6 tháng: Tổng các suất quà tặng cho các đối tượng chính sách, người có công hơn 8,1 nghìn tỷ đồng
- Người có công
- 13:04 - 01/07/2020
Tỷ lệ nghèo đa chiều có xu hướng giảm dần
Tổng Cục Thống kê cho biết, theo Kết quả điều tra Mức sống dân cư năm 2019, tỷ lệ nghèo đa chiều có xu hướng giảm dần: giảm từ 7,9% trong năm 2017 xuống 6,8% năm 2018 và đến năm 2019 xuống còn 5,7%, đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược giảm nghèo quốc gia.
Xu hướng giảm này ở cả thành thị, nông thôn và các vùng kinh tế, đây cũng là kết quả tích cực của công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.
Đời sống dân cư đang dần được cải thiện, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung của cả nước theo giá hiện hành năm 2019 đạt gần 4,3 triệu đồng, tăng 10,9% so với năm 2018 (tăng 421 nghìn đồng), trong đó khu vực thành thị đạt hơn 6 triệu đồng, tăng 7,1% (tăng 398 nghìn đồng); khu vực nông thôn đạt 3,4 triệu đồng, tăng 13,8% (tăng 413 nghìn đồng).
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 10,1 triệu đồng, gấp 10,2 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất đạt 988 nghìn đồng.
Chênh lệch thu nhập và phân hoá giàu nghèo trong dân cư còn được thể hiện qua Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GINI). Hệ số GINI cả nước năm 2019 là 0,423, trong đó khu vực nông thôn là 0,415 có sự chênh lệch nhiều hơn so với 0,373 của khu vực thành thị.
Đời sống dân cư trong 6 tháng đầu năm tuy chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến hết tháng 4/2020 nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân nên nhìn chung đời sống dân cư cả nước vẫn giữ được ổn định và đang dần được cải thiện.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Tính đến 31/5/2020, cả nước có 5.177 xã (chiếm 58,2% tổng số xã của cả nước) và 126 huyện (chiếm gần 19% tổng số huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tháng 6, không có địa phương nào phát sinh thiếu đói
Cũng theo số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố, trong tháng Sáu, không có địa phương nào phát sinh thiếu đói.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, cùng giảm mạnh 74,6% so với cùng kỳ năm trước cả về số lượt hộ và số lượt nhân khẩu thiếu đói.
Thiếu đói trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra chủ yếu ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc như: Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cao. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2,9 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 2,6 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.
Bên cạnh đó, có hơn 18,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Tính đến ngày 10/6/2020, cả nước giải ngân được 10,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo hơn 10,4 nghìn tỷ đồng; người lao động 50,5 tỷ đồng; hộ kinh doanh 2,6 tỷ đồng.