Cấp dưới của Phạm Công Danh: "Chúng tôi làm theo chỉ đạo của cấp trên"
- Pháp luật
- 21:13 - 29/07/2016
Theo cáo trạng, với vai trò Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB), Hoàng Đình Quyết và các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 14 công ty để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, sử dụng các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng (thực chất là đất của tập đoàn Thiên Thanh), định giá nâng giá trị các lô đất lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo, sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh, chỉ đạo 15 cá nhân chuyển khoản hoặc rút tiền mặt trái phép bằng các hồ sơ vay VNCB với số tiền 4.700 tỷ đồng.
Số tiền này, Danh trả nợ cho một ngân hàng khác 2.600 tỷ đồng (thay cho các công ty của VNCB vay trong khoản vay 4.700 tỷ đồng của ngân hàng này), trả cho nhóm Trần Ngọc Bích 500 tỷ đồng, trả cho nhóm Phú Mỹ 135 tỷ đồng cho việc mua cổ phần. Số còn lại 1.465 tỷ đồng, Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể, gây thiệt hại cho VNCB 2.095 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ đại án.
Được thẩm vấn đầu tiên vào phiên xét hỏi ngày 27/7, bị cáo Doãn Quốc Long (nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn, bị VKS quy kết đã gây thiệt hại cho VNCB gần 203 tỷ đồng liên quan đến hồ sơ vay của công ty Đại Hoàng Phương) khai: Bị cáo tiếp nhận hồ sơ vay của công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng từ "sếp" Hoàng Đình Quyết.
Khi đó, Quyết nói đây là khoản vay đã được các cấp lãnh đạo phê duyệt, trực tiếp là Phạm Công Danh (lúc này đã là cổ đông lớn nhất của ngân hàng) chỉ đạo phải giải quyết hồ sơ cho vay gấp.
Sau khi tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ về hình thức, thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo đã được định giá nên Long đã báo cáo đề xuất tín dụng đồng ý cho đơn vị trên vay tiền. Tuy nhiên, Long thừa nhận quá trình giải quyết hồ sơ vay bị cáo có sai sót là không đi thẩm định thực tế khách hàng.
Tương tự như Long, bị quy kết gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng khi giải quyết các hồ sơ vay là "công ty ma" của Phạm Công Danh, các bị cáo Nguyễn Quốc Sơn, Bùi Thanh Nguyên (cả hai nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Lam Giang) đều có lời khai như bị cáo Long.
Theo đó, tất cả các hồ sơ vay của các khách hàng đều do các lãnh đạo ngân hàng "ấn" xuống, lúc thì là "sếp" Quyết, lúc "sếp" Danh kèm theo lời chỉ đạo "hồ sơ đã được Ban lãnh đạo duyệt".
Trả lời câu hỏi của Viện KSND: "Quá trình giải quyết hồ sơ vay các bị cáo có đi gặp khách hàng hay không?", bị cáo Sơn khai: "Việc quan hệ với khách hàng thường là giám đốc chi nhánh lo, nhân viên tín dụng chỉ có nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ xin vay xem có đầy đủ hay chưa rồi ký đề xuất...".
Trong khi đó, với tư cách là Phó phòng phụ trách kinh doanh VNCB, tại toà bị cáo Võ Ngọc Nguyên Bình thừa nhận: Đầu năm 2014, khi tiếp nhận 4 hồ sơ vay vốn của công ty Cường Tín vay 450 tỷ đồng và Công ty Thanh Quang vay 450 tỷ đồng, Công ty Nhất Nhất Vinh vay 420 tỷ đồng và công ty Phước Đại vay 450 tỷ đồng từ “sếp” Mai Hữu Khương "kèm" theo lời dặn dò là "sếp" Danh chỉ đạo tiếp nhận, giải quyết sớm cho các doanh nghiệp trên và Danh đã quyết định việc cho vay.
Làm theo quy trình, Bình đã yêu cầu nhân viên tín dụng Nguyễn Tiến Hùng thẩm định hồ sơ vay vốn. Kết quả cho thấy, cả 4 hồ sơ vay trên đều có rủi ro về hoạt động kinh doanh, tiềm ẩn rủi ro tài chính, có rủi ro về nguồn trả nợ nhưng bị cáo vẫn ký biểu quyết đồng ý trình cho vay trái pháp luật 1.770 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB trên 858 tỷ đồng.
Với chức vụ quyền Trưởng phòng tín dụng VNCB, Thư ký Hội đồng tín dụng Hội sở chính, bị cáo Phan Anh Tuấn bị cáo buộc đã lập tờ trình đồng ý cho vay lên HĐQT cho 10 công ty vay số tiền 3.750 tỷ đồng, gây thất thoát 1.692 tỷ đồng cho VNCB trong khi các công ty này khi tái thẩm định đều có rủi ro về cho vay và thu hồi nợ.
Tại toà, khi được VKS thẩm vấn, bị cáo Phan Tuấn Anh khai: Tất cả những hồ sơ trước khi chuyển lên bị cáo tái thẩm định cho vay thì đã được hội đồng tín dụng kiểm duyệt kỹ lưỡng trước đó, vì vậy bị cáo mới ký nhận. Mặt khác, thời điểm này ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu nên cần phải cho vay nhằm thực hiện đúng chủ trương chỉ đạo từ phía HĐQT.
Theo bị cáo, phòng quản lý tín dụng không có quyền quyết định cho vay cũng như thẩm định cho vay, bị cáo chỉ việc ký nhận và làm tờ trình lên hội sở quyết định những khoản vay cho tất cả các công ty trên.
Trong các tờ trình, bị cáo không có quyết định cho vay hay không mà chỉ là nơi tham mưu kiểm duyệt lại để đưa ra các ý kiến đề xuất cho ngân hàng quyết định những hồ sơ vay vốn.
Quá trình tái thẩm định hồ sơ, 2 công ty An Phát và Toàn Tâm (vay tổng cộng 700 tỷ đồng) bị cáo đã nhận thấy rõ những rủi ro bởi tất cả tài sản thế chấp đều do tập đoàn Thiên Thanh nắm giữ nhưng hoàn toàn không biết những công ty này là công ty con của Thiên Thanh nên không ký nhận cho hai công ty này vay tiền bởi những tài sản thế chấp là do tập đoàn Thiên Thanh nắm giữ.
Tuy nhiên, sau khi xem lại hồ sơ thấy giữa công ty Toàn Tâm và tập đoàn Thiên Thanh đã có những thỏa thuận trước đó, nên bị cáo buộc phải ký nhận và trình lên hội sở các khoản vay vốn.