Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Đồng đội tôi là những anh hùng
- Người có công
- 16:52 - 16/02/2019
Tiếng gọi khi tổ quốc lâm nguy
Sáng sớm 17.2.1979, Trung Quốc đưa hơn 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, tấn công 6 tỉnh phía bắc nước ta. Bên này biên giới, quân chủ lực của Việt Nam đang bị chia nhỏ ở các chiến trường Campuchia, Lào; miền Nam và quanh Hà Nội. Tổng lực lượng phòng thủ biên giới lúc này chỉ có bảy sư đoàn, một lữ đoàn và dân quân sáu tỉnh, tổng cộng chưa đến 60 nghìn người. Những tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới phía Bắc mở màn cho một cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới gian khổ, mất mát hy sinh nhưng cũng vô cùng anh dũng của dân tộc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ký ức của những người trong cuộc
Ngày mùng 5 tháng 3 năm 1979, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc". Theo tiếng gọi linh thiêng khi tổ quốc lâm nguy đã khiến cho những trái tim yêu nước bùng lên ngọn lửa chiến đấu.
Trong tiềm thức của ông Lê Văn Cường (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội), vẫn nhớ như in cái không khí sôi sục chiến đấu trên cả nước. Tất thảy thanh niên trai tráng thời điểm đó đều mong muốn ngay lập tức cầm súng ra chiến trường bảo vệ tổ quốc. Cuối năm 1979 ba chàng trai trẻ mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi của miền quê xứ Đoài (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội) là Nguyễn Quang Độ, Lê Văn Cường, Nguyễn Hữu Tuấn cùng lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng
Từ tháng 4/1979 cho đến tháng 4/1984, mặt trận không ngày nào im tiếng súng nhưng chỉ rải rác các trận đánh nhỏ, cho đến ngày 28.4.1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công lần thứ hai vào biên giới Việt Nam với hơn 50 vạn quân, hơn 400 pháo lớn các loại, hàng nghìn xe cơ giới, tập trung vào biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang).
Năm 1984, khu vực vành đai biên giới Vị Xuyên dần chuyển biến phức tạp, khi đó ông Lê Văn Cường đang là Đại đội phó chỉ huy đơn vị C14, Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 356, đóng quân ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay tỉnh Lao Cai) nhận lệnh từ cấp trên hành quân tức tốc sang chiến đấu tại mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên. Trong mặt trận trải dài khoảng 12km, Sư đoàn 356 là đơn vị chiến đấu chủ lực với toàn bộ quân số. Trong tình thế chiến đấu vô cùng gian khó, khi quân địch đã chiếm phần lớn các điểm cao như 1509, 812, 772, 685, 300, 400…và các khu lân cận tại ngã ba Thanh Thủy.
CCB Lê Văn Cường hồi tưởng lại các trận đánh
Ngày 12/7/1984 quân ta mở chiến dịch chiến đấu thứ nhất tại mặt trận Vị Xuyên, Sư đoàn 356 được giao nhiệm đánh điểm cao 772, trực tiếp chiếm lĩnh trận địa. Trong tình thế cấp bách, cả đơn vị phải hành quân suốt đêm qua những cánh rừng để kịp đào hào công sự. Đúng 3 giờ sáng, quân ta nổ súng đánh điểm cao 772. Tuy nhiên, chỉ đến rạng sáng quân địch lại tổng lực phản công chiếm lại trận địa, đơn vị của ông Cường được cấp trên chỉ thị chiến đấu đến viên đạn cuối, mới được phép lui về cố thủ cứ điểm. Ngày 12/7/1984, được cho là ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 600 người lính ngã xuống khi ta mở cuộc phản công mang bí danh MB84, lấy lại các cao điểm bị địch chiếm đóng trái phép.
Kết thúc chiến dịch, ông Cường bị thương do dính một mảnh đạn pháo ngang sườn, được đưa quay về điều dưỡng tại tuyến dưới. Sau khi vết thương đã lành ông trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu tại Hang Làng Lò và các mặt trận khác ở Vị Xuyên cho đến năm 1989 khi kết thúc cuộc chiến đấu.
Không may mắn như ông Cường, người đồng đội cùng quê, cùng nhập ngũ chung một Sư đoàn, ông Nguyễn Quang Độ hiện đang là thương binh hạng ¼, đã phải để lại một phần xương máu nơi chiến trường khốc liệt.
Tại mặt trận Vị Xuyên, ông Độ khi đó là Đại đội trưởng – Đại đội 14, Trung đoàn 153, thuộc Sư đoàn 356 tham gia cả 2 chiến dịch ác liệt nhất trên mặt trận những năm 1984 – 1985. Theo ông Độ hồi tưởng lại, trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất phải kể đến các chiến sĩ bám chốt. Nơi cao điểm của các đợt tấn công, đối đầu trực diện với quân địch đề bảo về từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc. Trên chốt do điều kiên khó khăn, thiếu thôn đủ thứ mỗi chiến sĩ một ngày chỉ có 1 bi đông nước, lương thực chủ yếu là cơm nắm, không đèn dầu, không tắm rặt, không cắt tóc gội đầu. Màn đêm buông xuống các chiến sĩ lại phải đốt nóng vỏ đạn để lấy ánh sáng giữa núi rừng hoang vu, khi tỉnh dậy thì khói muội của đạn đã phủ trắng khắp người: “Chỉ có những người sống trong những giây phút đó mới thấu hiểu được những khó khăn vất vả mà các chiến sĩ của ta đã vượt qua”, ông Độ ngậm ngùi chia sẻ.
Tháng 1/1985, quân ta tổ chức chiến dịch tiến công thứ hai tại mặt trận Vị Xuyên, đơn vị xác định vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực E4 và điểm cao 685 nên quyết định giao cho Đại đội 14 đánh luồn sâu, đánh thu hồi bằng được điểm cao trước Tết Nguyên đán. Đại đội 14 do ông Độ chỉ huy được coi là đội cảm tử, Ban tham mưu mặt trận Vị Xuyên xác định đây là mũi tấn công đi dễ khó về. Tuy nhiên, đơn vị đã vô cùng anh dũng khi đánh tiêu giệt hoàn toàn mục tiêu địch mà chỉ để hy sinh một đồng chí và bị thương 1 đồng chí.
Quân ta nắm được khu vực E4 và điểm cao 685 chưa lâu thì quân địch đồng loạt dội pháo không ngớt, có thời điểm tiếng pháo nổ ầm ầm suốt nhiều giờ. Cả một vùng đồi núi xanh tốt trước đó, chỉ còn trơ lại 2 màu đỏ của đất và màu trắng của đá. Tất cả đã trở thành bình địa sau những cuộc pháo kích dữ dội của quân địch.
Sau tiếng pháo nổ đuỳnh bên tai, ông Độ chỉ còn thấy một làn khói xanh trước khi nằm gục mê man. Khi tỉnh dậy thì toàn thân ê ẩm, nhìn xuống chân trái đã hoàn toàn dập nát, được đồng chí giao liên trong đơn vị phát hiện, băng bó vết thương và kéo lê rút xuống cứ điểm phía dưới. Trong làn bom lửa đạn không ngớt, chỉ đi được chưa đầy 200 mét bỗng dưng người giao liên khự lại, ông Độ đã linh cảm có điều chẳng lành. Khi quay lại, đồng chí giao liên đó đã không may dính một mảnh pháo đằng sau gáy, vết thương rất lớn khiến anh hy sinh ngay tại trận.
Ngậm ngùi nhìn đồng đội ngã xuống, ông Độ những tưởng bản thân cũng sẽ nằm lại nơi đây. Cố giắng lết xuống thêm một quãng thì may mắn được các đồng chí ở Tiểu đoàn 5 cứu sống. Vậy là chỉ trong vòng năm ngày toàn bộ chiến sĩ Đại đội 14 đã anh dũng hy sinh, riêng ông Độ phải cắt bỏ một chân và vô số mảnh đạn trên người. Do điều kiện tại chiến trường thiếu thốn, vết thương không được xử lý kịp thời kiến ông bị uấn ván độ 3. Được đưa về tuyến dưới, trải qua thời gian dài điều trị tưởng chừng như sống đi chết lại, ông Độ mới qua cơn nguy kịch.
Nỗi đau dai dẳng
Chiến tranh kết thúc, Sư đoàn 356 giải thể. Các ông Nguyễn Quang Độ, Lê Văn Cường rời quân ngũ, ông trở về quê hương. Riêng ông Độ phải năm điều trị tại trung tâm điều dưỡng thương binh nặng đến năm 1991 mới trở về sống bên gia đình.
Gần bốn thập kỷ sau cuộc chiến, ông Độ và ông Cường dường như không muốn nhắc lại những câu chuyện về cuộc chiến đấu khốc liệt mà mình đã trải qua, trừ những dịp bàn bè đồng ngũ gặp mặt hàn huyên ôn lại kỷ niệm. Bởi các ông nghĩ rằng, nhiệm vụ của người lính khi cầm súng phải quyết tâm chiến đấu, giành giật từng tấc đất cha ông để lại. Dù có hy sinh thì đó cũng là cái giá phải trả cho Tổ quốc được bình yên.
CCB Nguyễn Quang Độ người duy nhất còn lại của Đại đội 14, Trung đoàn 153, thuộc Sư đoàn 356 tại mặt trận Vị Xuyên
Trong tâm trí của ông Độ vẫn nhớ rõ ngày mà địch nã quả pháo lấy đi một phần cơ thể mình, những làn đạn pháo khốc liệt khiến các đồng đội lần lượt ngã xuống. Đặc biệt là nghĩa tình đối với người đồng đội giao liên đã hy sinh khi đang cố đưa ông về tuyến dưới.
Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt các điểm chốt nằm giữa khu vực giao chiến, nên việc tìm thi thể đồng đội vô cùng khó khăn. Nhiều tử thi không còn lành lặn, bị vùi lấp lẫn vào đất đá, có những người đến hôm nay vẫn chưa tìm kiếm được. Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, trong số hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nghĩa trang Vị Xuyên nằm trên trục đường Quốc lộ 2, địa phận thị trấn Vị Xuyên - hiện quy tập được hơn 2.000 mộ liệt sĩ và một ngôi mộ tập thể của những người từng tham chiến tại Hà Giang, nhưng phần đa là những ngôi mộ vô danh.
Với những cựu binh từng chiến đấu ở Vị Xuyên như ông Độ, ông Cường, trong họ vẫn luôn đau đáu một mong ước, đưa được các đồng đội vẫn còn nằm lại dưới những vạt rừng xanh ngắt ở vùng biên cương tổ quốc, được về với quê mẹ, để tất cả mọi người hiểu đúng được về giá trị của cuộc chiến đấu này: “Tất cả các đồng đội của đã ngã xuống đều xứng đáng nhận một tấm huân trương chiến công, xứng đáng được coi là anh hùng”, CCB Nguyễn Quang Độ chia sẻ.