THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:54

65,4% sinh viên năm nhất chưa hiểu hết mục đích ngành học

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc định hướng ngành nghề sớm với học sinh có vai trò rất quan trọng.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc định hướng ngành nghề sớm với học sinh có vai trò rất quan trọng.

10 - 12% SV bỏ học, chuyển ngành sau 2 năm

Theo số liệu của một số trường đại học vừa công bố, gần 50% học sinh không biết chọn ngành, nghề phù hợp hơn 40% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì và 77% mong muốn được tư vấn chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc định hướng ngành nghề sớm với học sinh có vai trò rất quan trọng, qua đó giúp các em hiểu được năng lực, sở thích và đam mê, để từ đó theo đuổi ước mơ nhằm lập thân, lập nghiệp, tránh "đi lạc, ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ". Tuy vậy, thực tế cho thấy không ít học sinh dù có tư duy và quan điểm rõ ràng về ngành nghề nhưng vẫn chấp nhận đăng ký vào ngành học mà bố mẹ đã định hướng, để rồi sau đó phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát.

“Hệ lụy của việc chọn thiếu định hướng đã khiến không ít SV vất vả, chật vật theo đuổi việc học vì không cảm thấy hứng thú. Thậm chí, nhiều SV ngay khi bắt đầu học đã chán nản, không thấy niềm vui trong học tập. Thực tế, tỷ lệ SV bỏ học, chuyển ngành sau 2 năm chiếm từ 10 - 12%. Trong đó, số SV chuyển ngành, bỏ học để thi lại ngành học yêu thích chiếm con số không nhỏ”, một chuyên gia chia sẻ.

Học sinh cần tự trả lời: Cần gì, muốn gì và thích gì

TS tâm lý Đào Lê Hòa An, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho rằng, hệ lụy của việc chọn ngành, chọn nghề sai của học sinh không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc, thanh xuân mà còn khiến các bạn bắt nhịp với thị trường lao động bằng sở đoản.

“Điều này khiến các em tụt lại, chậm hơn người khác bởi bắt đầu mọi thứ ở thế chông chênh và không thuộc sở trường. Vì vậy, trong việc chọn ngành nghề, cha mẹ hãy để học sinh tự lắng nghe và trả lời các em cần gì, muốn gì và thích gì. Việc định hướng nghề nghiệp cho con chỉ nên đứng ở vai trò khuyến khích, tham vấn dựa trên thế mạnh nổi trội và đam mê của con thay vì ép buộc”, ông An cho hay.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Việc chọn ngành, chọn nghề không đúng sở trường sẽ khiến SV vất vả khi học tập. Phần đông SV phát hiện đã chọn sai nghề thường rơi vào năm 2 hoặc 3, khi đó rơi vào trạng thái khá loay hoay, không tìm được hướng ra. Một số học sinh chán nản thì bỏ học hoặc chuyển ngành, thi lại; học sinh nào cố gắng hoàn thành xong chương trình học 4 năm thì sau khi ra trường cũng khó trụ và phát huy tốt nhất thế mạnh bản thân ở vị trí công việc hoặc buộc phải làm việc trái với nghề đã học.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, hiện những ngành ngôn ngữ được đa số học sinh lựa chọn, điểm chuẩn của các khoa cũng khá cao. Tuy nhiên, nhiều học sinh lựa chọn ngành này vì thấy "hot" chứ không thật sự hiểu học xong ra trường sẽ làm gì. "Các em cần lưu ý, với ngành “hot”, bản thân không chịu học hay không yêu thích, không giỏi cũng sẽ bị đào thải. Những ngành tưởng kém “hot” hơn nhưng nếu các em làm thật tốt thì cơ hội công việc vẫn rất rộng mở”.

Năm nào cũng vậy, mỗi kỳ thi tuyển sinh đều có những áp lực nhất định nên các em hãy coi áp lực chính là động lực để cố gắng; chia sẻ với bạn bè, thầy cô, học theo nhóm để có cơ hội hiểu hơn về ngành nghề cho tới việc học, biết mình yếu ở môn nào để khắc phục, không nên cố học các ngành nghề không phù hợp với năng lực của mình.

Việc định hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến thành công trong tương lai. Khi có định hướng đúng đắn, mỗi cá nhân sẽ phát huy được khả năng để tiếp cận công việc, tự tin và đạt hiệu quả cao trong công việc mình đã lựa chọn.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh