THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:14

Bí kíp chọn ngành học trong công cuộc chuyển đổi số

Bí kíp chọn ngành học trong công cuộc chuyển đổi số - Ảnh 1.

Học sinh cần lựa chọn ngành, nghề phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân.

PGS, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, khối ngành Toán tin, Toán ứng dụng là những ngành cần trong nhiều lĩnh vực chuyển đổi số. Đây cũng là những ngành được nhiều trường đại học đào tạo. Riêng trong khối ngành Công nghệ thông tin có những chuyên ngành như: Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An ninh mạng... rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số. Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội mở 5 chương trình mới, trong đó có tới 3 chương trình liên quan đến nội dung chuyển đổi số, cụ thể: Chương trình về hệ thống điện và năng lượng tái tạo thuộc lĩnh vực Kỹ thuật điện; lĩnh vực Điện tử viễn thông có Truyền thông số và kỹ thuật đa phương tiện liên quan đến xử lý thông tin về giọng nói, hình ảnh.

"Chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực xã hội nên không có nghĩa chỉ làm việc ở các cơ sở chuyên về công nghệ thông tin mới cần thiết với mục tiêu chuyển đổi số. Mỗi ngành nghề có những đòi hỏi mang tính đặc thù trong mục tiêu chuyển đổi số, dó đó cần có hiểu biết kiến thức chuyên ngành", PGS, TS Trần Trung Kiên lưu ý.

PGS, TS Hoàng Đình Phi, Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2021, Khoa Quản trị và Kinh doanh của trường công bố ngành học mới là Quản trị và An ninh. Theo đó, cử nhân Quản trị và An ninh sau khi tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi có nhiều cơ hội nghề nghiệp tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo các nhóm công việc như: Làm việc cho các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ: Công an, Quốc phòng, TT&TT, Ngoại giao… hay các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương; làm chuyên viên phát triển công nghệ số, chuyên viên an ninh mạng, chuyên viên công nghệ tài chính, chuyên viên an ninh tài chính, chuyên viên khai thác dữ liệu, chuyên viên phát triển kinh doanh số, trợ lý hoặc chuyên viên cho các cơ quan hành chính, tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ.

PGS, TS Phạm Văn Thuần, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Hàng Hải Việt Nam) chia sẻ, nếu bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 thường gắn với CMCN 4.0 thì năm 2021 được cụ thể hơn với định hướng liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, đến phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển… Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là những định hướng quan trọng cho học sinh chọn trường, chọn nghề.

Để rõ hơn về ngành logistics, PGS, TS Vũ Thị Hiền (Đại học Ngoại thương) cho biết, logistics là ngành hậu cần. Quá trình đưa hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng rất phức tạp. Với nền kinh tế áp dụng công nghệ, ngành này giúp cung ứng hàng hóa trên thế giới thuận lợi hơn. "Đơn cử, hệ thống cung Walmart của Mỹ có một hệ thống logistics khổng lồ, ứng dụng công nghệ rất cao. Đây là ngành giao thoa kinh tế và kỹ thuật, cung cấp cơ hội việc làm rất tốt. Các trường hiện lồng ghép với các chứng chỉ quốc tế để các học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra, có thể làm việc tại các công ty có quy mô lớn", PGS, TS Vũ Thị Hiền cho biết thêm.

Lớp 12 là thời điểm các em học sinh đứng trước rất nhiều kỳ thi và sự lựa chọn ngành, nghề mà mình sẽ theo đuổi. Lựa chọn đúng, cơ hội sẽ rộng mở nhưng lựa chọn sai sẽ gặp rất nhiều khó khăn cùng đồng hành với các em trong suốt những năm tháng sau này. Theo các chuyên gia tuyển sinh, mỗi ngành nghề đòi hỏi những tố chất nhất định phù hợp với đặc thù công việc. Tuy nhiên, thực tế, không phải học sinh nào cũng đam mê hoặc có khả năng theo đuổi những ngành nghề "hot", dễ xin việc, thu nhập cao… Do vậy, các em cần lựa chọn ngành, nghề phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh