các sự kiện khu vực về lao động và xã hội

Nhằm tăng cường hội nhập, hợp tác trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, từ ngày 26 - 28/4/2016, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Ban điều phối Mạng thông tin ASEAN (ASEAN- OSHNET) về An toàn vệ sinh lao động do Bộ LĐ – TBXH Việt Nam đăng cai tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia ASEAN và 03 nước đối thoại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hội thảo đã đưa ra khuyến nghị đối với các nước thành viên cần đồng bộ phát triển khung pháp lý, các tiêu chuẩn và thực thi hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động.

Cũng trong năm 2016, từ ngày 20 - 23/6/2016, tại Hà Nội, Bộ LĐ - TBXH đã chủ trì, tổ chức thành công Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ 4 với chủ đề “Một ASEAN - Một tầm nhìn vì trẻ em”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một Diễn đàn về trẻ em nội khối. Nhằm góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN thân thiện, gần gũi với mọi trẻ em; tăng cường sự tham gia của trẻ em, lắng nghe tiếng nói của trẻ em và thúc đẩy thực hiện  quyền của trẻ em.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật 'Bản

Tạo bước đột phá trong tư duy chỉ đạo giải quyết  khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Từ kết quả Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với Người có công với cách mạng trong hai năm 2014 – 2015, năm 2016, Bộ đã tích cực tìm kiếm cơ chế, giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công còn tồn đọng và tổ chức triển khai thí điểm  tại 05 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và Đà Nẵng. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐ - TBXH đã quyết định trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt công nhận 86 hồ sơ, trong đó có 57 hồ sơ liệt sĩ chống Pháp, 18 hồ sơ liệt sĩ chống Mỹ và 11 hồ sơ thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Từ kinh nghiệm triển khai thí điểm trong năm 2016, từ năm 2017, Bộ LĐ-TBXH chủ trương nhân rộng và giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng trên phạm vi cả nước. 

Bộ Lao động TBXH cũng phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT – BYT – BLĐTBXH hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người có công và con đẻ của họ. Quốc hội cũng quyết định bố trí 7.300 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để giải quyết nhà ở cho người có công. Trong trường hợp cần thiết, ưu tiên bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2018.

Cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán và sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung

Trước những ảnh hưởng và hậu quả của thiên tai, hạn hán và sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, Bộ LĐ-TBXH đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ có những giải pháp cứu trợ kịp thời không để người dân nào bị thiếu đói, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Năm 2016, Bộ  đã trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hơn 67 ngàn tấn gạo cứu trợ cho gần 3, 5 triệu người thiếu lương thực do thiên tai. Cụ thể, hỗ trợ gần 17.489 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 1,133 triệu người; 9.581 tấn gạo cho 412 ngàn người vùng hạn hán các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ; 212,130 tấn gạo cho trên 14 ngàn người vùng xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre; 12.718 tấn gạo cho gần 350 ngàn ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển và 7.881 tấn gạo cho trên 224 ngàn người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên.

Cùng với cứu trợ, Bộ LĐ-TBXH cũng tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương tìm giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 được triển khai với khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đổi mới về giải pháp, phương thức thực hiện

Thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội, ngày 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chương trình đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/ năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Cùng với việc chuyển đổi phương pháp đo lường, xác định hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, Chương trình còn được triển khai với nhiều đổi mới như: Rà soát, tích hợp, sửa đổi và bổ sung chính sách từ 39 loại văn bản khác nhau; Tăng cường phân cấp cho địa phương, thay đổi cách thức giao vốn hàng năm; lồng ghép nguồn lực thực hiện với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 21 chương trình mục tiêu khác; tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, nhóm dân cư; phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà cho gia đình ông Đoàn Bồi, ở xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Với chủ đề "Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái", Tháng hành động Vì  bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được triển khai từ ngày 15/11 đến 15/12/2016 đã thu hút được  sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, người dân, cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1464/QĐ – TTg phê duyệt Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đến năm 2020: 100% nạn nhân bạo lực được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 50% người gây bạo lực được phát hiện, hoặc có hình thức xử lý phù hợp, hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.

 Các chính sách về việc làm, an toàn vệ sinh lao động đi vào cuộc sống; tăng cường công tác thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng

Tiếp tục triển khai các chính sách mới về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, năm 2016, Bộ LĐ-TBXH đã tích cực tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định; 7 Thông tư  hướng dẫn chi tiết Luật An toàn vệ sinh lao động trong bối cảnh Luật có hiệu lực từ 1/7/2015. Tổng số, trong năm, Bộ đã trình 35 văn bản, đạt 100% số lượng đề án và là một trong số ít các bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng văn bản do Chính phủ giao.

Bên cạnh việc cắt giảm các thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ cũng đã chủ động đề xuất Chính phủ giảm tỷ lệ đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mỗi quỹ từ 1 % xuống 0,5 % với tổng số tiền dự kiến được cắt giảm là khoảng 5.400 tỉ đồng.

Trước tình trạng tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng gia tăng, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lần đầu tiên Chiến dịch Thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn” được phát động trên phạm vi cả nước, đã thanh tra được 1.036 doanh nghiệp, công trình hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đạt gần gấp đôi chỉ tiêu đề ra. Qua đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động.

Khó khăn, thách thức và những định hướng mới trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong năm 2016, những vụ việc đập phá, bỏ trốn, liên tục xảy ra tại các cơ sở cai nghiện các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và một số địa phương khác đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội v.v..

Để giải quyết tình trạng này, cùng với việc triển khai kịp thời một số giải pháp, ngày 23/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống cai nghiện ma túy. Theo đó, cần phải có những giải pháp toàn diện từ tăng cường nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; tập trung thực hiện mục tiêu 3 giảm: Giảm cung – Giảm cầu – Giảm tác hại; đổi mới, chuyển đổi mô hình cai nghiện và tăng cường nguồn lực, kinh phí cho nhiệm vụ này. Chỉ đạo của Chính phủ tại Hội nghị cũng đã được đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối năm.

Năm  2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, giao Bộ LĐ-TBXH chủ trì xây dựng Dự án Luật phòng, chống mại dâm. Tập trung cho việc tăng cường các hoạt động phòng ngừa; thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại và xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm thay đổi cuộc sống.

 Những kết quả, thành tựu đạt được trong năm 2016 sẽ là tiền đề, động lực để toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục vững bước, tự tin triển khai nhiệm vụ năm 2017 theo đúng chủ đề Chính phủ đề ra: “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” tích cực thi đua, lập thành tích chào mừng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh – Liệt sĩ ( 27/7/1947 – 27/7/2017).

NHÓM PV LĐXH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh